Thứ Bảy, 30/10/2021, 7:00

Hợp chất kháng khuẩn của cây bạch đàn trắng phục vụ phòng bệnh AHPNS ở tôm thẻ chân trắng

Bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPNS) do tác nhân vi khuẩn V. parahaemolyticus gây ra là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bền vững của ngành nuôi tôm công nghiệp.

Cây bạch đàn trắng – Ảnh minh họa: ST

Do tác nhân gây AHPNS là vi khuẩn nên việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi tôm đã phổ biến thì nay lại càng trở nên thường xuyên và tràn lan. Sự lạm dụng thuốc kháng sinh và sự thiếu hiểu biết về kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản nói chung đã gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe động vật nuôi, môi trường sinh thái và đặc biệt là tạo ra các chủng vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh, làm giảm hiệu quả điều trị bệnh và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn có khả năng kháng thuốc cho con người, động vật và tồn dư trong thịt động vật thủy sản (Brown, 1989). Do vậy, hiện nay hướng nghiên cứu các chất có hoạt tính kháng khuẩn nguồn gốc thảo dược được tập trung nghiên cứu phòng trị bệnh mà thân thiện với môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm. Kháng sinh có nguồn gốc thảo dược đã và đang được nghiên cứu ứng dụng trong phòng trị bệnh. Dịch chiết lá sim và dịch chiết hạt sim đều cho kết quả kháng vi khuẩn gây AHPNS trong điều kiện in vitro.

Cây bạch đàn trắng được xem là cây dược liệu có thể dùng tươi, khô hoặc bào chế thành tinh dầu đều được. Tinh dầu bạch đàn trắng được sử dụng để làm thuốc hỗ trợ kháng khuẩn đường hô hấp và chữa một số bệnh ngoài da. Là nguyên liệu chính cho chất gôm, có tác dụng điều trị tiêu chảy, dùng làm săn chắc niêm mạc họng, chống nhiễm trùng vết thương, chữa họng bị giãn và hỗ trợ cải thiện một số bệnh lý về nha khoa. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, hoạt chất chiết xuất từ cây bạch đàn trắng có khả năng diệt nhiều loại vi khuẩn gây bệnh trong đó có những chủng vi khuẩn kháng lại nhiều loại kháng sinh. Trong nghiên cứu này, xác định các yếu tố trích ly tối ưu trong trích ly tinh dầu bạch đàn và thử nghiệm, đánh giá khả năng kháng khuẩn của tinh dầu bạch đàn trắng và chế phẩm dạng nhũ tương đối với một số chủng vi khuẩn gây bệnh AHPNS nguy hiểm trên tôm, làm cơ sở khoa học cho việc chế tạo các sản phẩm phòng trị bệnh động vật thủy sản có nguồn gốc thảo dược.

Nghiên cứu được tiến hành nhằm mục đích tìm ra các thông số kỹ thuật tối ưu của quy trình trích lý tinh dầu bạch đàn, đánh giá khả năng kháng khuẩn của tinh dầu và chế phẩm nhũ tương tinh dầu bạch đàn đối với 2 chủng vi khuẩn V. parahaemolyticus DHM03.18, V. parahaemolyticus DHM-04.19 gây bệnh AHPNS ở tôm nuôi trong điều kiện phòng thí nghiệm in vitro.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố trích lý, có ảnh hưởng đến hiệu suất trích lý tinh dầu bạch đàn và các điều kiện phù hợp để chưng cất tinh dầu bạch đàn bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước là: tỷ lệ nguyên liệu/nước là 1/7, nhiệt độ 1400C, thời gian 4,5 giờ. Thử nghiệm cho thấy khả năng ức chế các chủng vi khuẩn Vibrio gây AHPNS của dịch chiết tinh dầu cây Bạch đàn trắng tương đối tốt, khả năng ức chế vi khuẩn tỷ lệ thuận với lượng tinh dầu bổ sung. Đường kính vòng vô khuẩn thu được thấp nhất là 9,35 mm ứng với lượng tinh dầu 25 µl và đường kính vòng vô khuẩn thu được cao nhất là 23,55 mm với nồng độ thảo dược là 100 µl. Sử dụng chế phẩm nhũ tương tinh dầu bạch đàn trắng trị bệnh AHPNS trên tôm chân trắng cho thấy tỷ lệ chết giảm.

Thúy Hằng

Theo Tạp chí NN&PTNT – Tháng 10/2020

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận