(Aquaculture.vn) – Hiện nay, bệnh EHP đang là vấn đề nhức nhối cho người nuôi tôm. Mặc dù bệnh không gây chết tôm hàng loạt nhưng thiệt hại về kinh tế do EHP gây ra là rất lớn cho người nuôi, vì bệnh này làm tôm giảm hấp thụ dinh dưỡng và chậm lớn. Điều đó gây giảm lợi nhuận khi thu hoạch tôm sớm hơn mong đợi và tăng chi phí lên rất nhiều khi kéo dài vụ nuôi.
EHP là bệnh do kí sinh trùng nội bào Enterocytozoon hepatopenaei gây ra, được báo cáo ở một số tôm penaeid, bao gồm cả tôm sú (Penaeus monodon) và tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương (P. vannamei) đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Dấu hiệu lâm sàng
Các dấu hiệu lâm sàng chính của nó là chậm phát triển dẫn đến kích thước thay đổi.
Trong giai đoạn nặng của bệnh, tôm bị nhiễm EHP thường có biểu hiện mềm vỏ, bơi lờ đờ, ruột trống rỗng thức ăn, đục cơ và chết mãn tính.
EHP gây ra các tổn thương ở tế bào biểu mô ống gan tụy (HP).
Thường liên quan đến Hội chứng Phân trắng (WFS). 100% tỷ lệ nhiễm EHP trong các trang trại nuôi tôm bị ảnh hưởng bởi WFS đã được ghi nhận ở các bang Tamil Nadu và Andhra Pradesh của Ấn Độ. Các sợi phân trắng nổi trên bề mặt của ao bị ảnh hưởng là một trong những dấu hiệu lâm sàng của nhiễm EHP.
Tuy nhiên, hội chứng phân trắng không phải là một đặc điểm nhất quán so với tốc độ tăng trưởng chậm, sự thay đổi kích thước và cả hai tình trạng này không phải lúc nào cũng đồng thời.
Cơ chế gây bệnh
Vì EHP là một loại ký sinh trùng nội bào, nó sao chép trong khu vực tế bào chất của các tế bào biểu mô ống gan tụy. Khi EHP xâm nhập vào ao nuôi, rất khó tiêu diệt. Các bào tử của EHP ở dạng viên hoặc xác chết khô có khả năng tồn tại đến sáu tháng và giữ được khả năng lây nhiễm hơn một năm trong điều kiện có nước. Các bào tử được giải phóng trong môi trường được kích hoạt khi các yếu tố bên ngoài thích hợp và xâm nhiễm vào tế bào vật chủ.
Khi các bào tử xâm nhập vào ruột tôm, chúng bắt đầu lây nhiễm vào các tế bào gan thông qua việc mở rộng một ống phân cực chuyên biệt cao. Khi quá trình lây nhiễm tiến triển, số lượng bào tử tăng lên vì chúng nhân lên trong tế bào vật chủ. Do đó, các bào tử mới được hình thành sau đó lây nhiễm sang các tế bào khỏe mạnh khác. Nhiễm EHP trong điều kiện ao nuôi có thể xảy ra liên tục, dẫn đến gan tụy bị tổn thương nặng dần với các mức độ nhiễm bệnh khác nhau. Sự lây nhiễm với số lượng lớn, sản xuất và giải phóng bào tử bằng cách ly giải tế bào, cùng với sự bong tróc của toàn bộ tế bào chứa bào tử dẫn đến mất tính toàn vẹn của biểu mô ống HP và có thể kèm theo một số tôm chết. Các bào tử, tế bào bong tróc và mảnh vụn từ các tế bào bị ly giải tích tụ trong ruột giữa làm cho nó trở thành các chuỗi phân màu trắng.
Ngoài ra, các tế bào làm dung dịch giải phóng các bào tử bình thường theo cách phân tán theo thời gian cho phép đổi mới tế bào và giữ nguyên cấu trúc HP ít nhiều. Điều này cho phép nhiễm trùng lâu dài mà không có dấu hiệu bên ngoài của bệnh nhưng có thể gây chậm phát triển.
