Thứ Ba, 7/05/2024, 8:00

Kỹ thuật nuôi Cua đồng trong ao và trong ruộng lúa

Cua đồng là loài thuỷ sản phát triển trong môi trường tự nhiên, thịt cua đồng là món ăn dân giã, ngon, bổ, quen thuộc với đời sống của người dân nước ta và nhiều nước trên thế giới.

Trước đây, sản lượng cua đồng trong tự nhiên tại Việt Nam lên đến hàng vạn tấn, song do kỹ thuật canh tác nông nghiệp hiện nay của nông dân, sử dụng quá nhiều chế phẩm hoá học trong trồng trọt đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển tự nhiên của cua đồng, làm giảm đáng kể sản lượng cua đồng trong tự nhiên, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của con người. Nên những năm gần đây nhiều mô hình nuôi cua đồng trong ao và trong ruộng rúa đang phát triển.

1. Chuẩn bị ao, rộng nuôi

* Đối với ao nuôi

– Nguồn nước phải chủ động, không ô nhiễm.

– Có cống cấp và cống thoát nước riêng biệt.

– Đáy ao tốt nhất là đất thịt, có lớp bùn dày 20cm là vừa.

– Ao nuôi có diện tích từ 300-1.000m2, độ sâu 0,8-1,2m.

– Xung quanh bờ phải rào bằng đăng tre, tấm nhựa, tấm fibroximăng hoặc lưới cước đặt nghiêng về phía ao không cho cua thoát ra được.

* Đối với ruộng nuôi

– Chọn ruộng nuôi địa thế ruộng bằng phẳng, giữ nước tốt, nguồn nước dồi dào, cấp thoát nước thuận lợi, chất nước không bị ô nhiễm, chất đất là loại đất thịt.

– Diện tích mỗi ruộng từ 1/3 ha đến 2/3 ha là vừa, nhỏ quá chất nước không ổn định, lớn quá khó quản lý.

– Đào mương nuôi tạm ở góc ruộng, rộng 4-6 m, sâu 1-1,5 m, diện tích khoảng 3-5% diện tích ruộng.

– Đào mương bao quanh và mương giữa. Mương bao quanh chân bờ về phía trong 1m, sâu 0,8-1,0m, rộng 3-5m. Nếu ruộng rộng, đào thêm ở giữa ruộng hình chữ “+” hoặc “#” rộng 1-1,5m, sâu 0,5-0,8m. Tổng diện tích cả 3 loại mương chiếm khoảng 15-20% diện tích đất ruộng.

– Lấy đất đào mương để đắp bờ ruộng cho cao và to ra. Chú ý nện đất chặt để nước bị rò rỉ. Các cửa cống cấp thoát nước phải chắn bằng săm hoặc lưới thích hợp, nền cống phải đầm chặt.

– Đặt lưới chắn xung quanh ruộng. Nếu lưới bằng nilon mỏng thì phải đóng cọc cao hơn mặt bờ 40-50cm, lấy dây thép buộc nối các đầu cọc với nhau, gấp đôi tấm nilon lên dây thép cho rủ xuống đất thành 2 lớp rồi vùi sâu trong đất bờ từ 15-20cm. Nếu chắn bằng tấm nhựa hoặc fibroximăng… thì chỉ cần vùi xuống đất 15-20 cm, đầu trên cao hơn mặt đất ít nhất là 40cm, bốn góc lượn hình cung.

– Dùng vôi sống hàm lượng 7-10 kg/100m2 hoà nước té đều khắp mương.

– Trồng các loại cỏ nước phủ kín đáy mương và thả các loại cây nổi như bèo tấm, bèo lục bình, rau dừa nước, bèo cái…khoảng 1/3 mặt nước.

2. Cải tạo ao, ruộng nuôi

– Trước khi nuôi 1-2 tuần, tiến hành tát cạn nước để diệt hết địch hại của cua và tiêu diệt mầm bệnh, bằng cách bón vôi 7-10 kg/100 m2, phơi nắng 3-5 ngày sau đó cấp nước vào ao, đối với ruộng thì cấp nước vào nhưng không cho nước tràn lên ruộng, chỉ khi nào đến thời kỳ lúa sắp làm đòng mới cấp nước lên ruộng cho cua lên ruộng tìm thức ăn.

– Tiến hành gây màu nước cho ao bằng phân chuồng hoặc phân hóa học để tạo nguồn động vật phù du phát triển làm thức ăn cho cua giống mới thả.

– Trong ao, ruộng nuôi nên chất chà làm nơi trú ngụ cho cua lúc cua lột xác tránh bị hao hụt, có thể thả thêm bèo, rau muống, rau dừa nước … để che phủ ao vào những ngày nắng gắt. Độ che phủ khoảng 1/3 diện tích mặt ao.

