Thứ Bảy, 10/02/2024, 7:52

Ngành tôm Việt Nam: Lấy lại đà tăng trưởng

(Aquaculture.vn) – Trải qua một năm “thắt lưng buộc bụng”, về đích trong sự nỗ lực và cố gắng, ngành tôm Việt Nam năm 2023 đã trụ vững với tổng sản lượng đạt 1,12 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2022, nêu cao bản lĩnh lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2024.

Tăng trưởng trong nghịch cảnh

Chưa bao giờ ngành tôm thế giới và Việt Nam trải qua thời kỳ khó khăn như năm vừa qua. Ấn tượng được nhắc tới nhiều nhất ở vụ tôm nước lợ năm 2023 có lẽ là 2 từ “quá khó”. Khó từ ngay ở khâu nuôi cho đến khâu chế biến xuất khẩu. Cộng hưởng của những cái khó trên đã làm giảm mạnh giá trị và hiệu quả ngành tôm Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản, năm 2023, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam cơ bản không tăng so với năm trước đạt 737.000 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 115.000 ha, diện tích nuôi tôm sú đạt 622.000 ha. Năng suất nuôi tôm được đánh giá là đạt khá cao so với mọi năm, sản lượng có sự bứt phá với 1,12 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 845.000 tấn và tôm sú đạt 274.000 tấn.

Mặc dù sản lượng tăng là vậy, nhưng ngành tôm gặp không ít khó khăn do độ mặn, thời tiết, dịch bệnh và nhất là giá vật tư đầu vào luôn ở mức cao gây khó cho người nuôi tôm. Nổi cộm trong năm 2023, có lẽ phải nhắc đến giá tôm giảm kỷ lục và kéo dài gần như suốt 10 tháng qua. Điều này khiến cho người nuôi tôm chật vật để tìm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ dù sản xuất khá thành công. Người nuôi không dám mạnh dạn sản xuất với quy mô lớn mà nuôi ít hơn so với mọi năm để dồn lực chăm sóc cho tôm nuôi đạt hiệu quả, nhằm tìm chút lợi nhuận cuối năm sau nhiều vụ trước đó.

Bởi thế, khi nhận xét về vụ tôm nước lợ năm 2023, ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) không ngần ngại nói rằng, thành công của vụ tôm năm 2023 chủ yếu tập trung vào những trang trại lớn và những hộ nuôi có đủ điều kiện, còn lại rất nhiều người nuôi không có lời, thậm chí là thua lỗ.

Cũng trong năm 2023, sự xuất hiện bệnh Mờ đục trên ấu trùng tôm (TPD), xảy ra trên tôm giống, có tỷ lệ chết cao. Bệnh này dấy lên lo ngại sẽ bùng phát trong năm 2024.

Tiếp tục đối mặt với khó khăn mới, đầy phức tạp

Theo ông Võ Văn Phục, ngành tôm Việt Nam năm 2023 đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bước sang năm 2024 dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với những căng thẳng mới, đầy phức tạp. Khủng hoảng kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu lạc quan; ngành tôm tiếp tục cạnh tranh nguyên liệu do một số nước bán tôm giá rẻ và nay lại đối mặt với “vụ kiện” CVD. Mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu đi Hoa Kỳ tiếp tục bị điều tra chống trợ cấp với nhiều cáo buộc phức tạp nhất từ trước tới nay.

