Bạc Liêu đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành dự án xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, đạt sản lượng 600.000 tấn thủy sản, 1.175.000 tấn lúa, 55.000 tấn muối.
Tỉnh Bạc Liêu đang tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản.
Bạc Liêu đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành dự án xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (giai đoạn 2) và đạt sản lượng 600.000 tấn thủy sản, 1.175.000 tấn lúa, 55.000 tấn muối.
Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 44% tổng số lao động. Các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Hồng Dân, Đông Hải đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Giá Rai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Phước Long, thành phố Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu…
Để đạt các mục tiêu đề ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết địa phương sẽ rà soát, cập nhật, bổ sung và hoàn thiện chính sách đất đai theo thẩm quyền; điều chỉnh quy hoạch theo hướng bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.
Đồng thời, tỉnh đề xuất hủy bỏ những quy hoạch không khả thi, thu hồi đất đối với những dự án không hiệu quả hoặc chủ đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện.
[Làm gì để thúc đẩy liên kết sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long?]
Bên cạnh đó, Bạc Liêu rà soát, phân loại dự án đầu tư, điều chỉnh phương thức và nguồn vốn đầu tư để thu hút tối đa nguồn lực xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, tỉnh huy động nguồn lực đầu tư từ nguồn vốn ODA, FDI, vốn từ các thành phần kinh tế cho phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; phát triển hệ thống bảo hiểm nông nghiệp để hạn chế rủi ro trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ tiếp cận thông tin khoa học, kỹ thuật, thị trường, nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tỉnh còn đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ… trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tăng cường kết nối đồng bộ giữa nghiên cứu với chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động nhằm đột phá về năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng; nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường và phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Mặt khác, tỉnh tiếp tục tuyển chọn dự án đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch; xem xét thẩm định, quyết định công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly cho hay tỉnh sẽ xây dựng và đưa vào sử dụng một số dự án, công trình trọng tâm thích ứng với biến đổi khí hậu như: kè hai bên bờ sông thành phố Bạc Liêu; kè chống sạt lở cửa sông, ven biển thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải; kè chống sạt lở cửa biển Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu (phía bờ Tây kênh 30/4); xây dựng hệ thống công trình ngăn triều, chống ngập cho thành phố Bạc Liêu và vùng lân cận (cống Nhà Mát, cống Chùa Phật); gây bồi tạo bãi và trồng cây chống xói lở khu vực biển Nhà Mát; gây bồi tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu… cùng dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng sản xuất lúa-tôm Vĩnh Lộc và thị xã Giá Rai.
Đặc biệt, Bạc Liêu cũng dành kinh phí thực hiện các dự án cảng cá, bến cá kết hợp khu neo đậu tránh, trú bão; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai đồng bộ, ưu tiên cải tạo, nâng cấp, tu bổ và xây dựng mới hệ thống đê sông, đê biển, đảm bảo phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường gây ngập lụt, sạt lở đất, xâm nhập mặn do nước biển dâng, nhất là đối với vùng phía Nam Quốc lộ 1A và vùng ven biển.
Trong quá trình thực hiện, tỉnh tranh thủ tối đa các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, vốn ODA, kết hợp thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để phát triển hạ tầng logistic, nhất là triển khai thực hiện các dự án giao thông theo quy hoạch như đường cao tốc Bạc Liêu-Hà Tiên, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu, đường ven biển…
Nhiều tuyến tuyến giao thông kết nối được đầu tư nhằm tạo điều kiện thúc đẩy liên kết vùng được Bạc Liêu phối hợp với các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau để thực hiện.
Hiện, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường như: Ninh Quới-Ngan Dừa, cầu Xẻo Vẹt, đường Hộ Phòng-Gành Hào, đường Đồng Phú Sinh-Cạnh Đền, đường Phước Long-Phong Thạnh Tây B, đường từ cầu Phước Long 2 đi Ba Đình, đường Gành Hào-Giá Rai-Phó Sinh-Cạnh Đền, các tuyến đường ô trung tâm xã, đường giao thông nông thôn…/.