Đại học Kindai thuộc tỉnh Osaka, miền Tây Nhật Bản, cho biết, đã thành công trong việc “tạo chu kỳ sống hoàn chỉnh” cho loài lươn Nhật, giống cá với hương vị thơm ngon nhưng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Đại học Kindai đã ứng dụng phương pháp mà cơ quan Giáo dục và nghiên cứu thủy sản Nhật Bản từng sử dụng hồi năm 2010. Đây cũng là cơ sở đầu tiên trên thế giới tạo chu kỳ sống hoàn chỉnh cho loài lươn Nhật, từ ấp trứng, nuôi và sản sinh ra con cái.
Cụ thể, Đại học Kindai đã thụ tinh nhân tạo trứng lấy từ lươn cái rồi nuôi ấp đến khi lươn trưởng thành, sau đó lặp lại quy trình để hoàn tất một chu kỳ hoàn chỉnh. Tuy nhiên, Đại học Kindai đang gặp khó trong việc duy trì giống lươn con với số lượng lớn.
Nguyên nhân là do những con lươn con, còn gọi là lươn thủy tinh, cần thời gian để lớn song thói quen ăn uống của chúng thường làm bẩn bể nuôi khiến lươn khó có thể sống lâu. Do đó, việc ứng dụng phương pháp này phục vụ mục đích thương mại vì thế cũng chưa thành hiện thực.
Trước đó, Đại học Kindai đã thành công trong việc tạo chu kỳ sống hoàn chỉnh của cá ngừ vây xanh.
Giáo sư Shukei Masuma thuộc tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản của Đại học Kindai cho biết, sẽ tập trung phát triển công nghệ nuôi lươn thủy tinh và hỗ trợ hoạt động thương mại hóa giống lươn này.
Mặc dù 99,9% lươn có sẵn tại thị trường Nhật Bản đều được nuôi ở trang trại, song ngư dân trước hết phải đánh bắt lươn con ở ngoài biển. Sản lượng đánh bắt lươn giảm mạnh trong thời gian qua đã thôi thúc các nhà sản xuất tập trung phát triển công nghệ cho phép gây giống lươn từ trứng.
TTXVN
Nguồn: baoquocte.vn