Thứ Sáu, 7/06/2024, 11:30

Kỹ thuật phòng chống nắng nóng cho động vật thủy sản

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình nắng nóng năm 2021 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và biến đổi bất thường. Những ngày đầu tháng 5, miền Bắc đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng với nền nhiệt cao nhất trong ngày lên tới 35oC – 37oC. Nhiệt độ tăng đột biến ảnh hưởng rất lớn đến nuôi trồng thủy sản.  Động vật thuỷ sản là loại biến nhiệt, nhiệt độ cơ thể phụ thuộc chủ yếu vào nhiệt độ môi trường nước. Nên khi nhiệt độ tăng cao cơ thể động vật thủy sản chưa kịp phản ứng thích nghi rất dễ bị “stress” và phát sinh bệnh.

Ảnh: Sử dụng máy quạt nước trong ao nuôi

Khi nắng nóng trong thời gian dài các loại tảo trong ao phát triển mạnh làm giảm lượng ô xy và tăng lượng khí độc trong nước (NH3, H2S, CO2 …) do quá trình phân hủy các chất hữu cơ ở đáy ao nuôi diễn ra mạnh; đồng thời là điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh cho các đối tượng cá nuôi phát triển.

Để ứng phó kịp thời với nắng nóng và các hiện tượng bất thường của thời tiết, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với sản xuất thủy sản, các hộ nuôi trồng thủy sản cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật sau:

1. Công tác quản lý môi trường ao nuôi

– Đối với các ao nuôi thuỷ sản, các hộ cần duy trì mực nước trong ao từ 1,5m trở lên nhằm ổn định nhiệt độ, chủ động tích trữ nước vào các ao chứa, kênh nước tại các vùng sản xuất thủy sản. Trong quá trình nuôi, sử dụng quạt nước, máy sục khí hoặc dùng máy bơm đặc biệt là vào ban đêm từ 22h đêm đến 4h sáng để đảo nước trong ao. Những nơi có điều kiện thay nước thì thay từ 15-20% lượng nước cũ và cấp thêm nước mới vào ao (tốt nhất vào sáng sớm).

– Sử dụng lưới đen phủ trên bề mặt ao cách mặt nước 0,5m hoặc thả bèo tây vào các khung lưới (bèo tây thả trên các tấm lưới đặt dưới mặt nước 10-15cm) diện tích thả bèo chiếm khoảng 10-15% diện tích ao. Đối với lồng nuôi cá trên sông, cần dùng lưới đen che phủ 1/2 – 1/3 diện tích mặt lồng nhằm tránh nắng và làm nơi trú ẩn cho cá.

– Định kỳ 7 – 10 ngày dùng vôi bột hòa nước téo đều  khắp mặt ao với lượng 2 – 3kg/100m3 để khử trùng nước ao, tiêu diệt mầm bệnh.

– Đối với các ao bùn đáy ao dầy, nhiều chất hữu cơ nên sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý đáy ao, giúp phân giải khí độc, cân bằng môi trường nước. Khi ao bị ô nhiễm, sử dụng các loại hóa chất xử lý môi trường như Vicato, Benkocid, Iodine… hoặc dùng chế phẩm sinh học làm sạch nước ao như EMC, Biofloc Technology, Bio water… (liều lượng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất).

– Tuyệt đối không đưa phân chuồng trực tiếp xuống ao, nếu sử dụng phân hữu cơ trong ao nuôi phải được ủ hoai, ủ với vôi lượng 2 – 3% vôi cho 100kg phân ủ phân một tháng sau đó bón xuống ao để tránh mầm bệnh.

2. Tăng cường sức đề kháng cho cá

– Không nên đánh bắt, vận chuyển và thả giống những ngày nắng nóng, thả giống khi điều kiện thời tiết thích hợp (thả lúc sáng sớm, không mưa giông), cá giống thả với mật độ, tỷ lệ ghép phù hợp, không thả giống quá dầy và có biện pháp chăm sóc đúng kỹ thuật để cá sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế thiệt hại do nắng nóng và các hiện tượng thời tiết bất thường gây ra.

– Trong những ngày nắng nóng nên chạy quạt nước, máy sục khí 1-2 giờ trước khi cho cá ăn và cho cá ăn muộn hơn (khoảng 17-18giờ); chủ động điều chỉnh giảm lượng thức ăn theo khả năng bắt mồi của cá, không cho cá ăn vào buổi trưa khi thời tiết nắng nóng, cần tăng cường cho cá ăn các loại thức ăn có chất lượng.

– Cho cá ăn đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe, bổ sung một số loại Vitamin A, B, C… và axid amin thiết yếu trộn vào thức ăn (liều lượng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất) trong thời gia từ 7 – 10 ngày liên tục, để tăng sức đề kháng cho cá.

– Phòng bệnh cho cá bằng cách cho cá ăn thuốc Tiên đắc trộn vào thức ăn, liều lượng cho ăn 10g thuốc/50kg cá hoặc xay tỏi trộn vào thức ăn, liều lượng 1kg tỏi/ 700 -1.000 kg cá, 15 ngày cho ăn 1 lần, hoặc dùng một số loại thuốc có nguồn gốc thảo dược khác như thuốc KN04-12 lượng dùng 200gam thuốc trộn đều vào thức ăn cho 100kg thức ăn, cho ăn liên tục từ 3-5 ngày

– Chủ động thu hoạch cá thả nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm theo nhu cầu thị trường, nhằm tránh thiệt hại do nắng nóng, dịch bệnh…gây ra.

Lưu ý: Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, quản lý môi trường ao nuôi, đặc biệt là những ngày nắng nóng oi bức hôm sau có mưa rào nhằm sớm phát hiện các biến động bất thường của môi trường, cá thả nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời./.

  Nguyễn Xuân Lâm

Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản