Thứ Ba, 28/03/2023, 16:00

Ngành tôm đang đối diện cùng lúc nhiều loại dịch bệnh

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị Phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ năm 2023 tại Ninh Thuận

Ngày 24/3, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ năm 2023. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị Phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ năm 2023 tại Ninh Thuận
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị Phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ năm 2023 tại Ninh Thuận

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), năm 2022, tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại là trên 23,4 nghìn ha tại 21 tỉnh, thành phố. Con số này tăng 15,5% so với năm 2021. Trong đó, diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại là 8.552 ha, tôm nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến bị thiệt hại trên 14,6 nghìn ha, còn lại là tôm lúa và các hình thức nuôi khác là 239 ha.

Trong năm 2022, tổng diện tích tôm nước lợ xác định được do dịch bệnh là trên 7,1 nghìn ha, chiếm 30,4% diện tích tôm bị thiệt hại. Diện tích còn lại do chủ nuôi tôm, cơ quan thú y địa phương không lấy mẫu xét nghiệm bệnh hoặc do các yếu tố môi trường.

Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước có trên 1,6 nghìn ha tôm nuôi tại 6 tỉnh bị thiệt hại (giảm 78% so với cùng ký năm 2022). Tổng diện tích xác định được bệnh là khoảng 688 ha, con số này chiếm 42,7% tổng diện tích tôm thiệt hại. Theo Cục Thú y, diện tích xảy ra nhiều nhất tại tỉnh Cà Mau, kế đến là Bạc Liêu, Trà Vinh và các địa phương khác.

Theo ghi nhận của ngành thú y, tôm nuôi bị các bệnh phổ biến như hoại tử gan tuỵ cấp tính, bệnh đốm trắng (WSD), bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHND), bệnh do vi bào tử trùng (EHP), hội chứng phân trắng…

Theo Cục Thú y, về cơ bản, hiện nay vẫn kiểm soát tốt và hạn chế thiệt hại do một số dịch bệnh nguy hiểm trên tôm, không để các bệnh nguy hiểm xâm nhiễm vào trong nước như: đầu vàng, hoại tử gan tụy, teo gan tụy, hoại tử cơ.

Chưa có vacxin phòng bệnh  

Hiện nay, trên thế giới chưa có vacxin để chủ động phòng bệnh cho tôm, vì vậy các biện pháp phòng bệnh chủ yếu phải dựa vào các biện pháp an toàn sinh học và quản lý ao nuôi. Cùng với đó là xây dựng quy trình nuôi phù hợp với từng vùng nuôi, đặc biệt là xử lý nguồn nước ao nuôi, kiểm soát nguồn tôm giống, điều chỉnh quy trình chăm sóc ao nuôi.

Ngành thú y cũng chỉ ra tôm nuôi đang phải đối diện vấn đề thời tiết có diễn biến cực đoan, tiêu cực, khó dự đoán. Nguồn nước cấp ở cuối nguồn thường bị thiếu và ô nhiễm và các mô hình nuôi tôm không kiểm soát. Điều này gây thiệt hại cho người nuôi tôm và thường trực nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh, kể cả các bệnh thông thường.

Trong năm 2023, ngành thú y lên kế hoạch và đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi. Theo đó tăng cường theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh trên tôm ở các địa phương, tổ chức giám sát dịch bệnh tại các vùng nuôi. Đồng thời tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh tại một số vùng nuôi trọng điểm. Cùng với đó là hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng cơ ở an toàn dịch bệnh, hỗ trợ phối hợp với các chi cục chăn nuôi, thú y địa phương thẩm định, công nhận an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở sản xuất tôm giống.

Đồng thời, Cục Thú y cũng tăng cường công tác kiểm dịch trên tôm giống. Theo đó, Cục phối hợp cùng các địa phương để xem xét, kiện toàn, bố trí và sắp xếp đủ số lượng kiểm dịch viên, bảo đảm nguồn lực để thực hiện kiểm dịch tôm giống. Kiểm dịch chặt chẽ tôm giống xuất và nhập trên địa bàn các địa phương.

Cục Thú y cũng tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống dịch và tìm hiểu quy định quốc tế để hỗ trợ các cơ sở trong phòng chống dịch, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Chỉ đạo tại hội nghị. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, đối với dịch bệnh trên tôm cần nắm bắt về đặc điểm dịch tễ, đường di truyền, đặc biệt cần tìm giải pháp, phòng ngừa bằng sinh học. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành thú y phải đánh giá đúng thực trạng và đưa ra các giải pháp gắn với thực tế môi trường. Để phòng ngừa dịch bệnh trên tôm, việc hướng đến sinh học là hợp lý và cần tìm giải pháp, nghiên cứu dược liệu, cây thuốc Việt Nam.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

NNVN

Nguồn: Mard.gov.vn