Theo Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Bền vững (ICAFIS), nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi nhuyễn thể nói riêng đã và đang có những chuyển biến tích cực từ tự cung tự cấp, sản xuất nhỏ lẻ, sang sản xuất hàng hóa tập trung – hướng đến xuất khẩu.
Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Năm 2022, xuất khẩu nhuyễn thể của Việt Nam đã mang về gần 150 triệu USD (trong đó chủ yếu là nhuyễn thể hai mảnh vỏ). Việt Nam hiện xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ tới 56 thị trường trên thế giới. Ba thị trường lớn nhất là EU, Mỹ và Nhật Bản chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam (EU 66%, Mỹ 13%, Nhật Bản 11%).
Những thuận lợi trong NTTS
Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ Việt Nam; có bờ biển dài khoảng 385 km; có nhiều cửa sông, đầm, vịnh, khoảng 200 đảo lớn nhỏ; có diện tích vùng biển, thềm lục địa, các đảo và quần đảo là 5.271 km2. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa còn có 6 đầm, vịnh lớn (Vân Phong, Nha Phu, Nha Trang, Cam Ranh, Hòn Khói, Đại Lãnh).
Khánh Hòa có hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái vùng cát ven biển đa dạng. Đặc biệt, khu vực Hòn Mun thuộc vịnh Nha Trang có tính đa dạng sinh học cao.
Khí hậu nơi đây tương đối ổn định, mang tính chất khí hậu hải dương. Mỗi năm có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa ngắn, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 12, mưa nhiều vào tháng 10 và 11. Mỗi năm có khoảng 2.600 giờ nắng. Nhiệt độ trung bình khoảng 26,7°C; đặc biệt hiếm gặp gió bão.
Thực trạng nghề nuôi
Từ những năm 2010, hàu Thái Bình Dương bắt đầu được người dân nuôi ở Đầm Nha Phu và Đầm Thủy Triều (Cam Lâm, Khánh Hòa), chủ yếu để phục vụ nhu cầu khách du lịch. Kể từ năm 2018, hàu được sử dụng làm thức ăn cho tôm hùm và được nuôi nhiều ở Vạn Ninh, Khánh Hòa. Trong 2-3 năm lại đây, nghề nuôi hàu làm thức ăn cho tôm hùm phát triển nhanh. Do mô hình này mang lại hiệu quả cao nên được mở rộng ra cả Đầm Nha Phu và Vịnh Cam Ranh. Tuy nhiên, các hoạt động nuôi hàu được tiến hành bột phát.
Hiện người nuôi đang áp dụng một số mô hình nuôi sau: Nuôi bè treo dây hàu; Nuôi đóng cọc chăng dây; Phao xốp… Trong đó, mô hình bè nuôi hàu là phổ biến nhất tại Khánh Hòa. Do nuôi hàu làm thức ăn nuôi tôm hùm có thể đem lại thu nhập cao, dễ tiêu thụ, nên số hộ nuôi tăng vọt. Song phần lớn các hộ nuôi hàu không nằm trong vùng quy hoạch, diện tích biến động mạnh, không có số thống kê chính thức. Các hộ tranh thủ nuôi với hy vọng thu hồi vốn và sinh lời nhanh trước khi nhà nước cấm hoặc thu hồi mặt nước.
Nhìn chung, các mô hình nuôi hàu tự phát, chưa đăng ký với chính quyền địa phương. Do mô hình nuôi đầu tư thấp, ít rủi ro nên rất phù hợp với các hộ nuôi nhỏ lẻ, vốn ít, tạo sinh kế và việc làm cho những hộ có thu nhập trung bình/thấp ở địa phương. Hiện nay, các hộ nuôi không đăng ký, không phải đóng thuế, chưa có chế tài nên hoạt động nuôi hàu tự phát này gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế khác và mỹ quan, môi trường. Bên cạnh đó, môi trường nuôi hàu đang trở nên xấu đi, tỷ lệ tăng trưởng hàu cũng chậm lại.
Đôi nét về chuỗi giá trị hàu Khánh Hòa
Hàu nuôi tại Khánh Hoà chủ yếu do các hộ dân nuôi (khoảng 98%) và một vài trại nuôi thuộc sở hữu của công ty (khoảng 2%) như Công ty Ngọc Phương, Công ty Ngọc Thuỷ, Công ty hàu Thái Bình Dương Nha Trang. Giống hàu được nuôi là hàu Thái Bình Dương, chủ yếu từ 02 nguồn: Trại giống ở Khánh Hòa (chiếm 30%); Trại giống ngoại tỉnh (70%).
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 64 cơ sở sản xuất giống hàu. Qua khảo sát, các cơ sở này sản xuất hàu Thái Bình Dương và các loài nhuyễn thể khác như nghêu, sò, ốc hương… Hàu giống được sản xuất ra cung ứng chủ yếu cho các tỉnh Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận); trong đó Khánh Hòa chiếm thị phần lớn nhất (khoảng 40% tổng sản lượng hàu giống của các trại sản xuất giống hàu Khánh Hòa).
Về giống hàu ngoại tỉnh: Phần lớn được sản xuất tại trại giống Nam Định và Ninh Bình với khoảng 400 cơ sở; chủ yếu sản xuất hàu Thái Bình Dương (80%) và hàu cửa sông (20%); trong đó 100 cơ sở ở Nam Định (Nam Điền, Nghĩa Hưng); 300 cơ sở ở Ninh Bình (Kim Sơn). Điểm đặc biệt là, giá hàu giống sản xuất tại Khánh Hòa cao gấp 2-3 lần hàu giống ở miền Bắc (Nam Định và Ninh Bình).
Theo chia sẻ của các hộ nuôi hàu i) Nuôi hàu thương phẩm lấy giống từ Khánh Hoà cho sản lượng cao và ổn định hơn; ii) Nuôi hàu làm thức ăn cho tôm hùm lấy giống từ Nam Định, Ninh Bình cho hiệu quả kinh tế cao hơn (do giá giống rẻ và thời gian nuôi ngắn bằng nửa so với nuôi hàu làm thực phẩm cho con người).
Đối với hàu bố mẹ: Qua khảo sát của ICAFIS, các trại giống tại Nam Định, Ninh Bình, Khánh Hoà chủ yếu lựa chọn hàu Thái Bình Dương bố mẹ từ tự nhiên. Cụ thể: Nam Định, Ninh Bình lựa chọn hàu bố mẹ tại Vân Đồn, Quảng Bình; Khánh Hoà lựa chọn hàu bố mẹ tại Khánh Hoà. Duy chỉ có Công ty hàu Thái Bình Dương Nha Trang là nhập hàu Thái Bình Dương bố mẹ từ Nhật Bản, và định kỳ 2 năm/lần đổi giống bố mẹ.
Về trại nuôi hàu tại Khánh Hoà, tập trung chủ yếu tại 03 khu vực: Vạn Ninh, Ninh Hoà, Cam Ranh. Theo đánh giá sơ bộ, diện tích nuôi hàu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ước khoảng 1.000 ha; trong đó Vạn Ninh 500 ha; Ninh Hoà 100 ha; Cam Ranh 100 ha; Cam Lâm 50 ha… Chủ yếu hàu nuôi để phục vụ cho nghề nuôi tôm hùm (chiếm 95%) với thời gian nuôi ngắn, từ 2,5 – 3 tháng. Hàu thương phẩm dùng làm thực phẩm cho con người chiếm 5% với thời gian nuôi dài trong 5-6 tháng (thậm chí có thể lên tới 7 tháng).
Hàu nuôi được phân phối qua 03 kênh: Trên 80% hàu thu hoạch được bán trực tiếp cho các trại nuôi tôm hùm trên địa bàn; Gần 20% hàu thương phẩm được thu mua bởi các thương lái/nậu vựa; Chỉ khoảng 1-2% lượng hàu nuôi được doanh nghiệp chế biến trên địa bàn thu mua dưới dạng hàu thương phẩm. Trong chuỗi giá trị hàu thì thương lái/nậu vựa đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu mua và phân phối hàu thương phẩm của địa phương: Khoảng 80% được phân phối vào chợ đầu mối Bình Điền – TP HCM và sau đó tiếp tục được phân phối đi các chợ địa phương, nhà hàng; Khoảng 18% được phân phối vào các nhà hàng, siêu thị; Nhà máy chế biến chỉ chiếm 1-2% và tập trung vào hàng size lớn, đẹp và nhiều thịt.
Đánh giá các điểm mạnh/yếu
Theo Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Bền vững (ICAFIS), nghề nuôi hàu đã phát triển tại Việt Nam từ năm 2006 và tại Khánh Hoà từ năm 2010. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hàu chiếm một lượng rất nhỏ, tại miền Bắc chỉ có Tập đoàn BIM Group, tại Trung Nam Bộ chỉ có Công ty VINABS, tại miền Nam hiện chưa có công ty nào. Trước đây có một số doanh nghiệp như Việt Trường, Lenger Seafood có hoạt động chế biến xuất khẩu hàu nhưng do đơn hàng không ổn định và khó khăn trong kiểm soát nguyên liệu đầu vào nên tạm ngừng hoạt động.