Dịch tễ bệnh EHP
EHP có thể xảy ra ở độ mặn hoạt phổ rộng (2 – 30ppt). Một trong những giai đoạn quan trọng trong quá trình nảy mầm của bào tử là sự gia tăng áp suất thẩm thấu trong bào tử. Sự khác biệt về độ mặn dẫn đến môi trường nhược trương ở 2ppt và 15ppt so với môi trường ưu trương ở 30ppt. Có thể thấy dung dịch ưu trương tăng cường sự nảy mầm của bào tử bằng cách tăng quá trình hoạt hóa của bào tử.
Nồng độ Amoniac và Nitrit trong khoảng 1mg/l – 1,2mg/l có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm EHP trong các trang trại nuôi tôm. Sự tích tụ Amoniac và Nitrit có thể ảnh hưởng đến sản lượng tôm bằng cách giảm tỷ lệ sống, năng suất tăng trưởng và tổn thương gan tụy của P. vannamei, tạo cơ hội cho mầm bệnh cơ hội như EHP lây nhiễm sang tôm.
Phòng bệnh
Lựa chọn tôm bố mẹ, con giống sạch bệnh, không nhiễm EHP. Không sử dụng thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ. Nếu sử dụng thức ăn tươi sống cần đảm bảo không bị nhiễm EHP, việc bảo quản thức ăn tươi sống vào tủ đông -200C sau 24 giờ trước khi cho tôm bố mẹ ăn.
Cải tạo ao nuôi thật kỹ:
+ Đối với ao lót bạt: Khử trùng rửa sạch, phơi đáy ao tối đa 7 ngày để tiêu diệt mầm bệnh. Sử dụng Chlorine kết hợp với NaOH rửa sạch để tiêu diệt bào tử EHP trên khung sắt lót bạt và phơi nắng đáy ao.
+ Đối với ao đất rất khó xử lý do bào tử EHP có thể bám trên các lớp đất. Chính vì vậy, ngoài việc vệ sinh đáy ao sạch sẽ cần rải vôi đều quanh ao kết hợp phơi nắng ít nhất 7 – 10 ngày để diệt mầm bệnh, sau đó cấp nước vào ao và xử lý nước bằng Chlorine 30kg/1.000m3.
Xử lý nước trong ao phòng EHP và diệt ấu trùng vẹm, ốc: Để ao lắng sau 5 ngày, bơm nước qua xử lý bằng vải mịn để 2 ngày và sục khí cho các ấu trùng nở ra, cuối cùng xử lý chlorine 30kg/1.000m3 quạt nước đến 4 ngày hoặc khi hết mùi chlorine mới bắt đầu thả nuôi tôm.
Định kỳ bổ sung vitamin C và men tiêu hóa vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.
Xử lý nước định kì, theo dõi các thông số môi trường và sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường ao nuôi.
Trị bệnh (phương pháp nghiên cứu này chỉ mang tính chất tham khảo)
Sau khi phát hiện tôm bị nhiễm EHP với tỉ lệ nhiễm <30% các hộ nuôi có thể tham khảo phác đồ điều trị như sau:
Trước khi sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh cần khử trùng nước để diệt khuẩn sát trùng nước bằng BKC, Chlorine.
Điều trị bệnh bằng kháng sinh đặc trị kí sinh trùng như Praziquantel (5g) kết hợp Invermectin (1%) hoặc sử dụng Menbendazol với liều lượng 3 – 5g/kg thức ăn. Cho ăn 3 – 5 ngày sau 7 ngày tiếp tục cho ăn. Đồng thời bổ sung Beta – glucan giải độc gan, thận, đào thải độc tố, tăng sức đề kháng giúp tôm hấp thụ tốt thuốc trong quá trình điều trị bệnh.
Sau 5 – 7 ngày sử dụng kháng sinh bổ sung chế phẩm sinh học vào nước để làm sạch môi trường ao nuôi.
Đối với tôm nhiễm EHP >30% cần xem xét thu tỉa để cải thiện thu nhập cho người nuôi. Trong trường hợp xấu nhất, tôm nhiễm EHP nặng >70% cần tiêu hủy đàn và cải tạo ao thật kỹ để thả vụ nuôi tiếp theo.
Ngọc Anh