Thứ Sáu, 12/01/2024, 11:00

Độ mặn ảnh hưởng đến vọp nuôi

Vọp (Geloina coaxans) là loài nhuyễn thể có kích cỡ thương phẩm lớn, ngày càng được ưa chuộng do hàm lượng protein cao và chất lượng thịt thơm ngon. Vọp còn được biết tới với tên gọi nghêu rừng đước, nghêu bùn hay vọp sông.

Nghề nuôi vọp đang phát triển với nhiều hình thức nuôi khác nhau. Ảnh: Taucaotoc.vn

Thời gian gần đây, cùng với nhiều nguồn lợi thủy sản khác, sản lượng vọp tự nhiên ngày càng giảm do mất không gian sinh tồn và khai thác quá mức.

Để đáp ứng nhu cầu cao của thị trường, nghề nuôi vọp đã xuất hiện với nhiều hình thức nuôi khác nhau như: nuôi vọp dưới tán rừng ngập mặn, nuôi ven sông, nuôi trong ao đất, nuôi kết hợp với tôm nước lợ… Đồng thời, vọp cũng có khả năng lọc nước rất tốt khi cho nuôi kết hợp, sử dụng vọp để lọc chất thải trong nuôi tôm.

Vọp nướng mỡ hành. Ảnh: Taucaotoc.vn

Do nghề nuôi vọp đang phát triển với nhiều hình thức nuôi khác nhau và phần lớn nguồn con giống được thu gom ngoài tự nhiên chưa đáp ứng nhu cầu con giống cho nghề nuôi.

Một trong những yếu tố môi trường quan trọng cần được làm rõ trong quá trình ương vọp giống là tác động của độ mặn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của vọp và tìm ra độ mặn phù hợp để ương ấu trùng, ương giống và nuôi loài động vật thân mềm hai mảnh vỏ này.

Vọp phân bố ở huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) là vùng có độ mặn thấp dao động từ 0 đến 4,3‰, tuy nhiên thực tế ghi nhận có một số thời điểm và một số địa điểm ở tỉnh Kiên Giang có độ mặn lên đến 10‰ nhưng vẫn tìm thấy vọp phân bố.

Để thuận tiện cho việc phát triển nghề ương nuôi vọp trong thời gian tới thì cần nắm được kỹ thuật ương nuôi vọp giống trong điều kiện nuôi nuôi nhốt. Cụ thể là yếu tố môi trường mà đặc biệt là độ mặn. Do đó, một đánh giá về độ mặn đến sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của vọp giống được tiến hành.

Cụ thể, vọp có chiều dài vỏ 20-25 mm, có khối lượng 2,5-3,5 g, được bố trí trong bể nhựa thể tích 100 L, hình chữ nhật có kích thước 40×60 cm. Hệ thống sục khí kết hợp sục khí nước trồi đảo nước được lắp đặt cho mỗi bể để tạo điều kiện thuận lợi cho vọp lọc thức ăn. Chiều cao cột nước duy trì ở 20 cm, mật độ nuôi 20 cá thể vọp. Các chai nhựa chứa nền đáy bùn cao 11 cm, chiều rộng là 6 cm, chiều cao bùn được chứa trong chai nhựa là 10 cm. Mỗi chai nhựa chứa 1 cá thể vọp. Thời gian theo dõi là 105 ngày. Thức ăn cho vọp là tảo tươi, tảo Chlorella kết hợp tảo Chaetoceros calcitrans (cô đặc, mật độ từ 2,5 đến 3 triệu tb/mL) với tỷ lệ cho ăn 1:1. Mật độ tảo cho ăn 30.000 tb/mL (tính trên thể tích nước nuôi), ngày cho ăn 2 lần và thay 50% lượng nước trong bể sau mỗi 10 ngày, được nuôi với các độ mặn 1‰, 5‰, 10‰ và 15‰. Loại bùn dùng để sử dụng là bùn sét, được lấy từ huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang nơi thu vọp giống.

Sản lượng vọp tự nhiên ngày càng giảm do mất không gian sinh tồn và khai thác quá mức

Sau 105 ngày nuôi, tỷ lệ sống của vọp ở các độ mặn 5, 10 và 15‰ đạt cao nhất (100%), thấp nhất ở độ mặn 1‰ (92,2%). Tăng trưởng của vọp đạt tốt nhất ở độ mặn 5‰ và 10‰, tăng trưởng khối lượng và chiều dài tại 2 độ mặn này tương ứng với SGRW từ 0,34 đến 0,37%/ngày, SGRL từ 0,11 đến 0,14%/ngày, khác biệt có ý nghĩa so với kết quả từ độ mặn 1 và 15‰ (p<0,05).

Hy vọng kết quả đạt được này cung cấp thêm thông tin về ảnh hưởng của độ mặn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của vọp và có giá trị sử dụng cho các hướng tiếp theo về xác định đặc điểm sinh học cũng như trong thực tế nuôi thương phẩm trong tương lai.

Hồng Huyền

Nguồn: Tép Bạc