(Aquaculture.vn) – Một trong những nguyên nhân sinh bệnh và gây ô nhiễm ao nuôi tôm là bùn đáy ao. Tuy nhiên, việc lót bạt đáy ao để tránh ảnh hưởng của tình trạng này là rất tốn kém, không phải hộ nuôi nào cũng có đủ điều kiện để thực hiện. Bên cạnh đó tôm thường có thói quen đào bới nền đáy ao để tìm thức ăn, tập tính này trong môi trường ao có nhiều mùn bã hữu cơ sẽ ảnh hưởng xấu đến đường ruột của chúng, gây thiệt hại cho vụ nuôi của bà con. Vì vậy, việc xử lý bùn đáy ao nuôi tôm là việc rất quan trọng và cần thiết, giúp hạn chế mầm bệnh và sự ô nhiễm nước ao nuôi, từ đó giúp tôm được khỏe mạnh, tăng năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nguyên nhân xuất hiện bùn đáy ao:
- Lượng bùn đáy dơ còn thừa do cải tạo ao không kỹ.
- Thức ăn dư thừa quá nhiều, chất thải tôm và vỏ tôm lắng xuống đáy làm cho lớp bùn bã đáy ao ngày càng nhiều.
- Nguồn nước cấp bị ô nhiễm hữu cơ.
- Đất ao bị xói mòn do dòng chảy của nước từ việc chạy quạt, đất trên bờ ao bị rửa trôi.
- Xác chết của các loại sinh vật.
- Các loại vôi, khoáng chất còn thừa.
Tác hại:
- Đáy ao dơ sẽ gây suy thoái ao nuôi, ô nhiễm môi trường nước làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm nuôi.
- Lớp bùn đáy là nơi cư trú của vi khuẩn có hại, nấm và các động vật nguyên sinh. • Sự phân hủy bùn đáy ao sẽ sản sinh ra các khí độc như NH3, H2S, gây ngộ độc và stress cho tôm, cá.
- Làm giảm oxy tầng đáy.
- Tạo điều kiện cho tảo phát triển
- Dễ gây ra các bệnh cho tôm như đen mang, mòn râu, các bệnh về đường ruột,… làm ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi và giảm năng suất vụ nuôi.
Cách xử lý:
- Cải tạo ao thật kỹ cho mỗi vụ nuôi mới.
- Hạn chế sự xói mòn do dòng chảy bằng việc rửa ao nhiều lần, xây dựng chắc chắn hệ thống ao nuôi, gia cố kỹ bờ ao.
- Quản lý chặt chẽ việc cho ăn, giảm lượng thức ăn dư thừa.
- Loại bỏ chất thải bùn đáy ra khỏi ao bằng cách thay nước, hút bùn và xiphon đáy ao.
- Sử dụng chế phẩm sinh học: Chế phẩm vi sinh: chủng vi khuẩn có lợi Bacillus spp. có khả năng phân hủy bùn đáy, xử lý mùi hôi và chất hữu cơ dư thừa trong nước.
Đề xuất giải pháp:
Việc xử lý chất hữu cơ dư thừa và bùn đáy ao là hết sức cần thiết, nhằm giữ môi trường nước trong sạch, nâng cao sức khỏe và sự phát triển của động vật thủy sản. Tuy nhiên, sản phẩm khi đưa vào ao nuôi ngoài hiệu quả sử dụng còn phải thân thiện với môi trường, không gây ảnh hưởng xấu động vật thủy sản. Do đó, việc sử dụng sản phẩm vi sinh từ đầu và bổ sung thường xuyên là lựa chọn tối ưu cho việc giải quyết các vấn đề trong ao nuôi.
Thái Nam Việt