Đối với các loài giáp xác như tôm, cua thì sự lột xác của tôm được lặp đi lặp lại trong suốt quá trình sống của chúng. Sự lột xác có ý nghĩa rất quan trọng, giúp tôm sinh trưởng tăng trọng lượng và kích thước cơ thể, là một giai đoạn quan trọng không thể thiếu trong sự phát triển và sinh sản của tôm.
Các yếu tố quyết định quá trình lột xác của tôm
Có 3 yếu tố chính gồm: dinh dưỡng, môi trường ao nuôi và một số bệnh dịch. Trong đó, dinh dưỡng là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quá trình lột của tôm. Nếu tôm bị thiếu chất dinh dưỡng sẽ không đủ chất làm đẩy vỏ nên vỏ sẽ không thể đứt ra để lột xác. Để lột thành công, thức ăn phải cung cấp đủ hàm lượng đạm trong khoảng 30 – 40%, bên cạnh đó nên cung cấp thêm các khóng chất cần thiết như canxi, vitamin, men tiêu hóa,… để tôm tái tạo lớp vỏ mới nhanh hơn.
Về môi trường ao nuôi, người nuôi cần chủ động điều tiết các thông số môi trường nước như độ pH, độ kiềm, oxy hòa tan, nhiệt độ nước,….Ngoài ra trước khi tôm được thả nuôi bà con cần chú ý đến việc cải tạo ao, xử lý môi trường nước, gây màu nước cho tốt, nuôi đúng thời vụ.
Cuối cùng, là ảnh hưởng của một số bệnh lý trong quá trình nuôi, tôm có thể bị mắc một số bệnh như nấm, đóng rong,… sẽ làm cho quá trình lột xác bị chậm hoặc thậm chí không thể lột vỏ.
Một số cách giúp đẩy nhanh quá trình lột xác
Tuy sự lột xác xảy ra tự nhiên và do nội tiết tố nhưng người nuôi vẫn có thể tham gia đẩy nhanh quá trình này bằng việc thực hiện một số phương pháp sau:
– Đảm bảo tôm không bị căng thẳng: Một số yếu tố có thể gây căng thẳng cho tôm bao gồm những thay đổi nhanh, đột ngột về các thông số chất lượng nước và chất lượng thức ăn kém. Nếu tôm bị căng thẳng, sự tăng trưởng sẽ bị cản trở và nguy cơ mắc bệnh theo đó cũng gia tăng.
Để tôm lột thành công, người nuôi phải thường xuyên kiểm tra các thông số chất lượng nước, đảm bảo luôn ở điều kiện tối ưu; thức ăn cung cấp cho tôm có chất lượng cao, đầy đủ dinh dưỡng. Ngưỡng pH thích hợp từ 7,5 – 8, độ kiềm 120 mg CaCO3/L, hàm lượng ôxy hòa tan ở mức 4 – 6 mg/L.
Cần lưu ý, khi tôm lột xác thường tìm nơi để trú ẩn nhằm chờ lớp vỏ cứng lại, lúc này nếu đáy ao bẩn, có nhiều khí độc (NH3, H2S) thì tôm sẽ không có chỗ trú. Người nuôi cần sử dụng men vi sinh xử lý đáy ao giúp phân hủy các mùn bã đáy ao, thu khí độc tạo thuận lợi cho tôm.
– Thường xuyên kiểm tra tình trạng tôm: Sử dụng các kỹ thuật lấy mẫu ao, tiến hành kiểm tra định kỳ để theo dõi tiến trình của quá trình lột xác, đánh giá được tình trạng tôm đang khỏe mạnh và khả năng bắt mồi của tổng đàn tôm. Ngoài ra, cần kiểm tra xem trạng thái vỏ của tôm đã bắt đầu cứng lại hay đã bị bung ra. Bằng cách này, người nuôi có thể đánh giá quá trình lột xác của tôm và tốc độ tăng trưởng diễn ra có được suôn sẻ, bình thường hay không.
– Bổ sung dinh dưỡng: Cung cấp thêm dinh dưỡng cho tôm trong giai đoạn lột xác như các khoáng chất thiết yếu, đạm, và các chất dinh dưỡng khác có tác dụng đẩy nhanh quá trình lột xác thêm vào đó các chất như canxi, photpho,… sẽ giúp cho sự phát triển lớp vỏ mới của tôm được tốt hơn. Dinh dưỡng bổ sung có thể ở dạng dinh dưỡng thức ăn hoặc trực tiếp vào nước nuôi.
Sau khi kích thích tôm lột xác, nên tăng thêm 10 – 15% lượng thức ăn cho khẩu phần trong ngày và bổ sung thêm khoáng, vi lượng Canxi, Phosphor, Vitamin C từ 1 – 3% lượng thức ăn, để đáp ứng đủ cho nhu cầu của tôm sau khi chúng hoàn tất chu kỳ lột xác.
– Điều chỉnh lượng thức ăn: cách làm này có thể giúp tôm khỏe mạnh và phát triển tối ưu hơn. Người nuôi có thể biết được các giai đoạn lột xác của tôm nhằm điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp thông qua việc lấy mẫu kiểm tra định kỳ. Chẳng hạn, trong giai đoạn tiền lột xác, tôm có xu hướng ăn ít hơn; tuy nhiên vào giai đoạn giữa các lần lột xác, hoạt động ăn của tôm đạt đỉnh điểm, song người nuôi phải cung cấp một lượng lớn thức ăn hơn bình thường.
– Biện pháp sinh học: Nguồn nước cấp cho ao phải được lắng lọc cẩn thận và khử trùng triệt để, đồng thời kết hợp quạt nước, sục khí sau khi thay nước. Khi thay nước, nhiệt độ và thành phần chất lượng nước trong ao và môi trường sống của tôm có thay đổi sẽ giúp cho tôm lột vỏ. Tùy tình trạng sức khỏe tôm, chất lượng nguồn nước và màu nước ao,…lượng nước thay vào là 2/3 – 1/2 tổng thể tích nước trong ao.
Sử dụng các hợp chất dinh dưỡng và chế phẩm sinh học bón vào ao nuôi, tùy theo từng thành phần cấu trúc của hợp chất khi bón vào ao sẽ kích thích tôm lột vỏ.