Thứ Sáu, 4/11/2022, 14:13

Hải sản có lượng khí thải carbon thấp hơn protein động vật trên cạn

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 9/2022 trên tạp chí nghiên cứu Communications Earth and Environment, hải sản giàu dinh dưỡng hơn protein động vật trên cạn và có lượng khí thải carbon thấp hơn.

Nghiên cứu với sự hợp tác giữa Viện Nghiên cứu RISE của Thụy Điển, Trường Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Dalhousie và Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản, đưa ra các đề xuất để tối đa hóa giá trị dinh dưỡng của hải sản tiêu thụ trên toàn cầu và giảm khí nhà kính của ngành thông qua việc tập trung vào loài và phương thức sản xuất cụ thể.

Báo cáo xem xét mật độ dinh dưỡng tương đối và lượng phát thải khí nhà kính (GHG) liên quan đến sản xuất trên trọng lượng ăn được của hơn 200 loài hải sản đánh bắt tự nhiên tại điểm cập cảng hoặc thu hoạch, và so sánh chúng với thịt bò, thịt gà và thịt lợn.

Báo cáo cho thấy một nửa số loài hải sản mang lại giá trị dinh dưỡng cao hơn các nguồn protein động vật trên đất liền, đặc biệt là thịt đỏ. Việc đánh bắt các loài cá nổi dẫn đến các hoạt động khí nhà kính thấp nhất, trong khi động vật giáp xác có lượng khí thải carbon cao nhất. Cá hồi Pink và Sockeye khai thác, cá trích, cá thu, cá cơm và cá hai mảnh vỏ nuôi là những loài thải thấp nhất khí nhà kính.

Trong tương lai, khi các chính phủ tìm cách giảm phát thải khí nhà kính, họ có thể chuyển sang một hệ thống ưu tiên hải sản cung cấp giá trị dinh dưỡng cao nhất với chi phí phát thải khí thấp nhất, hoặc khuyến nghị tránh hải sản có dinh dưỡng kém tỷ lệ phát thải cao.

Lượng khí thải carbon của hải sản thấp hơn nhiều so với các động vật trên cạn

Thành phần protein, axit béo, vitamin và khoáng chất cao của hải sản đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của con người, và việc tiêu thụ hải sản được khuyến khích trong các chính sách của chính phủ ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, các tác giả nhận thấy rằng cuộc tranh luận của công chúng hiện nay đang tập trung vào chế độ ăn “xanh” dựa trên thực vật, hơn là chế độ ăn tập trung vào hải sản. Bài báo thừa nhận khó khăn trong việc thay đổi các tiêu chuẩn đã được thiết lập trong ngành thủy sản toàn cầu và thói quen tiêu dùng của người dân thế giới, nhưng cho biết có những phương pháp có thể có tác động.

Đối với lĩnh vực khai thác, việc phân bổ lại hạn ngạch, phân bổ lại thu hoạch, cải thiện năng lực và khả năng bảo quản lạnh để bảo quản tối đa sản lượng đánh bắt và giá đều có thể được sử dụng để định vị lại các nỗ lực của ngành. Đối với nuôi trồng thủy sản, những thay đổi về thức ăn, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và chọn thời điểm thu hoạch sẽ mang lại lợi ích lớn nhất trong việc kiểm soát và cải thiện thành phần dinh  dưỡng. Các nhà sản xuất có thể hướng đến người tiêu dùng bằng cách tập trung vào thủy sản có dấu chân carbon thấp hơn, tiếp thị các sản phẩm giá trị gia tăng, đưa lời khuyên về chế độ ăn uống.

Nhiên liệu và thức ăn chăn nuôi được xác định là những yếu tố đóng góp lớn nhất vào lượng khí thải thủy sản và sự khác biệt trong phương pháp sản xuất và thu hoạch đã tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với hiệu suất khí hậu của từng loài. Các tác giả nhận thấy rằng việc áp dụng các phương pháp đánh bắt tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế đánh bắt quá mức, tìm kiếm các nguồn thức ăn cho cá thân thiện với môi trường và nuôi nhiều cá và động vật có vỏ sẽ có lợi trong việc giảm phát thải carbon.

Nghiên cứu cho thấy, thúc đẩy tiêu thụ hải sản thay vì các protein động vật khác có thể cải thiện dinh dưỡng toàn cầu và an ninh lương thực trong tương lai, đồng thời giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Dinh dưỡng cho con người là mục tiêu cuối cùng của nghề cá và nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, đầu ra phải phù hợp về mặt dinh dưỡng, về sự đa dạng của các loài. Tối đa hóa sản lượng dinh dưỡng và giảm thiểu chi phí môi trường của cung cấp thủy sản nên là nguyên tắc chỉ đạo trong việc hoạch định chính sách trong lĩnh vực thủy sản.

Thùy Linh (Theo the seafoodsource)

Vasep.com.vn