Thứ Năm, 5/01/2023, 13:37

Một số biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hạn chế dùng hóa chất, kháng sinh trong nuôi cá

Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh thủy sản diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do thời tiết diễn biến bất thường, gây biến động các yếu tố môi trường, giảm sức đề kháng của các loài thủy sản nuôi; quy hoạch, thiết kế, các vùng nuôi chưa đảm bảo, không có ao chứa, lắng để xử lý nước cấp nên chưa chủ động nguồn nước; một số vùng nuôi, hệ thống kênh cấp thoát nước chung dẫn đến việc các hộ bị dịch bệnh tự ý xả ra các hộ khác cấp nước vào làm lây lan dịch bệnh; ý thức của người dân chưa cao, nhiều hộ cố tình giấu dịch, không báo hoặc báo không kịp thời, tự xả nước ra môi trường khi chưa được xử lý…

Để hạn chế các nguyên nhân trên, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh thủy sản phát sinh và lây lan, góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững; dưới đây xin giới thiệu tới bạn đọc một số biện pháp phòng ngừa dịch bệnh giúp hạn chế sử dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi cá.

Sau khi gây màu nước đạt tiêu chuẩn thì tiến hành thả cá
  1. Lựa chọn vị trí nuôi

Để phù hợp, thuận lợi cho việc nuôi và bán sản phẩm; nên lựa chọn vị trí nuôi gần nguồn nước sạch, giao thông thuận tiện. Diện tích ao nuôi phải đạt từ 1000m2 trở lên, tốt nhất là trên 3000m2 . Thiết kế tốt nhất là ao nổi, có hệ thống cống cấp, thoát nước phù hợp, mực nước ao đảm bảo cao 1,8m trở lên.

  1. Cải tạo ao

Cần tát cạn, hút hết lớp bùn đen, dùng vôi khử trùng đáy ao với liều lượng 7 – 10 kg vôi/100m2 đáy ao rải đều sau đó dùng bàn trang hoặc bừa đảo đều giữa lớp bùn với vôi để khử trùng, tiêu diệt hết mầm bệnh, đẩy khí độc ra khỏi đáy ao, phơi khô 7-10 ngày sau đó lấy nước gây màu và thả cá. Phải lấy nước qua túi lọc để loại bỏ địch hại có thể theo nguồn nước vào ao. Gây màu nước bằng công thức sau: 03 kg cám gạo + 03 kg bột đỗ tương + 01 lít EM trộn đều ủ trong thời gian 24 – 48 giờ bón xuồng ao 2 – 3 ngày thấy màu nước xanh thì tiến hành thả cá.

  1. Lựa chọn con giống

Đảm bảo chất lượng, kích cỡ cá phù hợp và thời gian nuôi. Mua cá giống ở nơi uy tín, đã được kiểm dịch, kích cỡ đồng đều, không bị sây sát.

  1. Mật độ thả

Tùy theo mức độ đầu tư, cơ cấu và chủng loại để lựa chọn hình thức nuôi cho phù hợp. Ví dụ nuôi cá truyền thống có đầu tư các thiết bị hỗ trợ như quạt khí, sục khí, thức ăn công nghiệp, dùng chế phẩm sinh học, các loại kháng sinh thảo dược để phòng bệnh cho cá… * Nếu lấy đối tượng cá trắm cỏ là chính, thời gian nuôi từ 6 – 7 tháng, cơ cấu mật độ thả như sau: Tỷ lệ thả ghép: Trắm cỏ trên 50%; còn lại các đối tượng cá truyền thống khác; Mật độ thả 0,8 – 1 kg/con; cỡ cá trắm cỏ từ 0,7 – 1 kg/con; cỡ cá khác từ 0,1 – 0,5 kg/con tùy loài.

* Nếu lấy đối tượng cá rô phi là chính, thời gian nuôi là 6 – 7 tháng thì cơ cấu mật độ thả như sau:

Tỷ lệ thả ghép: cá rô phi trên 70%; còn lại các đối tượng cá truyền thống khác; Mật độ thả 1,5 – 3,0 kg/con; cỡ cá rô phi trên 0,1 kg/con; cỡ cá trắm cỏ từ 0,7 – 1 kg/con; cỡ cá khác từ 0,2 – 0,5 kg/ con tùy loài.

* Nếu lấy đối tượng cá chép là chính, thời gian nuôi 6 – 7 tháng thì cơ cấu mật độ thả như sau:

Tỷ lệ thả ghép: cá chép trên 50%; còn lại các đối tượng cá truyền thống khác; Mật độ thả 1 – 1,5 kg/con; cỡ cá trắm cỏ từ 0,7 – 1 kg/con; cỡ cá khác từ 0,1 – 0,5 kg/con tùy loài.

  1. Quản lý chăm sóc cá
Cho cá nhịn ăn từ 3 – 5 ngày trước khi thu hoạch để giảm bớt mỡ thừa

Định kỳ 15 ngày dùng vôi nung với liều lượng 2 – 3 kg vôi/100 m3 nước, hòa tan té đều mặt ao để khử trùng môi trường nước. Bón chế phẩm sinh học 07 ngày/lần trong suốt chu kỳ nuôi để phân hủy xác tảo, mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa làm sạch môi trường ao nuôi, giảm khí độc trong ao

* Cách ủ men xử lý nước ao:

01 lít men vi sinh xử lý nước gốc + 01 lít mật rỉ đường + 18 lít nước sạch + 01 kg cám gạo trộn đều sục khí 12 – 24 giờ, sau đó ủ 2 – 3 ngày rồi mang ra dùng. Liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm.

Chú ý, khi đã áp dụng biện pháp sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ thì chỉ dùng hóa chất khử trùng nước ao khi cá bị bệnh.

– Cho cá ăn cám công nghiệp viên nổi với hàm lượng protein từ 25 – 45% tùy theo từng giai đoạn phát triển của cá, khẩu phần ăn chiếm 3 – 5% khối lượng cá trong ao. Tuy nhiên, có thể giảm chi phí thức ăn bằng cách ủ men đỗ tương, ngô, hoặc hạt mạch làm thức ăn cho cá tùy theo giai đoạn phát triển.

* Công thức ủ đỗ tương làm thức ăn cho cá:

10 kg đỗ tương loại 1 để cả hạt + 01 lít men tiêu hóa đã nhân + 18 lít nước sạch, trộn đều ủ trong 48 giờ rồi lấy ra cho cá ăn (10 kg đỗ tương ủ thay thế được 20 kg thức ăn công nghiệp). Sáng cho cá ăn đỗ tương ủ men, chiều cho cá ăn thức ăn công nghiệp. Đối với ngô, hạt mạch cách ủ tương tự như đỗ tương nhưng ngô phải nghiền vỡ thì khi ngâm ủ mới phát huy hiệu quả.

– Định kỳ cho cá ăn Vitamin C được chế biến từ chuối để phòng bệnh cho cá để chống cá bị sốc do môi trường thay đổi đột ngột đặc biệt trong mùa nắng và thời điểm giao mùa.

* Công thức ủ Vitamin C từ chuối chín:

10 kg chuối chín bóc vỏ + 01 lít men tiêu hóa gốc trộn đều ủ 2 – 3 ngày, sau đó bổ sung thêm 6 – 7 lít men tiêu hóa đã nhân trộn đều, nghiền nát, lọc lấy nước đổ vào can nhựa dùng dần (có thể để được 3 – 4 tháng). Chú ý khi ủ phải đậy kín tránh không cho ruồi, nhặng vào làm hỏng men. Liều lượng dùng 01 lít Vitamin C chuối cho 1.000 kg cá/ngày, ăn liên tục 5 ngày/tháng.

– Để phòng bệnh cho cá, cần cho cá ăn men tỏi định kỳ một tháng cho ăn một đợt mỗi đợt 10 ngày với liều lượng 01 kg tỏi ủ cho 1000 kg cá ăn/ ngày.

* Công thức ủ men tỏi:

10 kg tỏi + 1 kg đường kính (hoặc 3 kg mật rỉ đương) + 16 lít nước trộn đều cho vào thùng nhựa ủ 25 – 30 ngày, sau đó cho cá ăn

* Công thức nhân từ men tiêu hóa gốc thành men nhân:

01 lít men tiêu hóa gốc + 01 lít mật rỉ đường + 18 lít nước sạch + 01 kg cám gạo trộn đều sục khí 12 – 24 giờ sa đó ủ 2 – 3 ngày mang ra dùng.

Chú ý khi sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước, cho cá ăn vitamin C thì chúng ta không sử dụng hóa chất và kháng sinh để phòng bệnh cho cá.

  1. Thu hoạch cá

Cho cá nhịn ăn từ 3 – 5 ngày trước khi thu hoạch để cá khỏe, giảm bớt mỡ thừa. Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ đánh bắt, vận chuyển. Thu hoạch vào sáng sớm hoặc chiều tối.

Phương pháp nuôi hạn chế việc sử dụng hóa chất, kháng sinh được coi là giải pháp hỗ trợ để ngành thủy sản phát triển bền vững vì giúp bảo vệ sức khỏe của người nuôi, người tiêu dùng và môi trường. Hơn nữa đây cũng là cách giúp giảm chi phí, nâng cao nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

TRUNG TÂM QUAN TRẮC MT VÀ BỆNH TS

Khuyến nông Quốc gia