Với lợi thế về chăn nuôi thủy sản, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Gia Viễn đang tập trung phát triển sản xuất theo quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Nhiều hộ nuôi đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, chuyển đổi sang mô hình nuôi cá thâm canh, bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP. Là một trong những người tiên phong áp dụng nuôi cá theo hướng VietGAP, mỗi năm, ông Bùi Đức Thịnh, thôn Hoàng Quyển, xã Gia Hòa xuất bán trên trên 70 tấn cá, đạt doanh thu 3,5 tỷ đồng/năm, trừ hết chi phí đầu tư còn thu lãi trên 700 – 800 triệu đồng/năm.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê chiêm trũng, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, ông Bùi Đức Thịnh luôn ấp ủ ước mơ tìm ra mô hình phát triển kinh tế phù hợp để có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Năm 2014, nhận thấy trên địa bàn xã Gia Hòa có một số diện tích đất 313 sâu trũng, ông đã làm đơn xin đấu thầu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Sau khi trúng thầu 2,6 ha, ông Thịnh thuê máy móc đào ao thả cá. Những năm đầu mới xây dựng mô hình, do chưa nắm chắc kỹ thuật nuôi, tỷ lệ hao hụt đầu con lớn, hệ số thức ăn trên mọi kg cá cao, vấn đề tiêu thụ gặp khó khăn nên hiệu quả kinh tế thấp. Không nản chí, ông tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật nuôi mới thông qua sách, báo và đi thăm quan thực tế một số mô hình nuôi cá nước ngọt hiệu quả.
Ông Thịnh cho biết: “Sau khi tìm hiểu tôi thấy rằng các mô hình nuôi cá theo quy trình VietGAP không chỉ cho hiệu quả rất cao mà còn khắc phục được những hạn chế của phương pháp nuôi truyền thống trước kia như: không lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong các ao nuôi, giảm lượng thức ăn thừa tồn đọng gây ô nhiễm môi trường. Từ đó tôi quyết định chuyển hẳn sang hình thức nuôi cá theo hướng VietGAP”.
Cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật của cán bộ khuyến nông và vốn vay ngân hàng, ông Thịnh quy hoạch lại diện tích ao nuôi và sắm sửa thêm các thiết bị hiện đại để phục vụ nuôi cá. Theo đó, với diện tích 2,6 ha ao, ông Thịnh thiết kế thành 4 mẫu ao nuôi, xung quanh trồng cây ăn quả, tạo bóng mắt cho cá. Trên ao nuôi có lắp đặt hệ thống sục khí, máy quạt nước và máy cho cá ăn.
Theo ông Thịnh, để sản xuất an toàn, ông chỉ mua thức ăn tại những địa chỉ tin cậy, được chứng nhận đủ tiêu chuẩn theo quy định. Lựa con giống khỏe mạnh, bơi lội linh hoạt, không dị tật, không mang mầm bệnh. Cho ăn đúng giờ, đúng định lượng thức ăn, không để dư thừa gây ô nhiễm môi trường nước. Định kỳ hàng tháng ông đều lấy mẫu nước ao đưa đi phân tích, để có biện pháp điều chỉnh xử lý cho phù hợp.
Ngoài ra ông còn dùng các chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nuôi, làm sạch nguồn nước và chuyển hóa các chất thải, thức ăn thừa thành phù du có lợi cho con cá. Bên cạnh đó, ông Thịnh còn thường xuyên bổ sung các loại vitamin trộn lẫn với thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá. Việc cho ăn đầy đủ, môi trường nước đảm bảo và sử dụng hệ thống tạo ôxy giúp cá trong ao khỏe mạnh, tốc độ lớn nhanh, ít bệnh hơn.
“Vẫn là các con nuôi truyền thống như trắm đen, trắm cỏ, chép nhưng giờ đây hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trước đây. Mỗi năm tôi chỉ thả 1 lứa cá, đầu năm thả giống và cuối năm thu hoạch, con to có thể đạt trọng lượng từ 14-15 kg tùy loại. Mỗi năm tôi thu hơn 70 tấn cá với giá bình quân 50 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt hơn 3,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí có lãi từ 700-800 triệu đồng/năm”. Ông Thịnh phấn khởi cho biết.
Không chỉ mạnh dạn áp dụng kỹ thuật nuôi cá theo hướng VietGAP, ông Thịnh còn là người đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông minh trong chăn nuôi. Hiện toàn bộ các khâu cho ăn, bật quạt nước tạo oxy cho cá đều được thao tác tự động trên ứng dụng của điện thoại thông minh. Điều đó giúp ông giảm bớt công lao động, giảm chi phí sản xuất. Vì vậy, với diện tích ao nuôi rộng, khối lượng công việc lớn nhưng đình ông không cần thuê thêm lao động.
Việc áp dụng mô hình nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGap và ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất của gia đình ông Bùi Đức Thịnh đã mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện môi trường cũng như làm cho người nuôi thay đổi tư duy về nuôi trồng thủy sản bền vững, giúp nông dân làm chủ được quy trình nuôi, từ đó nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập.
Đây là mô hình rất phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh nên rất cần được nhân rộng để nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp người nông dân làm giàu chính đáng.
Hồng Giang
Nguồn: Báo Ninh Bình điện tử