Thứ Sáu, 13/01/2023, 9:38

Máy cho cá ăn tự động sử dụng năng lượng mặt trời

Nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành nuôi trồng thủy sản được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, Sở Khoa học và Công nghệ An Giang vừa tổ chức phiên kết nối cung – cầu công nghệ với chủ đề “Giới thiệu máy cho cá ăn tự động sử dụng năng lượng mặt trời”. Đây là thiết bị giúp giảm công lao động và tiết kiệm chi phí, đặc biệt có thể kiểm soát lượng thức ăn cho cá nhằm tránh thất thoát trong quá trình thả nuôi.

Tại phiên kết nối, các đại biểu được nghe ông Đặng Văn Mãi (chủ cơ sở cơ khí ở tỉnh Đồng Tháp) trình bày giải pháp sáng chế máy cho cá ăn tự động sử dụng năng lượng mặt trời. “Các tính năng vượt trội của máy là: Quản lý được thức ăn một cách chính xác, thiết bị có hệ thống vận hành về thời gian cho ăn, thời tiết và cân được lượng thức ăn cần cho ăn mỗi ngày, ghi lại chính xác toàn bộ thức ăn đã cho cá ăn trong một vụ nuôi. Thiết bị hoạt động hoàn toàn tự động và hoạt động theo ý của người nuôi, giúp người nuôi quản lý tốt nguồn thức ăn, tránh thất thoát thức ăn không cần thiết” – ông Mãi giới thiệu.

Trong kỹ thuật nuôi cá, để cá phát triển tốt và cho năng suất cao, người nuôi cần đảm bảo cho cá ăn đúng thời gian và hàm lượng vừa đủ. Đối với các trang trại nuôi cá quy mô lớn, cần tốn rất nhiều nhân lực trong việc cho cá ăn cùng lúc, gây tốn thời gian và gia tăng chi phí thuê nhân công.

Một vấn đề quan trọng trong quá trình cho cá ăn, đó là phạm vi phun và độ phân tán thức ăn. Khi ném thức ăn bằng tay, người lao động rất khó có thể điều chỉnh được lượng thức ăn đều và rộng. Chính vì thế, gây nên tình trạng thức ăn có thể bị dồn vào một vị trí, khiến cá tập trung dày đặc và chen lấn, tranh giành thức ăn, gây trầy xước thân cá, ảnh hưởng đến năng suất.

Ngoài ra, những con cá nhỏ và yếu hơn có khả năng không tranh giành đủ lượng thức ăn, ảnh hưởng tăng trưởng. Hậu quả là cá trong ao lớn không đồng đều và dễ xảy ra dịch bệnh. Vì vậy, thiết bị cho cá ăn tự động được xem là giải pháp tối ưu, giúp cho người chăn nuôi giải quyết những vấn đề này.

Máy cho cá ăn tự động sử dụng năng lượng mặt trời của ông Đặng Văn Mãi

Thiết bị sử dụng cho vùng chăn nuôi cá với diện tích từ 50m2 trở lên, tùy điều kiện của người nuôi, sử dụng điều khiển từ xa AOT thông qua mạng internet, điện thoại. Thiết bị có khả năng phun với bán kính 23,5m. Hiện, một số hộ nông dân đã lắp đặt thiết bị này sử dụng, mang lại hiệu quả cao.

Về nguyên lý hoạt động, ông Đặng Văn Mãi cho biết, đầu tiên, người nuôi phải tính lượng thức ăn dùng cho cá trong bao nhiêu ngày, cung cấp đầy đủ thức ăn cho phễu chứa tương ứng với số ngày đó. Khi đến giờ cho ăn thì thiết bị tự hoạt động: Thức ăn từ phễu chứa sẽ được rót xuống phễu cân, khi rót đủ lượng thức ăn cho 1 lần ăn thì van đóng ngắt tự động ở phễu 1 sẽ đóng lại.

Sau đó, van ở phễu 2 sẽ tự động mở cho thức ăn xuống phễu xả. Thức ăn từ phễu xả chạy qua hệ thống phun cho ăn thông qua quạt gió và các béc phun, kết thúc quá trình phun thức ăn lần 1 trong ngày. Khi tới giờ cho ăn tiếp theo thì thiết bị tự động lặp lại như trên để phun lần 2 trong ngày, cứ thế mà thiết bị tự động hoạt động trong suốt vụ nuôi. Lượng thức ăn cho vụ nuôi được thiết bị ghi lại chính xác, giúp người nuôi không cần phải lo về khâu quản lý thức ăn.

Theo ông Mãi, khi cho cá ăn thủ công, rất tốn thời gian, nhân công lao động, tốc độ cá lớn không đều, khoảng 60% sản lượng cá đạt chuẩn, chưa kể thất thoát lượng thức ăn. Thiết bị cho cá ăn tự động rút ngắn được thời gian cho cá ăn, tiết kiệm chi phí, quản lý được sự tiêu hao thức ăn không cần thiết và nguồn nhân công lao động. Sản phẩm này đảm bảo thức ăn vừa đủ, không dư thừa, hạn chế ô nhiễm nguồn nước trong ao và thức ăn được phun đều, làm cho cá lớn đều, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Nuôi trồng thủy sản là ngành nghề chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển kinh tế, đem lại nguồn thu nhập khá cho nông dân. Với tình trạng thiếu hụt nhân lực trong nông nghiệp như hiện nay, sản phẩm máy cho cá ăn tự động được xem là giải pháp hiệu quả, giúp người nuôi quản lý tốt nguồn thức ăn từ khi thả cá đến thu hoạch, hạn chế thất thoát thức ăn, giảm nhân công, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường…

HẠNH CHÂU

Báo An Giang