Về điểm mạnh trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàu của Việt Nam: Tiềm năng nuôi hàu của Việt Nam là rất lớn (do có diện tích mặt nước nuôi lớn); Chính phủ hiện rất quan tâm phát triển nghề nuôi biển; Có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm; Người nuôi năng động, tích cực. Tuy nhiên, do môi trường nuôi hở nên khó khăn trong quản lý nguồn nước phát triển nuôi hàu sạch hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, chưa có quy hoạch rõ trong việc sử dụng diện tích mặt nước biển giữa các ngành Thuỷ sản – Du lịch – Giao thông – Khoáng sản. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến sau thu hoạch chưa cao; chưa thực sự có công nghệ nuôi tiên tiến đảm bảo chất lượng thịt và giúp hàu chống chịu được với thời tiết, khí hậu…
Về cơ hội, sản phẩm hàu của Việt Nam được ưa chuộng ở nhiều thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Châu Âu, Châu Mỹ. Hàu có thể chế biến thành nhiều loại sản phẩm như dùng làm thực phẩm, thực phẩm chức năng, nước uống… Ngay tại thị trường nội địa, sản phẩm hàu ngày càng được ưu chuộng và được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng trong các bữa ăn tại nhà hàng, gia đình…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì nghề nuôi hàu tại Việt Nam cũng gặp phải một số thách thức: Do hàu được nuôi trong môi trường nước hở nên khó khăn trong kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm hướng đến xuất khẩu (đặc biệt là dòng sản phẩm ăn sống). Mặt khác, Việt Nam chưa có hoặc còn yếu trong công nghệ chế biến sâu, chiết xuất tinh chất hàu; Chưa có được nguồn bố mẹ và nguồn giống tốt cho phát triển nuôi thương phẩm hướng đến xuất khẩu.
Tiềm năng phát triển – Triển vọng thị trường
Hàu có tiềm năng để chế biến thành các mặt hàng giá trị gia tăng, như: thịt hàu (hàu bóc vỏ – đóng gói), hấp chín – đóng gói, hấp nước tương – đóng gói để ăn liền… Ngoài ra, hàu có thể dùng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm chức năng, giúp tăng cường sinh lực; đây là thị trường rất tiềm năng, nhu cầu tiêu thụ cao (nhất là ở Châu Á).
Tại Việt Nam hiện có Tập đoàn BIM Group (tại miền Bắc) và Công ty VINABS (tại Trung Nam Bộ) đang tích cực triển khai các hoạt động chế biến xuất khẩu hàu. Trong đó, Tập đoàn BIM Group hiện có 1.000 ha nuôi hàu Thái Bình Dương, xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và một số nước khác. Công ty VINABS vận hành hệ thống theo tiêu chuẩn GMP/HACCP về nuôi trồng và chế biến hải sản sạch (tại Vạn Ninh, Khánh Hòa).
VINABS là nhà cung cấp hàng đầu sản phẩm Hàu sạch – tươi sống, được nuôi theo công nghệ sinh học tự nhiên trên vùng biển sạch Ninh Hòa – Vạn Ninh – Khánh Hòa, cung cấp cho các khách hàng cao cấp như: Lotte, Coop Mart, Shushi Bar, Nhà hàng Pháp… Tiêu chí và cam kết củaVINABS là: cung cấp hải sản tươi, sạch, chất lượng cao và an toàn cho khách hàng trong và ngoài nước. Sản lượng mỗi tháng khoảng 30 tấn, giá bán 100.000-130.000 đồng/kg.
Nhận định của ICAFIS
Khánh Hòa có tiềm năng diện tích nuôi hàu lớn với môi trường nước biển sạch. Hiện nghề nuôi hàu để làm thức ăn cho tôm hùm đang phát triển nhanh, đem lại lợi nhuận, sinh kế, việc làm cho người dân.
Trong hai năm lại đây, diện tích nuôi hàu tăng nhanh, phá vỡ và vượt xa quy hoạch, thiếu chế tài quản lý vùng nuôi, gây tác động xấu cho môi trường và mâu thuẫn với những hoạt động kinh tế khác. Cùng với đó, công nghệ nuôi thô sơ cũng là yếu tố gây tác động đến cảnh quan, môi trường, rất cần được quan tâm cải thiện. Mặt khác, tỉnh Khánh Hòa cần chú trọng cải thiện hàu giống, quản lý chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiềm năng thị trường; đồng thời phát triển mạnh hệ thống phân phối sản phẩm để ngành nuôi hàu mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho địa phương.
Ngọc Thúy – FICen