Thứ Bảy, 18/02/2023, 18:57

Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giống thuỷ sản

 Chất lượng giống có tính chất quyết định đến hiệu quả của nuôi trồng thuỷ sản. Chất lượng giống tốt sẽ sinh trưởng nhanh, giảm chi phí thức ăn và có khả năng chống chịu với dịch bệnh cao, dễ thích ứng với sự biến đổi của điều kiện thời tiết…

Chất lượng giống có tính chất quyết định đến hiệu quả của nuôi trồng thuỷ sản. Chất lượng giống tốt sẽ sinh trưởng nhanh, giảm chi phí thức ăn và có khả năng chống chịu với dịch bệnh cao, dễ thích ứng với sự biến đổi của điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng giống thuỷ sản chưa đảm bảo được các yêu cầu đặt ra. Nhiều cơ sở sản xuất giống, do nhiều nguyên nhân nên chưa thực hiện tốt các quy định về quản lý giống, làm cho dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại cho sản xuất. Mặt khác, hiện tượng người nuôi chấp nhận mua giống trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng nhưng giá lại rẻ vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản. Để hiểu rõ hơn các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giống thuỷ sản, xin chia sẻ những thông tin thiết thực để giúp bà con chọn đúng con giống mang đến kết quả tốt nhất trong sản xuất.

Chất lượng giống thuỷ sản phụ thuộc vào hai yếu tố then chốt:

– Chất lượng đàn bố mẹ và kỹ thuật sinh sản.

– Kỹ thuật ương nuôi và vận chuyển cá giống.

1. Chất lượng đàn bố mẹ và kỹ thuật sinh sản là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giống, thể hiện ở các điểm sau:

Sinh sản cận huyết và lai tạo giống là hai hiện tượng liên quan tới yếu tố di truyền của các đối tượng nuôi trồng thuỷ sản thường ảnh hưởng tới chất lượng giống tại các cơ  sở  sản xuất:

– Do lợi nhuận hoặc các lý do khác mà hầu hết đàn bố mẹ của một số trại giống cá nước ngọt nhiều năm không được thay thế, thường tuyển chọn đàn cá hậu bị từ đàn cá thịt trong cùng một trại hoặc trong cùng địa phương để đưa vào nuôi vỗ cho sinh sản nên dễ xẩy ra cận huyết. Cận huyết thường dẫn tới sinh trưởng chậm, sức sinh sản và sức đề kháng kém. Để tránh ảnh hưởng của cận huyết, đàn cá bố mẹ của các cơ sở sản xuất giống hàng năm cần được thay thế, bổ sung từ đàn cá ông bà hoặc nên thường xuyên trao đổi đàn cá hậu bị với các trung tâm giống hoặc các cơ sở sản xuất giống ở các địa phương cách xa về địa lý.

– Lai tạo giống được thực hiện, đã và đang là một phương pháp tốt nhằm tạo nguồn giống sản xuất có những phẩm chất ưu việt về tốc độ sinh trưởng, khả năng chống chịu với dịch bệnh, sự thay đổi điều kiện của môi trường sống tốt hơn giống gốc. Tuy nhiên, giống trong lai tạo chỉ được dùng để nuôi thương phẩm, không được sử dụng con lai làm cá bố mẹ do mất tính trội và làm giảm chất lượng ở thế hệ con.

Để đảm bảo chất lượng con giống mỗi loài có yêu cầu về cỡ bố mẹ và tuổi tham gia sinh sản lần đầu và tối đa khác nhau: như cá trắm cỏ 4 – 7 tuổi, trọng lượng từ 3,5kg trở lên; cá chép 2 – 6 tuổi, trọng lượng nhỏ nhất 1,0 kg trở lên; rô phi 1 – 2 tuổi, trọng lượng 150 – 250g trở lên; cá vược 3 – 4 tuổi, trong lượng 4 – 6kg; tôm sú 8 tháng tuổi trở lên, trọng lượng 150 – 300g…

Mật độ nuôi vỗ, chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh sản, chất lượng trứng, ấu trùng và cá bột. Thức ăn trong quá trình nuôi vỗ phải đảm bảo chất lượng, đủ về  số lượng theo chu kỳ phát triển của buồng trứng và được cho ăn đúng cách. Ngoài ra, cần đảm bảo các yếu tố sinh thái như nhiệt độ, ôxy hoà tan, kích thích nước…phù hợp với từng đối tượng. Qua điều tra, cho thấy nhiều cơ sở sản xuất giống nuôi vỗ với mật độ quá dầy do thiếu diện tích và chăm sóc không đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật do vậy trứng phát triển không đều ảnh hưởng đến chất lượng giống.

Đối với từng loài thời gian nuôi vỗ và đẻ khác nhau. Vì vậy, cho sinh sản đúng thời điểm sẽ góp phần duy trì và nâng cao chất lượng giống như cá Chép nuôi vỗ từ tháng 10 năm trước, cho đẻ vào tháng 2 tháng 3 năm sau; cá Trắm cỏ nuôi vỗ từ tháng 9 – 10 năm trước và cho đẻ vào tháng 2 – 3 năm sau; tôm sú cho đẻ tháng 2 – 3… Việc dùng các chất kích dục tố quá liều lượng hoặc không đúng thời điểm để thúc đẻ sớm, đẻ róc cả những trứng chưa đạt đến độ chín cần thiết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giống.

Các đối tượng thuỷ sản đang được nuôi phổ biến hiện nay đa số có thể đẻ nhiều lần trong năm trong điều kiện nhân tạo. Tuy nhiên, chất lượng giống các lần đẻ tiếp theo thường thấp hơn lần trước. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng giống tốt chỉ nên cho đẻ tái phát 1 lần đối với cá, nhiều nhất là 2 lần đối với tôm sú và nhất thiết lần đẻ sau phải cách lần đẻ trước (đẻ chính vụ) một thời gian nhất định phụ thuộc vào từng loài.

2. Kỹ thuật ương nuôi và vận chuyển giống

Cá bột, ấu trùng tôm là nguồn đầu vào và ảnh hưởng lớn đến kết quả ương và chất lượng giống. Chất lượng cá bột, ấu trùng tôm phụ thuộc nhiều vào chất lượng đàn bố mẹ và kỹ thuật sinh sản, mật độ nuôi, quá trình chăm sóc và quản lý ao nuôi, kỹ thuật vận chuyển giống. Hiện nay một phần giống tôm sú được cung cấp tới người nuôi của tỉnh thông qua những thương lái trung gian, do thiếu kỹ thuật hay muốn thu nhiều lợi nhuận mà thương lái đã bán cho người nuôi con giống chất lượng kém (do vận chuyển xa, lưu giữ lâu ngày bị mệt, trầy xước, lây nhiễm bệnh…).

Để chọn mua giống có chất lượng, sạch bệnh bà con nên đến các cơ sở sản xuất và cung ứng có uy tín nhiều năm, có điều kiện về cơ sở vật chất – kỹ thuật, địa chỉ rõ ràng không mua giống trôi nổi và phải được các cơ quan chức năng kiểm dịch, chứng nhận đảm bảo chất lượng. Ngoài việc chọn con giống tốt, còn cần phải làm tốt các khâu từ cải tạo ao, thời vụ thả giống, mật độ giống thả phù hợp với điều kiện hạ tầng vùng nuôi, quản lý tốt các yếu tố môi trường trong suốt chu kỳ nuôi, đảm bảo chế độ cho ăn đủ về số lượng và chất lượng theo nhu cầu của từng giai đoạn sinh trưởng của đối tượng nuôi. Thực hiện tốt các yêu cầu trên, nuôi trồng thuỷ sản sẽ đem lại hiệu quả cao, góp phần phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững.

PGĐ: KS Nguyễn Đức Phụng

Khuyến nông Thái Bình