Thứ Ba, 20/02/2024, 13:00

Những bước tiến sản xuất giống thủy sản đáng chú ý

Con giống là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững ngành thủy sản. Trên phạm vi toàn cầu cũng như ở nước ta, hệ thống sản xuất giống nhằm cung cấp đủ giống chất lượng cao cho các vùng nuôi luôn được quan tâm và liên tục đạt được kết quả đáng ghi nhận. Sau đây xin giới thiệu vài nét về hướng nghiên cứu và kết quả.

Con giống là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững ngành thủy sản. Ảnh: Tép Bạc

Chỉnh sửa gen cho tôm

Một hướng nghiên cứu đang thực hiện ở Israel.

Theo Thefishsite, tháng 11/2023, các công ty nuôi thủy sản Israel gồm Colorr Farm, Evogene đã hợp tác với Viện nghiên cứu hàn lâm Israel, Đại học Ben-Gurion (BGU) đưa kỹ thuật chỉnh sửa gen vào ngành nuôi tôm. Trọng tâm nghiên cứu gồm tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh và tôm hùm đất. Các chuyên gia tại Israel đặt mục tiêu nghiên cứu, tăng cường tính trạng chính trên tôm gồm tốc độ tăng trưởng, khả năng kháng bệnh và thích ứng môi trường. Các đơn vị tài trợ nghiên cứu kỳ vọng kỹ thuật chỉnh sửa gen tôm sẽ giúp tôm nuôi của Israel nâng cao sức cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp chính xác.

Trong đó, Colors Farm tiến hành chỉnh sửa gen tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh thông qua các giải pháp gen mục tiêu. Còn Evogene triển khai công nghệ GeneRator dựa trên nền tảng AI để dự đoán RNA (gRNAs) tối ưu, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉnh sửa gen bằng công nghệ CRISPR. Về phía Giáo sư Amir Sagi ở Đại học Ben-Gurion sẽ phát triển nền tảng chỉnh sửa gen cho tôm hùm đất.

Đến nay, các nghiên cứu đã cho những tín hiệu tích cực. Kỹ thuật chỉnh sửa gen kỳ vọng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng cho ngành nuôi tôm, giúp cải thiện tính trạng mong muốn và giảm tác động đến môi trường.

Mục tiêu an ninh giống thủy sản ở nước ta

Theo Cục Thủy sản, hiện cả nước có 8.112 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và đã cung ứng 322 tỷ con giống trong năm 2023. Trong đó, 26,4% là cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm nước lợ đã cung ứng 150 tỷ con giống; 23,7% là cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống cá tra đã cung ứng 3,9 tỷ con giống.

Cục Thủy sản đánh giá, hơn 20 năm qua (1999-2023), ngành thủy sản nước ta đã có bước tiến dài trong lĩnh vực chọn tạo giống thủy sản, cải thiện đáng kể chất lượng và giá trị, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nước nhà. Hiện đang quy hoạch xây dựng các trung tâm sản xuất giống tôm nước lợ chất lượng cao ở Kiên Giang, Bạc Liêu; trung tâm sản xuất giống cá tra chất lượng cao ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ và An Giang.

Cục Thủy sản đánh giá, hơn 20 năm qua (1999-2023), ngành thủy sản nước ta đã có bước tiến dài trong lĩnh vực chọn tạo giống thủy sản

Tiếp tục tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng giống tôm nước lợ và cá tra, một số giống cá biển và rong biển. Chú trọng nghiên cứu, làm chủ quy trình sản xuất giống các đối tượng tiềm năng như tôm hùm, cá nước lạnh, một số loài cá biển. Đặc biệt, phấn đấu chủ động nguồn tôm bố mẹ, hạn chế phụ thuộc vào tự nhiên và nguồn nhập khẩu.

Nhà nước có chính sách thu hút thêm các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghệ di truyền giống để ngành thủy sản nước ta chủ động được kế hoạch sản xuất theo mùa vụ.

Tất cả nhằm tới mục tiêu đảm bảo an ninh giống thủy sản.

Phát triển nguồn lợi đa dạng 

Nhân giống và nuôi mực thương phẩm trong môi trường bán tự nhiên đã được ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mực nhảy Biển Đông (ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) thực hiện thành công. Ông Ngọc liên kết với 2 hộ dân tại huyện Ninh Hải tiến hành ấp trứng, mỗi con mực có vòng đời 15 tháng đã sinh sản khoảng 50.000 trứng. Trứng mực kết thành chùm vào các giá thể rong sụn thả ở đáy biển, sau 10 ngày, được đưa về các hộ liên kết để ấp nở ra mực con. Mực con được vớt cho vào các hồ sâu 1,5 m trong phòng tối để nuôi đạt kích cỡ con giống. Việc nuôi mực con trong phòng tối giúp hạn chế việc mực con ăn lẫn nhau. Nguồn thức ăn cung cấp cho quá trình nuôi mực con chủ yếu là tôm con và cá con sống đang bơi để mực con tự bắt mồi mà lớn lên khỏe mạnh.

Từ năm 2020 – 2022, các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Hải sản gồm Lại Duy Phương, Đặng Minh Dũng, Đỗ Mạnh Dũng, Nguyễn Xuân Sinh nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giống bào ngư vành tai (Haliotis asinina) và đã chuyển giao kỹ thuật cho người dân ở Quảng Ninh, Nha Trang, Ninh Thuận, Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) nuôi. Đến nay, thành công việc hoàn thiện kỹ thuật nuôi vỗ đàn bố mẹ từ thế hệ F1 với tỷ lệ sinh sản trên 75%. Đây là thành công có giá trị tạo nguồn bố mẹ phục vụ sản xuất con giống nhân tạo.

Ở tỉnh Sóc Trăng, Trung tâm Giống nông nghiệp chủ trì thực hiện Dự án hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá chốt nghệ trong điều kiện nhân tạo. Cá chốt nghệ là một đặc sản của ĐBSCL, trước nay khai thác tự nhiên, có nguy cơ cạn kiệt. Dự án tiến hành khảo sát, chọn địa điểm triển khai thực nghiệm; bố trí sản xuất thực nghiệm và hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá chốt nghệ trong điều kiện nhân tạo; đánh giá hiệu quả kinh tế. Thực hiện 3 đợt, với 8 lần cho cá chốt sinh sản để phát triển nuôi.

Sáu Nghệ

nguồn: Tép Bạc