3. Chọn và thả giống

– Thời vụ thả giống thường từ tháng 2 – 4 hằng năm

– Chọn con giống khỏe mạnh, không bị bệnh tật, đầy đủ càng và chân, màu sắc tươi sáng không bị đóng rong có thể chọn cua đực để nuôi góp phần tăng năng suất và giá trị thương phẩm.

– Mật độ: nuôi ao: 10-15 con/m2, nuôi ruộng: 5-7 con/m2.

– Thả cua ta không nên thả trực tiếp xuống ao mà phải thả từ mé bờ ao cho cua tự bò xuống ao, ruộng tránh hiện tượng cua bị sốc môi trường.

4. Chăm sóc cua

– Thức ăn cho cua rất đa dạng thiên về động vật bao gồm cá tạp, ốc, hến, khoai lang, khoai mì…thức ăn nên bằm nhỏ vừa cỡ miệng cua.

– Khẩu phần ăn từ 5-8 % trọng lượng cua/ngày và được chia làm 2 lần trong ngày, sáng sớm ăn 20 – 40% và chiều ăn 60 – 80 % trọng lượng thân. Thức ăn phải còn tươi không bị ôi thiu, nấm mốc.

– Cần cho cua ăn thức ăn vừa đủ để đảm bảo chất lượng nước vừa giúp cua tiêu hóa tốt thức ăn và hạn chế hao phí thức ăn, hạ giá thành nuôi. Trong ao ruộng nuôi cần bố trí một số sàng ăn để đánh giá tình trạng bắt mồi của cua và đồng thời căn cứ vào điều kiện thời tiết mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

5. Thức ăn cho cua

* Thức ăn

– Cua là động vật ăn tạp thiên về thức ăn động vật. Chúng thích ăn thịt các loại nhuyễn thể như trai, ốc, hến, cá tạp. Nếu thiếu thức ăn chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau, nhất là cua mới lột vỏ. Thức ăn nuôi cua thường được khai thác tại chỗ. Trước khi thả giống, nên bón phân lót ở ven mương với lượng 30-45 kg/100m2 để động vật phù du phát triển làm thức ăn cho cua con. Ngoài ra có thể dùng các loại thức ăn đã chế biến dạng hạt vừa có dinh dưỡng cao. Nếu có điều kiện thì tận dụng cá tạp và phế thải động vật để giảm giá thành.

* Cho ăn

– Căn cứ vào mùa vụ, nhiệt độ nước và giai đoạn sinh trưởng của cua để cho ăn hợp lý.

– Từ tháng 3 đến tháng 5, cua chủ yếu ăn thức ăn tinh. Thức ăn nên làm thành các nắm bột nhão nhỏ. Lượng thức ăn từ 20-30% trọng lượng cua.

– Từ tháng 6 đến tháng 9, cua ăn khoẻ, mau lớn nên cần cho ăn thêm rong cỏ, khoai sắn, bổ sung thức ăn viên hoặc thức ăn tự chế từ cá tạp

– Từ tháng 10 trở đi, cần tăng thêm thức ăn từ động vật. Lượng thức ăn từ 7-10% trọng lượng cua.

– Mỗi ngày cho cua ăn 2 lần, buổi sáng sớm và chiều tối. sáng cho ăn từ 20-40%, chiều cho ăn chính là 60-80% tổng lượng thức ăn hàng ngày.

– Cần đặt sàng ăn tại 1 số điểm trong mương để kiểm tra lượng thức ăn của cua. Căn cứ vào thời tiết, nhiệt độ, tình hình ăn mồi của cua để điều tiết lượng thức ăn hàng ngày

6. Quản lý cua

– Thường xuyên thay nước cho ao, ruộng nuôi khoảng 1 tuần/lần để kích thích cua lột xác và bắt mồi mạnh, mỗi lần thay nước từ 1/4-1/3 lượng nước trong ao, mương.

– Định kỳ bón vôi cho ao ruộng nuôi 15 ngày/lần với liều lượng 2-3 kg/100m2 hòa vào nước, lấy nước trong tạt đều khắp ao.

– Thường xuyên kiểm tra đăng chắn cống, bờ rào chắn để tránh cua thất thoát ra ngoài.

7. Thu hoạch cua

– Thời điểm thu hoạch chủ yếu là vào tháng 10.

– Khi cua đạt kích thước thương phẩm được giá cao có thể tiến hành thu hoạch.

– Thu tỉa bằng cách đặt lờ, lợp… tát cạn, bắt bằng tay nếu thu toàn bộ.

– Cua nhỏ không đủ cỡ thương phẩm được để lại nuôi tiếp cho vụ sau.

Nguyễn Thị Trà Lý – Trạm KN Cam Lộ

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị