1. Bệnh do vi khuẩn Aeromonas spp trên cá nuôi lồng
– Tác nhân gây bệnh: vi khuẩn Aeromonas spp.
– Đối tượng nhiễm bệnh: tất cả các loài cá nuôi nước ngọt, cá nhiễm bệnh ở tất cả các giai đoạn phát triển của cá.
– Dấu hiệu bệnh: cá ăn ít, trên thân xuất hiện các đốm đỏ to nhỏ khác nhau, các điểm đốm đỏ sẽ phát triển lớn thành các vết loét. Hai bên thân cá, nhất là vùng bụng bị xuất huyết, ứ máu đỏ bầm, vảy dựng lên, vây bị xơ rách, cụt, gốc vây xuất huyết, hậu môn viêm đỏ có dịch chảy ra. Khi giải phẫu nhận thấy: gan, thận có biểu hiện nhũn mềm, có màu sậm đen, xuất huyết, hoại tử, ruột không có thức ăn chứa đầy hơi, hoại tử có mùi tanh đặc trưng.
Ảnh: Một số hình ảnh cá mắc bệnh
– Mùa vụ xuất hiện bệnh: bệnh xuất hiện quanh năm, xảy ra nhiều nhất vào các tháng giao mùa.
– Biện pháp phòng bệnh: áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp cụ thể như sau:
Dùng vôi (CaCO3) để tẩy dọn ao nuôi, liều lượng 12-15 kg/100 m2.
Khi thả giống đảm bảo cá làm quen với môi trường sống mới; tránh hiện tượng cá bị sốc nhiệt, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống nắng, nóng, rét cho cá.
Định kỳ 10-15 ngày bón vôi bột với liều lượng 1,5-2 kg/100m3, chế phẩm sinh học theo hướng của nhà sản xuất.
Mua cá giống ở cơ sở có nguồn gốc rõ ràng; tắm cho cá trước khi thả vào ao nuôi: Tắm bằng muối ăn (NaCl), liều lượng 2 – 4% thời gian 5-10 phút hoặc Formalin 100-150 mL/m3 thời gian 15-20 phút.
Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách định kỳ 25-30 ngày bổ sung Vitamin C, B, A trộn vào thức ăn, liệu lượng liều lượng 500 – 1.000 mg/kg thức ăn, cho ăn 5 – 7 ngày liên tục.
– Biện pháp trị bệnh: khi cá bị bệnh do vi khuẩn Aeromonas spp biện pháp trị bệnh hiệu quả nhất là dùng kháng sinh nhưng với điều kiện cá vừa chớm bị bệnh chưa bỏ ăn, nếu cá đã chết nhiều thì việc trị bệnh hiệu quả không cao.
Trộn thuốc vào thức ăn (nếu cá vẫn còn sử dụng thức ăn) với liều lượng: Doxycycline 5 – 7gam/100 kg cá/ngày hoặc Florphenicol liều lượng 4 – 5 gam/100 kg cá/ngày ăn liên tục 7 – 10 ngày kết hợp cho ăn thêm Vitamin C 1 – 2 gam cho 100 kg cá bệnh/ngày, ăn liên tục 5 ngày.
* Chú ý: Sau 20 ngày dừng cho cá ăn kháng sinh mới được thu hoạch.
2. Bệnh do vi khuẩn Streptococcus spp
– Tác nhân gây bệnh: vi khuẩn Streptococcus spp.
– Đối tượng nhiễm bệnh: hầu hết các loài cá nuôi nước ngọt, phổ biến nhất là trên cá rô phi và cá Diêu hồng.
– Dấu hiệu bệnh: cá bơi lờ đờ, kém ăn hay bỏ ăn, mắt lồi, bơi không định hướng. Giải phẫu cá bị bệnh thấy hiện tượng tích khí ở ruột, ruột không chứa thức ăn, xuất huyết; gan tụ máu; ngoài ra còn có hiện tượng xuất huyết dưới da bụng.
– Mùa vụ xuất hiện bệnh: giao mùa giữa mùa hè và mùa thu và các đợt biến động thời tiết nắng to, nhiệt độ cao.
