Từ ngày 19-20/05/2024, tại xã Xuân Thịnh đã xảy ra hiện tượng tôm hùm và cá nuôi chết hàng loạt. Nguyên nhân ban đầu được cho là do thời tiết nắng nóng kết hợp với mưa dông.
Ngay sau khi nhận được thông tin tình hình tôm, cá biển chết tại khu vực thôn Phú Dương, Vịnh Hòa thuộc địa bàn xã Xuân Thịnh, trong 02 ngày 19- 20/5/2024, lãnh đạo UBND thị xã cùng cơ quan chuyên môn, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã trực tiếp đến các vùng nuôi động viên, chia sẻ những thiệt hại với bà con nhân dân. Đồng thời địa phương cũng triển khai nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả như: Thống kê số lượng thiệt hại thủy sản nuôi, hướng dẫn cho người nuôi không bỏ xác thủy sản tại các vùng nuôi; kịp thời thu hoạch đối với các loại tôm hùm, cá nuôi đến kích cỡ thu hoạch.
Trong ngày 19/5/2024, UBND thị xã đã ban hành Công văn số 2140/UBND- KT của để xử lý tôm hùm, cá biển chết tại các vùng nuôi xã Xuân Thịnh. Theo đó, chỉ đạo UBND các xã, phường (có vùng nuôi thuỷ sản) tiếp tục tăng cường quản lý NTTS trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa bão và hạn hán xâm nhập mặn năm 2024, triển khai Kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 06/12/2023 của UBND thị xã về việc Phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản năm 2024.
Địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền và khuyến cáo người nuôi thực hiện thu gom rác thải từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng nuôi lồng, bè, bảo vệ môi trường vùng nuôi; thả giống nuôi với mật độ quy định, tránh nuôi mật độ dày và có biện pháp chăm sóc đúng kỹ thuật. Cử cán bộ, công chức phụ trách thủy sản hoặc thú y cơ sở bám sát vùng nuôi, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở nuôi thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật; các biện pháp phòng chống và khắc phục thiệt hại do thời tiết bất thường gây ra để ổn định sản xuất. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Tỉnh để quan trắc mẫu nước, mẫu tôm, cá nuôi để xác định nguyên nhân.
Hiện nay, một số hộ nuôi tôm hùm ở xã Xuân Thịnh di dời 2 bè, 80 lồng nuôi tôm hùm sang khu vực bãi biển Hoà Lợi, xã Xuân Cảnh. UBND thị xã đã chỉ đạo với đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh khẩn trương làm việc với các hộ nuôi này để cam kết di dời trở lại vùng nuôi sau khi môi trường nuôi ở xã Xuân Thịnh trở lại bình thường.
Với các loại cá vừa chết, bà con vớt bán với giá từ 20.000 đến 40.000 đồng/kg. Với tôm hùm lớn, loại 2-3 con/kg vừa chết bán với giá 300.000 – 400.000 đồng/kg (giá bán này chỉ bằng 1/3 giá tôm sống). Riêng các loại tôm hùm kích cỡ nhỏ, giá bán chỉ từ 20.000 đến 50.000 đồng/kg..
Theo Báo cáo số 374/BC-UBND ngày 20/05/2024 của UBND xã Xuân Thịnh, tính đến 13 giờ ngày 20/05/2024, tổng số thiệt hại trên địa bàn có 160 hộ bị thiệt hại với 61,39 tấn tôm hùm và 29,5 tấn cá biển các loại. Cụ thể: Ở thôn Vịnh Hòa có 133 hộ bị ảnh hưởng với 1.334 lồng thiệt hại (trên tổng số 3.750 lồng đã kiểm đếm), chiếm tỷ lệ 35,6%. Ước tính thiệt hại là 53,34 tấn tôm và 28,6 tấn cá các loại từ 17 bè cá. Ở thôn Phú Dương có 27 hộ bị ảnh hưởng với 215 lồng thiệt hại (trên tổng số 6.810 lồng đã kiểm đếm), chiếm tỷ lệ 3,1%. Ước tính thiệt hại là 8,05 tấn tôm và 9 tạ cá các loại từ 2 bè cá.
Theo Chi cục thuỷ sản Phú Yên nguyên nhân ban đầu khiến tôm hùm, cá chết hàng loạt tại thị xã Sông Cầu là do thời tiết nắng nóng kết hợp với mưa dông trong những ngày qua dẫn đến môi trường nước bị thay đổi.
Nguyễn Thuyết
Báo Doanh nghiệp Kinh tế xanh