Trong những năm gần đây ở nước ta nghề nuôi cá ngựa đã bắt thu hút người nuôi. Nuôi cá ngựa không quá khó, ít rủi ro, đầu tư cơ sở vật chất cũng không quá tốn kém, giá bán ổn định nhưng lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, để thành công bà con cần tham khảo quy trình kỹ thuật nuôi cá ngựa đem lại hiệu quả kinh tế cao sau đây.
Chọn giống
Việc lựa chọn giống cá ngựa để nuôi cần chọn những con có phần đầu và phần ngực gần như vuông góc, miệng hình ống, ngực và bụng lồi, đuôi dài và nhỏ, hình dáng cong queo, gấp khúc không có vây bụng và vây đuôi.
Nên chọn con đực to khỏe khoảng 1 đến 2 năm tuổi, trên đầu có nhiều gai, không bệnh tật. Cá ngựa đực cơ thể dài, to, túi trước bụng phát triển hoàn chỉnh. Cá ngựa cái chọn con to khẻo, có phần bụng phình to, đầu không có gai, da nhẵn bóng.
Nên chọn cá ngựa bố mẹ có độ tuổi từ 1-2 năm, cơ thể to, vóc dáng khỏe mạnh, không bị bệnh tật, mắc dị tật. Có thể mua cá ngựa tại nơi chuyên bán giống hoặc tại các cửa hàng cá cảnh trên thị trường nên tham khảo giá trước khi chọn mua.
Môi trường sống
Cá ngựa sống trong nước có độ muối gia động khoảng 15 ‰ đến 35 ‰, độ ph tối ưu đao động từ 7,5 đến 8,5, lượng oxi hòa tan giao động từ 4 – 5 ml/lit. Mật độ nuôi cá ngựa lý tưởng là 2 đến 3 con/10 lít nước.
Nhiệt độ thích hợp cho cá ngựa từ 27 – 30 độ C. Nước nên thay 5 ngày một lần.
Kỹ thuật nuôi cá ngựa cảnh
Để nuôi cá ngựa sinh trưởng và phát triển tốt, bà con chỉ cần chuẩn bị bể xi măng hoặc bể cá cảnh. Trước khi nuôi bể phải được chùi rửa sạch sẽ, sau đó phơi khô rồi bơm nước đã qua xử lý và cho sục khí.
Do cá ngựa có thể thay đổi màu sắc theo môi trường, cho nên khi nuôi cá ngựa trong bể kính cần phải thiết kế thành bể có màu sắc thích hợp để cá có thể chuyển màu. Nên làm đáy bể màu xanh thì cá sẽ có màu vàng rất đẹp, phía sau bể nuôi nên đặt một tấm tranh có nền màu xanh, hoặc tối để màu sắc của cá nổi lên làm nền sẽ vô cùng đẹp mắt.
Thức ăn tươi của cá ngựa thường là tôm, tép, động vật phù du, bọ nguậy… Ngoài ra, còn có các loại thức ăn công nghiệp, thức ăn khô đóng hộp dành riêng cho cá ngựa cảnh. Bạn nên cho cá ăn ít nhưng nhiều lần (khoảng 3 lần/ngày), để tránh việc cá bị đói hoặc ngược lại bị chết do bội thực.
Trong quá trình nuôi dưỡng, phải thường xuyên làm vệ sinh bể nuôi, loại bỏ thức ăn thừa và các chất thải, đảm bảo chất nước luôn trong sạch, duy trì độ nhìn thấu của nước ở mức 35-40cm, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.
Nếu nhiệt độ môi trường tăng, phải chú ý lượng dưỡng khí hoà tan trong nước để đảm bảo cá vẫn đủ ôxy để thở. Định kỳ tiến hành thay nước.
Cá con mới đẻ khá giống với cá trưởng thành, chúng có khả năng bơi lội và bắt mồi ngay ngày đầu tiên. Cá bố sinh xong phải được tách khỏi bể, để lại cá con vŕ tiến hành nuôi dưỡng. Nếu việc tách cá bố không được tiến hành kịp thời, chúng sẽ ăn thịt chính các con của mình.
Khi chuyển cá sang bể khác, động tác phải hết sức nhẹ nhàng, không được gây thương tổn cho cá, dù là nhỏ nhất, vì khi đó cá rất dễ nhiễm bệnh.
Cá ngựa là loài có khả năng đề kháng kém, rất dễ nhiễm bệnh. Với bất cứ một sự thay đổi nào của môi trường sống, chúng đều khó thích nghi và trở nên yếu hơn. Một số bệnh cá ngựa hay mắc phải như: đầy hơi chướng bụng, bệnh phồng bong bóng, viêm ruột, mù mắt do thiếu ánh sáng tại bể nuôi.
Để phòng tránh những bệnh trên người nuôi trong quá trình nuôi cá ngựa nên theo dõi thường xuyên nhiệt độ, độ pH trong bể, ánh sáng, lượng khí hòa tan, mật độ thả cá ngựa trong bể.
Thức ăn cần đảm bảo độ tươi, có nguồn gốc rõ ràng không cho ăn những thức ăn bị ôi thiu, hỏng. Vệ sinh bể nuôi thường xuyên. Phát hiện cá ngựa bị nhiễm bệnh nên tham khảo ý kiến của chuyên gia hoặc có thể dùng CuSO4 để chữa bệnh cho cá ngựa.
Thu hoạch
Nuôi cá ngựa chỉ sau 3 tháng nuôi có thể xuất bán cá cảnh, từ 6-8 tháng có thể xuất bán cá ngâm thuốc và cho sinh sản. Nếu chăm sóc và nuôi tốt, cá ngựa có thể đẻ vào khoảng 6 tháng tuổi và tiếp tục cho ra những lứa cá mới đem lại nguồn lợi kinh tế bất ngờ cho người nuôi.
Như Ý
Nguồn: baodantoc.vn