Ðảo Hòn Chuối cách cửa biển Sông Ðốc khoảng 17 hải lý về hướng Tây, thuộc thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nên trước đây cư dân trên đảo sống chủ yếu bằng nghề câu cá lạt. Tuy nhiên gần đây do cá lạt hiếm dần khiến nghề câu này cũng không còn tồn tại. Ðể đảm bảo đời sống, cư dân trên đảo đã chuyển sang nuôi cá bớp trong lồng bè.
Từ sáng sớm, các chủ bè quanh đảo Hòn Chuối đã chuẩn bị cho cá bớp ăn cữ sáng. Gặp chúng tôi, anh Hồng Nhật Trường dừng tay tiếp chuyện. Anh kể quê anh ở thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. 22 năm trước anh kết hôn rồi cùng vợ ra đảo khởi nghiệp với hành trang duy nhất là chiếc xuồng gỗ nhỏ. Cũng như bao lớp cư dân khác ở trên đảo, ra tới Hòn Chuối, vợ chồng anh che chòi, lập nghiệp. Lúc đó, đất đảo còn hoang sơ, dân cư ít nên vợ chồng anh lên lưng chừng đảo tận dụng đất trống trồng khoai và các loại rau xanh mang đổi cho người đi ghe biển lấy gạo và nước ngọt. Mỗi khi chiều xuống, anh Trường chạy xuồng quanh đảo để thả câu, giăng lưới, còn vợ anh thì mở hàng buôn bán nhỏ trên đảo. Lúc này, vùng biển quanh đảo Hòn Chuối còn rất nhiều tôm cá, thủy sản nên việc mưu sinh của vợ chồng anh khá thuận lợi. Không lâu sau khi ra đảo, gia đình anh không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà còn có tích lũy.
Theo anh Trường, vài năm sau khi anh ra đảo, ông Huỳnh Phong Vụ ở thị trấn Sông Ðốc và ông Lê Văn Út ở Kiên Giang bắt đầu ra đảo đầu tư đóng bè nuôi cá bớp. Từ những vụ cá thành công ban đầu, ông Vụ và ông Út rút ra kinh nghiệm, rồi hướng dẫn lại cho cư dân trên đảo Hòn Chuối cách nuôi cá bớp lồng. “Ðược sự chỉ dẫn tận tình của các chú, tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng đóng bè nuôi 1.000 con cá giống. Sau 8 tháng chăm sóc, lứa đầu tiên thu hoạch, trừ mọi chi phí tôi lời hơn 70 triệu đồng. Thành công bước đầu tạo điều kiện để tôi mở rộng bè nuôi và duy trì hơn 10 năm qua. Vụ cá này tôi đầu tư trên 300 triệu đồng, đến nay cá đã gần 5 tháng, đang sinh trưởng, phát triển tốt, ước tính khi thu hoạch lời khoảng 150 triệu đồng” – anh Trường nói.
Là người tiên phong ra đảo Hòn Chuối lập nghiệp từ nghề nuôi cá bớp, ông Lê Văn Út hiện đang sở hữu trên 3.000 con cá giống có trọng lượng từ 4kg trở lên. Theo ông Út tính toán, số cá này vài tháng nữa thu hoạch, ông sẽ lời hàng trăm triệu đồng. Ông Út cho biết nghề nuôi cá bớp lồng được xem là khởi nghiệp hoàn hảo cho những hộ dân nơi đảo tiền tiêu này nếu như được hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Khó khăn nhất lớn nhất của cư dân trên đảo hiện nay là vốn đầu tư. Không có vốn, không vay được ngân hàng nên phải vay lãi cao bên ngoài, mặt khác giá cá mồi (cá làm thức ăn) cao nên phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân đang nuôi cá.
Bên cạnh đó, nếu như trước đây cá giống chủ yếu mua từ các tàu đánh bắt trên biển nên rất khỏe, nuôi nhanh lớn. Bây giờ, nguồn cá tự nhiên hiếm, bà con chủ yếu nuôi từ cá giống sinh sản nhân tạo mua từ các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu nên cá lớn chậm hơn, dẫn đến tăng thời gian nuôi, tốn nhiều thức ăn nên lời ít. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm và giá cả không ổn định, số lượng xuất không được nhiều, nhất là không xuất được cá còn sống do khâu vận chuyển từ đảo vào đất liền nên giá thành thấp hơn cá sống ở các địa phương khác. “Như lứa cá hiện nay mỗi ngày tôi phải chi khoảng 3 triệu đồng tiền thức ăn. Nếu đủ thời gian và cá đạt đầu con, có giá hợp lý thì lời. Nhưng với giá cá như hiện nay chỉ từ 110.000-120.000 đồng/kg thì lời rất ít, chưa tính đến rủi ro khác. Bên cạnh đó, do đảo nhỏ nên mỗi năm cư dân Hòn Chuối phải di chuyển quanh đảo để tránh sóng, tránh gió, nên nghề nuôi cá bớp lồng bè càng thêm khó khăn và tốn kém chi phí” – ông Út chia sẻ.
Thiếu tá Trương Văn Kết, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hòn Chuối, cho biết: Những năm gần đây, mô hình nuôi cá bớp trong lồng bè không chỉ góp phần tạo sinh kế cho cư dân trên đảo mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều người dân trong đất liền ra đảo làm ăn vì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại Hòn Chuối có 68 hộ, trên 200 nhân khẩu, trong đó có 37 hộ đang nuôi cá bớp lồng bè với 196 bè, khoảng trên 30.000 con cá giống.
Anh Vy
Báo Cần Thơ