Mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ và cá rô phi theo hướng an toàn sinh học, với việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước, nguồn thức ăn chính là cám công nghiệp tổng hợp cho hiệu quả năng suất chất lượng cao, hạn chế dịch bệnh, tạo nguồn thu nhập ổn định của gia đình anh Nguyễn Đình Mạnh, ở Thôn 4 xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, Thành phố Hải Phòng.
Với quy mô 3.000 m ao, đối tượng nuôi chính là cá trắm cỏ, rô phi, cá chép và một số ít cá trôi, cá mè. Mùa vụ nuôi từ tháng 7/2020 – tháng 4/2021, sau 9 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng thương phẩm và đã thu hoạch, cá trắm cỏ từ 3- 4 kg/con, cá rô phi trung bình 1,5 kg/con.
Anh Mạnh chia sẻ: “Trước đây, tôi cho cá ăn chủ yếu là cỏ, mỗi vụ nuôi khoảng 12 – 16 tháng cá trắm cỏ mới đạt cỡ 3 kg/con, tôi phải dành nhiều thời gian để kiếm thức ăn cho cá”. Đến nay, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học và sự tư vấn kỹ thuật của cán bộ Khuyến nông, anh Mạnh sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước, dùng cám công nghiệp để cho cá ăn, ngày cho ăn 2 lần vào sáng sớm và chiều mát nên không mất nhiều thời gian mà cá nhanh lớn hơn.
Anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt do Trạm Khuyến nông huyện Thủy Nguyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp PTNT tổ chức. Đồng thời được sự giúp đỡ về kỹ thuật của cán bộ Khuyến Nông nên anh có thêm nhiều kinh nghiệm nuôi. Anh sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước định kỳ, sử dụng thuốc bổ, vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá. Anh mạnh cho biết “Để nuôi cá nước ngọt đạt hiệu quả thì cần thực hiện tốt từ công đoạn chuẩn bị ao nuôi, chọn và thả giống, chăm sóc quản lý đến thu hoạch nhờ có thêm kinh nghiệm, hai vụ nuôi gần đây cá trong ao nhà tôi khỏe mạnh, ít dịch bệnh hơn, trước đây mỗi vụ nuôi đều có cá chết khá nhiều đến nay thì chỉ thi thoảng số lượng cá chết không đáng kể”.
Theo anh, công đoạn cải tạo ao nuôi rất quan trọng, giúp loại bỏ khí độc, thức ăn thừa, mầm bệnh tồn tại trong nước ao, đáy ao. Đồng thời, đây cũng là cách tạo ra môi trường sinh trưởng, phát triển tốt nhất cho cá trong vụ nuôi mới. Với khâu chọn giống: chú ý chọn con giống khỏe, cá đồng cỡ, màu sắc sáng đẹp, bơi lội nhanh nhẹn, không bị dị hình, trầy da, lở mình. Để nuôi cá đạt năng suất, cần chú ý mật độ nuôi thoáng, khẩu phần ăn thích hợp cho từng giai đoạn. Mùa vụ thả giống thường tập trung vào đầu mùa mưa, vì lúc này trùng với mùa sinh sản của cá ngoài tự nhiên nên chất lượng cá giống sẽ tốt hơn. Chú ý phân loại cỡ cá, hạn chế sự cạnh tranh thức ăn và hao hụt, không để thức ăn dư thừa, gây ô nhiễm nguồn nước.
Và quan trọng nhất với ao nuôi cá chính là việc xử lý môi trường nước, quá trình nuôi phải đảm bảo được nguồn nước đạt chất lượng, xử lý ao đúng kỹ thuật. Trong quá trình nuôi, phải theo dõi thời tiết khí hậu, đặc biệt những hôm thời tiết thay đổi để có biện pháp giảm thức ăn, cấp thêm nước hoặc thay nước để hạn chế cá nổi đầu. Cần tăng cường ôxy cho cá bằng máy quạt nước hoặc máy sục khí từ tháng thứ 3 trở đi. Vào những ngày không có nắng cần tăng thời gian vận hành máy. Luôn duy trì mức nước trên 1,5m trở lên. Từ tháng thứ 3 trở đi thay từ 1/3-1/2 lượng nước với tần suất 4 lần/ tháng. Từ tháng nuôi thứ 3 trở đi, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để phân hủy xác động vật, thực vật, thức ăn dư thừa và chât hữu cơ trong môi trường nước. Định kỳ 1 tháng/1 lần bổ sung vitaminC với lượng 3-5g/kg thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
Nhờ sự tâm huyết với nghề, sự cố gắng học hỏi kinh nghiệm, cần cù chịu khó, và đầu tư mọi mặt, vụ cá năm nay gia đình anh xuất bán hơn 6 tấn cá các loại như trắm cỏ, rô phi, trôi, chép. Sau khi trừ chi phí anh thu lãi hơn 50 triệu đồng.
Ks. Mạc Thị Ngà – Trạm Khuyến nông Thủy Nguyên