Thứ Tư, 1/03/2023, 13:00

Một số biện pháp phòng và trị bệnh cho cá chép thời điểm giao mùa xuân sang mùa hè

Cá chép là loài cá nước ngọt phổ biến, có giá trị dinh dưỡng cao. Ảnh: KienThucVui.vn

Cá Chép từ lâu đã được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, do cá có hàm lượng dinh dưỡng cao, chế biến ra rất nhiều món ăn ngon. Vì vậy, đây là đối tượng được nhiều người lựa chọn để nuôi. Tuy nhiên, trong thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển của các loài cá nói chung và cá Chép nói riêng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi nếu không có biện pháp phòng trừ bệnh. Chính vì vậy, trong quá trình nuôi bà con cần chủ động phòng và trị bệnh cho cá Chép thời điểm giao mùa từ mùa Xuân sang mùa Hè như sau:

I. Các biện pháp phòng bệnh cho cá Chép

Trong quá trình nuôi cá Chép thương phẩm, bên cạnh việc chuẩn bị ao nuôi, mật độ thả cá giống phù hợp, tỷ lệ nuôi ghép,… thì các biện pháp phòng trị bệnh góp phần không nhỏ giúp cá phát triển khỏe mạnh, tăng năng suất vụ nuôi.

– Cải tạo ao nuôi triệt để, chọn con giống khỏe mạnh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trước khi thả giống, cần tiến hành tắm cá từ 5 – 10 phút với nước muối pha loãng (2 – 3 kg muối/100 lít nước);

– Định kỳ sử dụng vôi hàng tuần với liều 1 – 2 kg/100 m3 nước. Đồng thời treo các túi vôi tại các điểm cho cá ăn;

– Bổ sung các Vitamin và khoáng chất cần thiết vào thức ăn cho cá, nhất là bổ sung Vitamin C để giúp cá tăng sức đề kháng và tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Bên cạnh đó, có thể sử dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản để xử lý và cải thiện môi trường nước ao nuôi (liều lượng tùy từng loại sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất);

– Cần chủ động được nguồn nước để thay khi cần thiết, trong điều kiện nguồn nước thuận lợi bà con có thể thường xuyên thay và cấp nước mới cho ao, lượng nước thay từ 20 – 30% lượng nước trong ao;

Ngoài ra, có thể phòng bệnh cho cá bằng một số cây thảo mộc như: Thân cây chuối, củ tỏi, rau sam, cây nhọ nồi,… và các cây thảo mộc khác bằng cách: Ngâm hoặc thái nhỏ thân cây chuối, rau sam, nhọ nồi và các cây thảo mộc thả xuống ao cho cá ăn, đối với tỏi xay nhuyễn trộn vào thức ăn cho cá ăn trước thời điểm giao mùa từ 15 – 20 ngày.

II. Một số bệnh và biện pháp trị bệnh trên cá Chép thời điểm giao mùa Xuân sang mùa Hè

1. Bệnh đốm đỏ trên cá chép

Dấu hiệu bệnh: Bệnh Đốm đỏ (RSD) là một căn bệnh nguy hiểm trên cá chép, còn có tên gọi khác là bệnh xuất huyết hay hội chứng viêm loét lây lan (EUS). Bệnh chủ yếu xuất hiện vào mùa xuân, đầu mùa hè và mùa thu. Khi nhiễm bệnh, cá chép có dấu hiệu bỏ ăn, bơi lờ đờ trên tầng mặt, da cá tối màu, mất nhớt, xuất hiện các đốm đỏ trên thân và các gốc vây quanh miệng, vảy rụng và bong ra, các vết loét ăn sâu vào cơ thể và có mùi tanh, hậu môn sưng đỏ, xuất huyết nội tạng,…

Cách điều trị: Xử lý môi trường nước bằng thuốc tím với liều lượng 1kg/1000m3 nước, hoặc BKC 1 lít/3000m3 nước kết hợp dùng thuốc Tiên Đắc với liều lượng 1kg/1000kg thức ăn để điều trị bệnh, cho cá ăn liên tục trong 5 – 7 ngày liên tục.

2. Bệnh trùng mỏ neo trên cá chép

Dấu hiệu bệnh: Bệnh chủ yếu gây tác hại lớn cho cá giống và cá hương, đối với cá lớn trùng mỏ neo ít gây hại hơn tuy nhiên lại tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân khác xâm nhập tấn công cá như: nấm, vi khuẩn,… tiềm ẩn nhiều nguy cơ chết hàng loạt. Cá nhiễm bệnh thường có dấu hiệu: Kém ăn, gầy yếu, các chỗ trùng bám vào bị viêm và xuất huyết,…

Cách điều trị: Sử dụng lá xoan bó thành từng bó rồi cho xuống ao, liều lượng 5 – 7 kg/100m2. Sau khoảng 5 – 7 ngày tiến hành vớt lá xoan lên và nếu có điều kiện nên thay nước 30 – 50 % nước trong ao nuôi.

3. Bệnh thối mang trên cá chép

Dấu hiệu bệnh: Đây là dịch bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân, đầu hè và mùa thu bởi khi đó nhiệt độ thường vào khoảng 25 – 300C, rất lý tưởng để bùng phát bệnh. Khi quan sát, có thể dễ dàng nhận thấy cá tách đàn, bơi lội chậm chạp trên mặt nước, da cá chuyển dần sang màu đen, mang rách nát, thối rữa và dính đầy bùn, xương nắp mang và lớp biểu bì trong mang xuất huyết,…

Cách điều trị: Trộn kháng sinh (Erythromycine, Oxytetracycien) vào thức ăn và cho cá ăn liên tục 5 – 7 ngày, kết hợp tạt vôi xuống ao với liều 1 – 2 kg/100m3 nước.

KS. Nguyễn Thị Hằng

Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình