Diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng năm 2022 được 54.600ha, vượt 7,06% kế hoạch và tăng 3,02% so với năm trước, nhưng tỷ lệ thiệt hại chỉ ở mức dưới 5,3%. Tổng sản lượng tôm nuôi ước thu hoạch đến cuối năm khoảng 227.738 tấn, vượt 16,2% kế hoạch và cao hơn 24,3% so với năm trước. Xuất khẩu thủy sản (chủ lực là tôm) năm thứ hai liên tiếp vượt mốc 1 tỷ USD. Tất cả những con số trên đều hết sức ấn tượng, nhưng lại kém vui do mức lợi nhuận không như kỳ vọng.
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tại “Hội nghị tổng kết sản xuất thủy sản năm 2022 và triển khai kế hoạch, giải pháp năm 2023” tổ chức vào ngày 21/12, trong vụ tôm nước lợ năm 2022, toàn tỉnh thả nuôi được 54.600ha, vượt 7,06% kế hoạch và tăng 3,02% so với năm trước, nhưng tỷ lệ thiệt hại chỉ ở mức dưới 5,3%, trong đó, tôm thẻ chân trắng thả nuôi 41.416ha (chiếm 75,9% diện tích thả nuôi) và tôm sú 13.184ha (chiếm 24,1% diện tích thả nuôi). Điểm nổi bật của vụ tôm nước lợ năm nay là tỷ lệ diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm đến 94,5%, nên dù diện tích thả nuôi không lớn, nhưng sản lượng tôm năm nay ước tính lên đến 227.738 tấn, vượt 16,2% kế hoạch và cao hơn 24,3% so với năm trước; trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm 88,2% và tôm sú chiếm 11,8% tổng sản lượng tôm nuôi. Năng suất tôm nuôi bình quân đối với tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh là 5,27 tấn/ha, bán thâm canh 4,39 tấn/ha, còn tôm sú năng suất trung bình ước đạt 2,11 tấn/ha; trong đó, hình thức quảng canh cải tiến 0,5 tấn/ha, bán thâm canh 1,9 tấn/ha và thâm canh là 4,5 tấn/ha.
Nhìn chung, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022 gặp khá nhiều khó khăn vì ngay đầu vụ nuôi độ mặn thấp, dịch bệnh phát sinh, các yếu tố đầu vào đều tăng, nên người dân hạn chế thả nuôi, làm chậm tiến độ thả nuôi những tháng đầu năm. Nhưng với kết quả trên, cho thấy đây vẫn là một vụ nuôi cơ bản thành công về kế hoạch diện tích, sản lượng và tỷ lệ thiệt hại. Tuy nhiên, cũng do khó khăn về thời tiết, môi trường, dịch bệnh và giá đầu vào tăng, nên dù đạt sản lượng cao, nhưng nhìn chung tỷ lệ hộ nuôi có lãi là không cao. Ở vụ tôm năm nay, số hộ nuôi có lãi của huyện Mỹ Xuyên chỉ chiếm 52%, còn lại 30% là huề vốn và 18% bị thua lỗ. Tương tự như Mỹ Xuyên, huyện Cù Lao Dung dù tỷ lệ thiệt hại chỉ chiếm 3% nhưng cũng chỉ có 60% hộ nuôi có lãi. Còn tại huyện Trần Đề, nơi có tỷ lệ nuôi thâm canh cao nhất tỉnh, tỷ lệ hộ nuôi có lãi cũng khoảng 70%, còn lại là huề vốn và lỗ.
Nếu nhìn vào các con số về tỷ lệ diện tích thiệt hại, tổng sản lượng tôm nuôi với tỷ lệ hộ nuôi có lãi sẽ có không ít người đặt vấn đề về tính hợp lý của các con số này. Và thực tế, theo ông Huỳnh Ngọc Nhã – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, cử tri cũng đã đặt vấn đề này với ngành nông nghiệp. Giải thích thêm về các con số trên, ông Nhã cho biết: “Trước đây, tôm thẻ 45 ngày nuôi đạt trọng lượng 150 con/kg, giá bán bình quân 65.000 đồng/kg là người nuôi có thể huề vốn, nên chúng ta lấy mốc này để tính vào tỷ lệ thiệt hại. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, giá vật tư đầu vào hàng năm đều tăng mạnh, nhưng giá tôm thì vẫn không tăng, nên thu hoạch tôm ở kích cỡ này người nuôi chỉ có thua lỗ chứ không còn được huề vốn như trước nữa. Vì vậy, cách tính thiệt hại tới đây cũng cần phải nghiên cứu lại sao cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế”.
