Thứ Hai, 6/11/2023, 7:00

Thị trường cá rô phi trên thế giới: Nhu cầu tiêu thụ tăng

Năm 2023, các nhà cung cấp cá rô phi lớn trên thế giới, cụ thể là Trung Quốc, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng ở thị trường nội địa. Cùng với đó, các nhà sản xuất Mỹ Latinh cũng đang tập trung vào thị trường quốc tế; việc đồng tiền tiếp tục mất giá so với đồng đô la Mỹ có thể càng khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trung Quốc là nước xuất khẩu cá rô phi lớn nhất, duy trì nguồn cung ổn định cho thị trường quốc tế

Sản xuất

Cá rô phi tiếp tục là loài cá nuôi nổi bật trong hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản; được dự đoán sẽ gia tăng sản lượng lớn trong năm 2023. Doanh thu trên thị trường cá rô phi toàn cầu trong năm 2023 được ước tính tăng từ 3% đến 5%. Các nhà cung cấp Mỹ Latinh đang thúc đẩy tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cá rô phi ngày càng tăng trên thị trường thủy sản thế giới.

Mặc dù sự gián đoạn của dịch bệnh trong quý đầu tiên của năm 2023 đã ảnh hưởng đến một số thị trường ở Mỹ Latinh, nhưng tác động tính đến nay là không đáng kể do các biện pháp tích cực được thực hiện để bảo vệ sản xuất. Sản lượng cá rô phi Brazil dự kiến sẽ tăng từ 5% đến 7% trong năm 2023 nhờ nhu cầu trong nước mạnh mẽ và chi phí thức ăn thấp. Năm 2022, sản lượng cá rô phi Mexico đã đạt 101.749 tấn, đứng thứ ba về sản lượng ở Mỹ Latinh và dự kiến ​​sẽ tăng 3% trong năm 2023. Tại Columbia, tốc độ tăng trưởng sản lượng cá rô phi dự kiến đạt 10%.

Năm 2023, sản lượng cá rô phi ở châu Á có thể tăng trưởng ổn định. Sản lượng cá rô phi ở Trung Quốc vẫn duy trì ở mức lớn nhưng có thể giảm nhẹ. Thị trường ảm đạm vào năm 2022 đã làm tổn hại đến niềm tin của nhiều nhà sản xuất cá rô phi Trung Quốc, thậm chí một số nhà sản xuất đã chuyển sang nuôi các đối tượng thủy sản khác, những loài đem lại lợi nhuận cao hơn như tôm và cá trạng nguyên (mandarin fish). Tại Đông Nam Á, Indonesia đang phát triển chuỗi cung ứng cá rô phi để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên thị trường thế giới. Trong quý đầu tiên của năm 2023, nguồn cung cá rô phi của Indonesia cho thị trường thủy sản thế giới đã tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường và Thương mại

Trung Quốc, nước xuất khẩu cá rô phi lớn nhất, duy trì nguồn cung ổn định cho thị trường quốc tế. Xuất khẩu cá rô phi nguyên con đông lạnh của Trung Quốc trong quý 1/2023 chỉ tăng nhẹ 0,1% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Các khách hàng chính nhập khẩu cá rô phi nguyên con đông lạnh của Trung Quốc đã chuyển từ Mỹ sang các nước châu Phi. Tuy nhiên, mặt hàng cá rô phi nguyên con đông lạnh xuất khẩu từ Trung Quốc sang các nước châu Phi (trừ Nam Phi) có giá giảm mạnh trong quý 1 năm 2023. Giá trị xuất khẩu cá rô phi nguyên con đông lạnh sang Côte d’Ivoire giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tăng 65% về khối lượng. Trong quý 1 năm 2023, Côte d’Ivoire đã tiêu thụ khoảng 48% khối lượng xuất khẩu cá rô phi nguyên con đông lạnh từ Trung Quốc.

