Những ngày qua, không khí lạnh, rét đậm kéo dài đã làm nhiệt độ giảm sâu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân. Để bảo vệ thủy sản nuôi trước tác động bất lợi của thời tiết, tại các địa phương trong tỉnh, người dân đang chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, đặc biệt là những diện tích nuôi phục vụ nhu cầu thị trường tết Nguyên đán.
Với gần 2 ha diện tích nuôi tôm đang chuẩn bị thu hoạch, những ngày này, mặc dù trời mưa rét nhưng anh Trần Văn Chung ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh vẫn thường xuyên túc trực để kiểm tra mức tiêu thụ thức ăn, bổ sung men vi sinh, khoáng chất vào nước ao để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi.
Theo kinh nghiệm của anh Chung, tôm nuôi vào vụ đông thường chịu ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ giảm thấp nên ngoài lót bạt toàn bộ ao nuôi, anh còn dự trữ nước trong các ao chứa, đảm bảo luôn giữ được mực nước trong ao nuôi từ 1,8 – 2 m. Lắp đặt đầy đủ máy quạt nước, hệ thống sục ôxy đáy, mái che ở các ao.
“Vụ nuôi cuối năm do nhiệt độ thấp, tôm thường giảm ăn, chậm lớn hơn so với nuôi chính vụ. Do vậy, người nuôi tôm phải thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn để điều chỉnh cho phù hợp, tránh dư thừa, vừa thiệt hại kinh tế vừa làm ô nhiễm nguồn nước ao nuôi. Bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất… để tăng sức đề kháng cho tôm. Tăng liều lượng men vi sinh để làm sạch môi trường đáy ao là nơi trú ẩn của tôm khi mưa rét”, anh Chung lưu ý thêm.
Còn tại xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, nhiều năm nay, anh Phạm Viết Tin luôn duy trì từ 5 – 7 lồng nuôi cá trên sông Ô Lâu với các đối tượng nuôi chủ yếu là cá chình và cá leo. Bình quân mỗi năm thu nhập từ nuôi cá lồng mang lại trên 150 triệu đồng.
Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá lồng của mình, anh Tin cho biết, vào mùa đông, người nuôi cá cần đặc biệt chú trọng công tác chăm sóc, quản lý để nâng cao sức đề kháng cho cá. Khi nhiệt độ xuống thấp, rét đậm, rét hại cá thường ăn ít cần giảm lượng thức ăn so với những ngày nắng ấm để tránh dư thừa gây thất thoát thức ăn và ô nhiễm môi trường nước trong lồng nuôi. Thời điểm cho cá ăn cũng nên thay đổi từ sáng sớm và chiều tối lên khoảng 8 – 9 giờ sáng và 14 – 15 giờ chiều vì lúc này nhiệt độ ấm hơn.
“Ngoài ra tôi còn áp dụng các biện pháp bảo vệ, phòng bệnh cho cá như hạ thấp lồng nuôi, thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ; treo túi vôi ở các góc lồng để khử trùng môi trường nước nhằm tiêu diệt, hạn chế mầm bệnh phát sinh gây bệnh cho cá”, anh Tin nói.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hải Lăng Đào Văn Trẩm cho biết, toàn huyện hiện có khoảng gần 500 ha nuôi cá nước ngọt, khoảng 90 ha nuôi tôm trên cát và hơn 160 lồng nuôi cá các loại.
Trong đó, tại những ao nuôi vượt lũ, các ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, người dân đang tập trung chăm sóc, chuẩn bị thu hoạch để cung cấp cho thị trường tết Nguyên đán. Những ngày qua, trước diễn biến thời tiết bất lợi, rét đậm kéo dài, huyện đã tuyên truyền đến các hộ nuôi trồng thủy sản không được chủ quan, lơ là, tập trung các biện pháp chăm sóc, bảo vệ thủy sản nuôi chu đáo, an toàn. Khuyến cáo các hộ nuôi mới không thả giống vào những ngày nhiệt độ xuống thấp để tránh hao hụt.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Hữu Vinh lưu ý, theo dự báo, tháng 12/2022 và đầu năm 2023 hiện tượng rét đậm, rét hại sẽ xảy ra tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho phát triển của thủy sản nuôi.
Do vậy, để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, người nuôi thủy sản cần kiểm tra, vệ sinh, gia cố lại bờ ao, đảm bảo không bị rò rỉ mất nước. Chủ động dâng mực nước trong ao lên tối thiểu đạt 1,5 – 2 m; thả bèo tây che phủ 1/2 – 2/3 diện tích mặt nước ao về phía Bắc.
Dùng các sọt tre đưa rơm rạ khô vào sọt, sau đó cắm cọc dìm sọt xuống đáy ao; hoặc dùng rơm rạ bó thành từng bó dùng cọc cắm dìm xuống đáy ao làm nơi trú ẩn cho cá. Đối với những ao nuôi có diện tích nhỏ, bể nuôi lưu giữ cá thì làm giàn trên mặt ao, bể che phủ bằng bạt nilon để tăng khả năng giữ nhiệt độ.
Cho thủy sản nuôi ăn đầy đủ, sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần ăn phù hợp, bổ sung Vitamin C, khoáng chất…để tăng sức đề kháng. Ngừng cho ăn khi nhiệt độ nước ao nuôi xuống dưới 15 độ C. Đối với ao nuôi tôm cần giữ mực nước ao luôn đảm bảo từ 1,8 – 2 m để tránh nhiệt độ nước ao thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng trưởng của tôm.
Hạn chế các hoạt động kéo lưới, chài tôm kiểm tra, tránh làm tôm tiếp xúc với không khí có nhiệt độ thấp, dễ làm tôm bị sốc và gây chết. Định kỳ rắc vôi bột hoặc thuốc sát trùng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để phòng ngừa mầm bệnh phát triển trong ao nuôi.
Cắt giảm 30 – 50% khẩu phần ăn hằng ngày khi nhiệt độ nước ao nuôi giảm xuống dưới 20 độ C. Bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa… nhằm tăng sức đề kháng và khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng cho tôm nuôi.
“Đối với các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm gần đến kỳ thu hoạch nhưng không có điều kiện thực hiện các biện pháp chống rét, nhất là các đối tượng chịu rét kém như cá rô phi, các chim trắng, cá lóc, cá vược, cá chim vây vàng… cần thu hoạch sớm và triệt để, không để xảy ra hiện tượng thủy sản chết do rét”, ông Vinh nhấn mạnh.
Lê An
Báo Quảng Trị