Thứ Hai, 24/07/2023, 8:00

Thị trường xuất khẩu tôm đang có dấu hiệu ấm dần lên

Chế biến tôm tại một nhà máy ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thị trường xuất khẩu tôm đang có dấu hiệu ấm dần lên là thông tin được công bố tại Diễn đàn trực tuyến “Kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 21-7. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì diễn đàn tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh.

Thị trường xuất khẩu tôm đang có dấu hiệu ấm dần lên
Chế biến tôm tại một nhà máy ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua; xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trường lớn: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.

Trung bình hằng năm ngành tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5-4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong năm 2022 cũng lập kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021. Đặc biệt, ngành tôm giải quyết hơn 3 triệu lao động.

Tổng diện tích nuôi tôm giai đoạn 2018-2022, trung bình mỗi năm của Việt Nam thả nuôi khoảng 714.000 ha. Tổng sản lượng tôm trung bình hằng năm từ 745.000 đến 930.000 tấn, trong đó sản lượng tôm sú 265.000 – 297.900 tấn/năm, tôm thẻ chân trắng từ 464.900 – 633.000 tấn/năm…

Bên cạnh những thành tích đạt được, ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập: Chưa chủ động nguồn giống, chủ yếu phụ thuộc nguồn tự nhiên và nhập khẩu. Liên kết trong chuỗi tôm còn lỏng lẻo. Giá thành sản xuất cao, năng lực cạnh tranh thấp.

Nuôi tôm tại tỉnh Bạc Liêu
Nuôi tôm tại tỉnh Bạc Liêu

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường: Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành tôm gặp khó khăn, nguyên nhân xuất phát từ việc nhu cầu từ các thị trường vốn nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… bị sụt giảm mạnh do ảnh hưởng kinh tế, lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, gần đây, thị trường tôm đang có dấu hiệu ấm dần lên.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay: Sản lượng tôm 6 tháng đầu năm 2023 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, xuất khẩu giảm tới gần 30%. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng mong muốn các tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tăng cường hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong đó có sản phẩm tôm của Việt Nam vào thị trường các nước trong thời gian tới.

Nguyễn Kiểm
Nguồn: tepbac.com