– Biện pháp phòng bệnh: áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp cụ thể như sau:
Dùng vôi (CaCO3) để tẩy dọn ao nuôi, liều lượng 12-15 kg/100 m2.
Khi thả giống đảm bảo cá làm quen với môi trường sống mới; tránh hiện tượng cá bị sốc nhiệt, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống nắng, nóng, rét cho cá.
Định kỳ 10-15 ngày bón vôi bột với liều lượng 1,5-2 kg/100m3, chế phẩm sinh học theo hướng của nhà sản xuất.
Mua cá giống ở cơ sở có nguồn gốc rõ ràng; tắm cho cá trước khi thả vào ao nuôi: Tắm bằng muối ăn (NaCl), liều lượng 2 – 4% thời gian 5-10 phút hoặc Formalin 100-150 mL/m3 thời gian 15-20 phút.
Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách định kỳ 25-30 ngày bổ sung Vitamin C, B, A trộn vào thức ăn, liệu lượng liều lượng 500 – 1.000 mg/kg thức ăn, cho ăn 5 – 7 ngày liên tục.
– Biện pháp trị bệnh: dùng Flophenicol hoặc Doxycline hoặc Amoxcilin trộn vào thức ăn cho ăn trong 7 ngày với liều lượng 5 – 7 gam/100 kg cá/ngày, ăn liên tục 5 – 7 ngày, kết hợp cho ăn thêm Vitamin C với liều lượng 2 – 3 gam/100 kg cá/ngày.
* Chú ý: Sau 20 ngày dừng kháng sinh mới được thu hoạch cá.
3. Bệnh gan mủ thận trên cá da trơn
– Tác nhân gây bệnh: vi khuẩn Edwardsiella tarda, E. Ictaluri:
– Đối tượng nhiễm bệnh: hầu hết các loài cá nước ngọt, thường gặp nhất ở các loài cá da trơn.
– Dấu hiệu bệnh: xuất hiện những vết thương nhỏ trên da (phía mặt lưng), đường kính khoảng 3 – 5 mm, những vết thương này sẽ phát triển thành những khối u rỗng bên trong cơ, da bị mất sắc tố, vây đuôi tưa rách. Cá mắc bệnh sẽ mất chức năng vận động do vây đuôi bị tưa rách.
Có thể xuất hiện những vết thương bên dưới biểu bì, cơ, các vết thương này bị hoại tử và lây lan rộng sang vùng lân cận. Vi khuẩn E. Ictaluri là tác nhân gây bệnh mủ gan cá tra, cá lăng, cá nheo, cá trê…
Đây là bệnh nguy hiểm gây chết cá hàng loạt và rất khó điều trị. Giai đoạn gây hại nặng nhất là từ cá hương lên giống và từ giống đến dưới 600g/con. Khi cá nhiễm bệnh, trên gan thận cá xuất hiện các đốm mủ màu trắng lấm tấm. Mùa vụ xuất hiện bệnh: xuất hiện vào đợt thời tiết biến động nắng, mưa.
– Biện pháp phòng bệnh: chọn con giống khỏe mạnh, không nhiễm bệnh; sát trùng các dụng cụ như lưới, vợt, sọt, ống dây bằng Chlorine 10 – 15g/m khối trong 30 phút, rửa nước sạch và phơi khô sau khi sử dụng; cá chết được vớt ra khỏi lồng càng sớm càng tốt; không vứt cá chết bừa bãi ra môi trường xung quanh mà cần được chôn vào hố cách ly có rải vôi bột để tiệt trùng; vào mùa dịch bệnh không nên cho cá ăn cá tạp tươi sống; thức ăn cần được nấu chín hoặc sử dụng thức ăn viên.
Biện pháp trị bệnh: cá nhiễm vi khuẩn Edwardsiella sp dùng kháng sinh Florphenicol hoặc Doxycycline liều lượng 3 – 5 gam/100 kg cá/ngày, cho ăn liên tục 7 ngày. Có thể bổ sung thêm Vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá với liều lượng 2-3gam/100 kg cá/ngày, ăn liên tục 5 ngày. Thuốc được trộn vào thức ăn viên có áo dầu hoặc chất kết dính.
Hà Tú Tài
Nguồn: Chi Cục Chăn Nuôi Và Thú Y Lào Cai