Thứ Ba, 14/09/2021, 11:00

Trong tháng 8, giảm hơn 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thuỷ sản

Trải qua gần 2 tháng hoạt động trong điều kiện giãn cách xã hội, xuất khẩu thủy sản thực sự ngấm đòn COVID-19, khi giá trị xuất khẩu trong tháng 8 sang các thị trường đều giảm từ 16 – 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản giảm tới 36%, sang EU giảm 32% (riêng sang Hà Lan giảm gần 50%, Đức giảm 42%). Xuất khẩu sang Mỹ và Nga giảm ít nhất là 16%. Xuất khẩu sang Anh giảm 48%, sang Australia và Canada giảm 35% và 37%.

Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 đạt 588 triệu USD giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 20-33% so với cùng kỳ năm 2020.

So với tháng 7, trong tháng 8 xuất khẩu giảm 31%, trong đó tôm giảm mạnh nhất (giảm 36%), cá tra giảm 31%, cá ngừ và cá biển khác giảm 25%, mực, bạch tuộc giảm 23%… Ngoài ra, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8 giảm đi hơn 100 doanh nghiệp.

Sau một thời gian giãn cách, nhiều doanh nghiệp cho biết, đã đến mức báo động nếu không thể phục hồi sản xuất sớm trước 15/9. Trong trường hợp doanh nghiệp được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách sau 15/9, khả năng đáp ứng được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng khá hạn chế, những đơn hàng mới hầu như khó thực hiện.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng, nếu cứ kéo dài sản xuất “3 tại chỗ”, doanh nghiệp sẽ không thể chịu nổi vì chi phí sản xuất tăng.

Theo bà Khanh, như Công ty Vĩnh Hoàn đã thực hiện “3 tại chỗ” 2 tháng nay, hàng tuần đều test PCR nên rất tốn kém. Do vậy, chỉ cần tầm soát xét nghiệm 20% thay vì 100% như hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp muốn khôi phục tăng sản lượng chế biến để đáp ứng các đơn hàng nên đang cần gọi lại những công nhân đã tạm nghỉ việc quay trở lại nhà máy làm việc. Tuy nhiên, nhiều địa phương áp dụng giãn cách thái quá, khiến công nhân không thể đến nhà máy làm việc và đi thu hoạch thủy sản.

“Điển hình như thu hoạch cá tra. Cá tra đang quá lứa nằm chờ dưới ao, nông dân nguy cơ thua lỗ. Chúng tôi cử đoàn nhân công đến giúp nông dân thu hoạch cá, nhưng khi vào địa phương thu hoạch cá bắt buộc phải cách ly 14 ngày. Trong khi đoàn thu hoạch cá tra dù di chuyển sang nhiều địa phương nhưng họ đều đảm bảo các yếu tố dịch tễ, đã tiêm phòng vắc xin có giấy xét nghiệm đầy đủ”, bà Khanh cho hay.

Bà Khanh cho rằng các địa phương cần thống nhất các biện pháp đi lại, và cho phép thành lập các tổ, đội thu hoạch cá chuyên nghiệp có thể di chuyển qua các địa phương trong điều kiện đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch.

Nguồn: Tienphong.vn