Indonesia đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,05 tỷ USD năm 2021, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2020.
Tổng giám đốc phụ trách năng lực cạnh tranh sản phẩm thủy sản thuộc Bộ Biển và Nghề cá Indonesia Artati Widiarti cho biết, nước này đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6,05 tỷ USD năm 2021, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2020.
Mặc dù đại dịch COVID-19 đưa đến những thách thức nhưng cũng mang lại cho Indonesia cơ hội trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thủy sản trên thị trường toàn cầu.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Trung ương, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong quý I/2021 đạt 1,75 tỷ USD, tăng 4,15% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ đó, thặng dư cán cân thương mại thủy, hải sản đạt 1,59 tỷ USD, tăng 3,26%.
Trong tháng 4/2021, giá trị xuất khẩu các sản phẩm thủy, hải sản đạt 488,61 triệu USD, tăng 11,6% so với tháng 4/2020.
Bà Artati Widiarti cho biết, ngành thủy, hải sản được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Indonesia trong thời kỳ đại dịch. Sự gia tăng giá trị xuất khẩu và thặng dư cán cân thương mại trong lĩnh vực này đã trở thành động lực để đạt được mục tiêu xuất khẩu được đặt ra cho năm nay.
Mỹ là quốc gia thị trường chính của các sản phẩm thủy sản Indonesia, tiếp theo là Trung Quốc và Nhật Bản. Các sản phẩm như tôm vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính, tiếp đến là cá ngừ vằn, cá thu, mực, bạch tuộc, cua và rong biển.
Trưởng Cơ quan nhân lực và nghiên cứu thủy, hải sản Sjarief Widjaja cho rằng các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu để thủy sản của Indonesia không bị từ chối trên thị trường toàn cầu.
Chất lượng là quan trọng nhất nhằm tăng cường niềm tin của thị trường thế giới đối với các sản phẩm thủy sản của Indonesia.
Indonesia là nước xuất khẩu các sản phẩm thủy sản lớn nhất thế giới, với tổng kim ngạch đạt 5,2 tỷ USD vào năm 2020, trong đó 4,84 tỷ USD đến từ tiêu thụ cá. Indonesia có khoảng 2.191 đơn vị chế biến cá để xuất khẩu sang 157 quốc gia.
Nhưng dù giá trị xuất khẩu khá cao, các sản phẩm thủy sản từ các nhà xuất khẩu Indonesia thường bị từ chối do không đáp ứng các yêu cầu do nước nhập khẩu. Theo số liệu của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, tính đến tháng 12/2020 đã có 97 trường hợp bị từ chối nhập khẩu vào Mỹ.
Nguồn: Bnews