Trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân cần chấp hành đúng các quy định trong quá trình nuôi trồng thuỷ sản vụ mới này.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp vào Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 27/12, đơn vị đã có hướng dẫn các địa phương, người dân về nuôi trồng thuỷ sản vụ mới năm 2023. Ngành nông nghiệp xác định đây là vụ nuôi thuỷ sản sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trước thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh thông tin, theo quy định của ngành nông nghiệp, đối với nuôi thủy sản trên cát ven biển có thể nuôi quanh năm với điều kiện các cơ sở có hạ tầng tốt, môi trường vùng nước cấp đảm bảo; xử lý và kiểm soát các chỉ tiêu về nhiệt độ, môi trường trong ao nuôi phù hợp, xây dựng phương án chủ động phòng chống thiên tai.
Chủ cơ sở, hộ nuôi phải chọn thời điểm thả giống phù hợp, tránh thả giống vào các thời điểm có không khí lạnh đầu năm, hoặc nắng nóng trong các tháng 6, 7 trong năm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thủy sản nuôi. Với vụ đông cần chủ động các phương án để chống rét cho vật nuôi, như duy trì độ sâu trong ao thích hợp, tăng cường chế độ dinh dưỡng, có thể phủ kín bạt, lưới cho ao nuôi…
Các địa phương tuyên truyền, khuyến khích người dân đầu tư nuôi thuỷ sản công nghệ cao, nhiều giai đoạn trong ao quy mô nhỏ… để kiểm soát dịch bệnh và kết nối chuỗi tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Quá trình nuôi phải lấy nước và xử lý nước qua ao lắng để giảm thiểu tối đa hàm lượng TSS (tổng chất rắn lơ lửng), sắt, chì và loại trừ các mầm bệnh do virus, vi khuẩn gây ra các bệnh thường gặp ở tôm. Người nuôi thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh các yếu tố môi trường thích hợp và ổn định, tăng cường sức đề kháng để phòng bệnh cho tôm nuôi.
Ngành thuỷ sản, các địa phương khuyến khích và thông tin hỗ trợ người dân mua giống thủy sản tại các cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Các cơ sở sản xuất phải trình các giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc, chất lượng giống thủy sản theo đúng quy định, đã qua kiểm dịch và không bị nhiễm các bệnh đặc chủng của loài.
Đối với nuôi thủy sản nước lợ, mặn trong đầm phá phải thường xuyên theo dõi thời tiết thuận lợi và kiểm tra các thông số môi trường nước ở các vùng nuôi nước lợ đảm bảo độ mặn, nhiệt độ để chọn thời điểm thả giống thích hợp. Khi thả giống cần tránh sốc nước, nhiệt độ, môi trường nhằm nâng cao tỷ lệ sống, tốc độ phát triển và phòng chống dịch bệnh cho các đối tượng nuôi. Khi nuôi dưỡng một số đối tượng giống cá tự nhiên bản địa (dìa, nâu, mú, vẩu…) trong ao, lồng bè qua bão lũ để thả nuôi năm sau, tùy điều kiện cụ thể của từng vùng cần đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường, phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về tài sản khi bão lũ xảy ra.
Việc cải tạo ao hồ nuôi trồng thủy sản vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Lăng Cô phải thực hiện đồng loạt cùng thời gian trong từng vùng để đảm bảo lấy được nước sạch vào ao nuôi. Đối với việc nuôi trong ao vùng cao triều đầm phá, nuôi cá lồng tại một số địa phương, thường kéo dài thời gian nuôi đến cuối năm nên khuyến cáo người dân chọn các đối tượng có khả năng chịu đựng tốt với biến động lớn của môi trường.
Đối với nuôi thủy sản nước ngọt tại các vùng nuôi thủy sản lồng bè trên sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, sông Đại Giang, sông Truồi cần chuẩn bị trang thiết bị (máy sục khí, ôxy-gen, thuốc tím, vôi…) để chủ động phòng trị bệnh cho thủy sản, xử lý kịp thời khi cá nổi đầu hoặc chết do không có dòng chảy. Đồng thời thường xuyên vệ sinh và kiểm tra đáy lồng để phát hiện những dấu hiệu bất thường và xử lý kịp thời.
Các địa phương, ban ngành tổ chức thanh kiểm tra và xử lý nghiêm, triệt để việc nuôi tự phát lồng bè, nuôi chắn lưới, nuôi giàn bè nhuyễn thể trên các khu vực sông, đầm phá, cửa biển và các trường hợp sử dụng đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản không đúng mục đích đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Trong điều kiện nuôi thâm canh, bán thâm canh phải có hệ thống ao xử lý nước cấp, xử lý nước thải, khu vực xử lý bùn thải, bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Các cơ sở nuôi chú trọng sử dụng trang thiết bị, giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường theo đúng quy định.
Bài, ảnh: THẾ GIANG
Báo Thừa Thiên Huế