Ông Lê Minh Đương – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cù Lao Dung cũng đồng tình với ý kiến này khi dẫn chứng, dù tỷ lệ thiệt hại vụ nuôi năm nay của huyện chỉ khoảng 3%, nhưng tỷ lệ hộ có lãi cũng chỉ có trên 60%. Nguyên nhân theo ông Đương là do nhiều hộ nuôi dù biết tôm bị tình trạng “tôm giữ ao” (chậm lớn do nhiễm EHP hoặc bệnh phân trắng) vẫn kéo dài thời gian nuôi trên 45 ngày để hy vọng tôm phục hồi, đến khi không còn chịu được nữa mới thu hoạch thì lỗ nặng hơn cả những hộ thu hoạch lúc tôm 45 ngày tuổi, nhưng không được tính vào diện bị thiệt hại. Do đó, ông Đương đề xuất: “Cách tính thiệt hại như vừa qua là chưa sát thực tế, nên chưa phản ánh đúng kết quả của vụ nuôi. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần nghiên cứu, đề xuất cách tính mới cho phù hợp hơn”.
Bệnh EHP, phân trắng năm nay chủ yếu là do con giống mà nguyên nhân là nhiều hộ có tài chính hạn hẹp chọn mua loại con giống giá rẻ, con giống khuyến mãi cao. Một nguyên nhân nữa là những diện tích nuôi tôm trong nội đồng sử dụng cấp, thoát nước cùng một dòng kênh tạo vòng lẩn quẩn chất thải trong môi trường nước gây ô nhiễm làm phát sinh dịch bệnh. Tình hình thời tiết cũng có sự chênh lệch nhiệt độ khá lớn giữa ngày và đêm cũng làm cho tôm chậm lớn và dễ bị mầm bệnh tấn công. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, tại những trang trại, mô hình nuôi công nghệ cao, sử dụng con giống chất lượng của doanh nghiệp có uy tín lâu nay và có quy trình xử lý nước triệt để vẫn bị nhiễm EHP làm tôm chậm lớn.
Không chỉ hộ nuôi có lãi chiếm tỷ lệ thấp, mà mức lãi cũng không cao so với những năm trước, do chi phí đầu vào năm nay tăng rất mạnh, còn tôm nuôi thì chậm lớn và khó nuôi về kích cỡ lớn. Ông Nguyễn Quốc Thống – hộ nuôi tôm ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Đối với mô hình nuôi ao lót bạt 2 – 3 giai đoạn, những năm trước chỉ cần khoảng 100 – 105 ngày là tôm về cỡ 30 con/kg rất dễ dàng, nhưng năm nay phải mất đến 130 ngày mới về được 30 con/kg. Do đó, ở đợt thu hoạch cuối cùng vào cuối tháng 11 vừa rồi, dù tổng thu được 1,25 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ có 380 triệu đồng, trong khi mọi năm, với số thu này lợi nhuận ít gì cũng phải 500 triệu – 600 triệu đồng”.
Còn theo ông Ngô Công Luận – Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14/10, Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, năm ngoái dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng hợp tác xã vẫn có lãi gần 170 triệu đồng, còn năm nay thì thua.Ông Phạm Văn Mừng – Giám đốc Hợp tác xã Toàn Thắng, ở xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, cũng nói vui: “Hợp tác xã mang tên Toàn Thắng, nhưng năm nay phần lớn toàn thua, chỉ khoảng 20% thành viên là có lãi”.
Đây là nguyên nhân chính lý giải vì sao ngành thủy sản tỉnh đạt những con số ấn tượng nhưng tính chung ra, không phải đa số hộ nuôi đều có lãi.
TÍCH CHU
Báo Sóc Trăng