Từ giữa tháng 11/2023, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam. Theo đó, Hoa Kỳ điều tra tôm nước ấm đông lạnh thuộc nhóm các mã HS 0306.17, 1605.21, 1605.29 với các nước bị điều tra gồm: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Trong đó, sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam mặc dù chỉ bị điều tra chống trợ cấp nhưng số lượng các chương trình cáo buộc của nguyên đơn tại Hoa Kỳ lớn hơn nhiều, nên DOC đã quyết định điều tra toàn bộ 40 chương trình. Điều này khiến Việt Nam là nước có số lượng chương trình trợ cấp bị điều tra nhiều nhất so với các nước khác gồm: Ecuador là 15 chương trình, Ấn Độ 19 chương trình, Indonesia 15 chương trình.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, ngành tôm là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực. Do đó, kết quả cuối cùng của vụ việc không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp được lựa chọn để điều tra, mà có ảnh hưởng tới toàn ngành tôm xuất khẩu Hoa Kỳ của Việt Nam. Nếu không can thiệp kịp thời, ngành tôm Việt Nam sẽ gặp thêm nhiều khó khăn.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, chủ tịch VASEP, tôm Việt Nam đang cạnh tranh được một phần nhờ thị phần hàng giá trị gia tăng, nhưng ba năm nữa các nước khác cũng làm được giá trị gia tăng. Do đó nếu giá trị gia tăng đứng im, Việt Nam không có sự thay đổi về chế biến sâu, giảm giá thành thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Giá thành sản xuất cao nên việc cạnh tranh về giá bán với các cường quốc xuất khẩu tôm đã khó, nếu Việt Nam bị Mỹ áp thêm thuế với mức cao thì khó khăn là không nhỏ”, bà Sắc nhận định.

Sẵn sàng tâm thế “vượt khó”

Vừa về đích với kết quả chưa như mong đợi, ngành tôm đã phải bắt tay khởi đầu cho một vụ tôm mới năm 2024 với dự báo, khó khăn từ năm 2023 vẫn không giảm cường độ ngay trong những tháng đầu năm.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị  Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết: “Thị trường năm 2023 dù có dự tính, dự báo từ sớm nhưng vẫn không lường hết cường độ và thời gian tác động theo hướng xấu hơn, nên phần lớn các doanh nghiệp đều gặp rất nhiều khó khăn. Bước sang năm 2024, khó khăn này  sẽ còn tiếp tục kéo dài, ít nhất là 6 tháng đầu năm 2024”.

Theo Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2024, ngành tôm Việt Nam phấn đấu cơ bản giữ ổn định về diện tích sản xuất so với ước thực hiện năm 2023, tương đương 737.000ha. Sản lượng dự kiến tăng lên 1,2 triệu tấn, trong đó tôm sú đạt 300.000 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 765.000 tấn.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, năm 2024 sẽ tăng cường những giải pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng vật tư đầu vào (con giống, thuốc, thức ăn…); Triển khai mạnh các giải pháp giúp giảm tối ưu chi phát sản xuất để tăng lợi nhuận cho người nuôi; Nhận diện lại trong chuỗi sản xuất thủy sản phát thải đến từ chỗ nào để có kế hoạch triển khai, thay đổi công nghệ, giảm phát thải.

“Với nuôi thâm canh và siêu thâm canh như hiện nay, lượng phát thải ra môi trường khá lớn. Tới đây,  thị trường  nhập khẩu sẽ đánh nhãn xanh, nhãn vàng, nhãn đỏ và thêm phúc lợi động vật thủy sản nữa. Bên cạnh vấn đề an toàn thực phẩm thì đây sẽ là những thách thức mà ngành tôm phải đối mặt”, ông Luân khẳng định. Bên cạnh đó, phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao, ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả với từng phương thức nuôi; Tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận chất lượng; Đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật đối với diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến, sinh thái, hữu cơ. Đặc biệt, thúc đẩy mạnh nghiên cứu thức ăn và phòng chống dịch bệnh trên tôm. Năm 2024 được dự báo là năm tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành tôm, do đó, để đạt được kỳ vọng bứt phá, ngành tôm rất cần sự chung tay của các bên. Những thử thách trong năm 2024 cũng đòi hỏi các doanh nghiệp cần tiếp tục biến những kinh nghiệm của những năm trước đây tiếp tục trở thành sức mạnh vững chắc để vượt qua những sóng gió, đồng thời, linh động, linh hoạt trước những thay đổi, biến chuyển của thị trường để nắm chắc được những thời cơ, từ đó xoay chuyển tình thế, biến khó khăn trở thành cơ hội, biến thách thức trở thành động lực để tiếp tục vươn lên.

Ngọc Anh