Quý 1 năm 2023, các nước Đông Nam Á khác vẫn là đối thủ cạnh tranh mạnh của Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Xuất khẩu cá rô phi của Indonesia sang Hoa Kỳ và Canada tăng 20% so với cùng kỳ năm trước và Ấn Độ cũng tăng 16%, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng cao.

Xuất khẩu cá rô phi của Trung Quốc vẫn chưa phục hồi trở lại mức trước đại dịch Covid-19, một phần do thị trường nội địa Trung Quốc nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Tác động của đại dịch COVID-19 đã giúp hình thành sở thích ăn uống mới, trong đó các loại thực phẩm chế biến sẵn ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Năm 2023, hoạt động nhập khẩu cá rô phi của Mỹ tương đối trì trệ. Tổng nhập khẩu cá rô phi của Mỹ từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2023 là 44.262 tấn, trị giá 170,5 triệu USD, giảm 14,8% về lượng và 15,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp chính cho thị trường Mỹ, với 30.131 tấn trị giá 87,3 triệu USD, tiếp theo là Colombia với 4.279 tấn, trị giá 29,2 triệu USD.

Tại Mỹ Latinh, triển vọng thị trường cá rô phi được nhận định là khá tích cực vào năm 2023. Colombia, Honduras và Costa Rica cung cấp 88% lượng philê cá rô phi ướp lạnh nhập khẩu vào Mỹ trong quý đầu tiên của năm. Columbia dự kiến xuất khẩu sẽ tăng 27% trong cả năm 2023, trong khi Honduras đang đàm phán với Trung Quốc để tăng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tỷ lệ hao hụt cao trong sản xuất cá rô phi của Colombia đã tạo thêm áp lực lên giá, nhưng điều này đã được giảm bớt ở một mức độ nào đó do nguồn cung từ Brazil và Costa Rica tăng.

Xuất khẩu của Brazil giảm trong năm 2022 nhưng dự kiến sẽ tăng trong năm 2023. Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của cá rô phi Brazil trong quý đầu tiên của năm 2023, chiếm 78% thị phần về khối lượng và 89% về giá trị. Nhật Bản được xếp hạng là nước nhập khẩu cá rô phi lớn thứ ba của Brazil và có mức giá cao hơn, với giá trung bình tăng 99% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu trong nước ngày càng tăng và việc mở rộng sản xuất chậm lại khiến các nhà sản xuất Brazil tập trung hơn vào doanh số bán hàng nội địa. Tuy nhiên, sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với đồng Real Brazil vẫn khiến xuất khẩu trở nên hấp dẫn đối với các nhà sản xuất Brazil.

Giá cả

Giá trên thị trường nội địa Trung Quốc đã quay trở lại mức trước đại dịch COVID-19. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2023, cá rô phi tươi sống nuôi tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) có cỡ 300-500g được bán với giá 6,35 CNY/kg (0,93 USD), tăng 2% so với quý 4 năm 2022; tuy nhiên mức giá này lại thể hiện sự sụt giảm 20% so với mức giá của cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong quý 1 năm 2023 đối với phi lê đông lạnh và phi lê tươi giảm 9% so với quý 4 năm 2022, nhưng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 1 năm 2023, tại các thị trường Mỹ Latinh, giá trung bình philê cá rô phi nguyên con ở Brazil là 6,45 USD/kg, trong khi giá cá rô phi nguyên con đông lạnh là 2,08 USD/kg.

Dự báo

Sản lượng cá rô phi sẽ tăng vào năm 2023 nhờ giá thức ăn và chi phí hậu cần giảm. Các nước châu Á dự kiến sẽ duy trì mức xuất khẩu ổn định, trong đó Trung Quốc vẫn thống trị thị trường thương mại. Các nhà sản xuất ở Mỹ Latinh, châu Phi và Nam Á sẽ tiếp tục tăng sản lượng cá rô phi. Với việc các nhà sản xuất lớn quyết định mở rộng thị trường nội địa, trong thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội lớn ở phân khúc thị trường này.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn