Thứ Hai, 29/01/2024, 11:00

Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai: Tổ chức thành công Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2023-2028

(Aquaculture.vn) – Ngày 23/01/2024, tại thị trấn Sapa, Lào Cai, Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2023-2028. Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản tới tham dự và chúc mừng Đại hội.

Dự đại hội có lãnh đạo một số Cục, Chi cục, Học viện thuộc Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT Lào Cai; đại diện Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh Lâm Đồng, Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, cùng đại diện một số doanh nghiệp như: De Heus, Megavet, Dabaco, GreenTech… Với 100% phiếu tín nhiệm, ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai tái đắc cử vị trí Chủ tịch Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2023-2028. Tại đại hội, các đại biểu đã thống nhất bầu Ban Chấp hành Hội Cá nước lạnh tỉnh nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 9 thành viên.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội

Đóng góp quan trọng trong việc phát triển nghề cá nước lạnh, tạo sinh kế cho nông dân vùng cao

Thành lập từ năm 2018, Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai (Hội) đã có những bước phát triển và đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Hội hiện có 55 hội viên là đại diện cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi. Các thành viên trong Hội đã mạnh dạn đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất như: Công nghệ nuôi tiết kiệm nước, công nghệ ấp trứng cá hồi, cá tầm có sự kiểm soát về nhiệt độ, công nghệ nuôi lọc tuần hoàn.

Báo cáo tổng kết tại Đại hội, ông Nguyễn Duy Triệu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai, Thư ký Thường trực Hội cho biết, năm 2023 thể tích nuôi cá nước lạnh toàn tỉnh đạt 100.000 m3, sản lượng cá nước lạnh đạt trên 1.000 tấn, tập trung ở thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát, Bắc Hà, với trên 500 cơ sở nuôi cá nước lạnh, đối tượng chủ yếu là cá tầm, cá hồi. Trong đó, Hội quản lý 55 cơ sở nuôi cá nước lạnh với thể tích nuôi 40.000 m3 (chiếm 40% thể tích nuôi toàn tỉnh), sản lượng đạt 500 tấn (chiếm 50% sản lượng toàn tỉnh). Trên địa bàn tỉnh có 08 cơ sở cung ứng giống, thức ăn thủy sản nước lạnh (cá hồi, cá tầm). Hàng năm, sản xuất và bán ra thị trường 3 triệu con giống các cỡ khác nhau.

Đối với cá hồi vân: Hàng năm các cơ sở sản xuất giống nhập khẩu khoảng 3 triệu trứng đã thụ tinh từ Mỹ, Pháp, Denmark, Balan,… tỷ lệ nở từ trứng lên cá giống ước đạt khoảng 55%, tỷ lệ sống trung bình trong quá trình ương nuôi đạt 60-70%, trong quá trình nuôi thương phẩm đạt 50-60%. Số lượng giống cá hồi vân sản xuất đáp ứng nhu cầu của người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Đối với cá tầm: Một số cơ sở đã nhập trứng về ấp nở, nhưng số lượng chưa nhiều mà chủ yếu nhập cá bột về ương nuôi.

Trong những năm qua, một số cơ sở đã mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao như: Con giống thủy sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng; Các bể nuôi đảm bảo chắc chắn (xây bằng gạch hoặc làm bằng composit), có mái che, có máy sục khí tại các bể nuôi để tăng hàm lượng oxy hòa tan và áp dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn trong sản xuất.

Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai

Phát biểu chúc mừng Đại hội, ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, từ thành công của mô hình nuôi cá nước lạnh đầu tiên vào năm 2005, đến nay nghề nuôi cá nước lạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất 20-25 tỷ đồng/ha, gấp nhiều lần so với sản xuất cây trồng hàng năm, đưa Lào Cai trở thành một trong những tỉnh phát triển nuôi cá nước lạnh lớn nhất cả nước. Nhiều sản phẩm thủy sản nước lạnh được tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP như: Ruốc cá hồi, cá hồi hun khói, nem, giò, chả cá hồi, cá tầm…

“Nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã tích cực tham gia các chương trình kết nối giao thương, các Hội chợ do Sở Công Thương, Sở NN&PTNT tổ chức, giới thiệu; thường xuyên chủ động liên kết, giao thương với các doanh nghiệp, các địa phương khác để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, đa dạng hóa các sản phẩm, góp phần thúc đẩy ngành du lịch Lào Cai phát triển”, ông Lê Tân Phong nhận định.

Tiếp tục đổi mới, mở rộng liên kết và hoạt động theo chuỗi

Tại Đại hội, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT)  đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của Hội, góp phần thúc đẩy khả năng phát triển của cá nước lạnh ngày một tốt hơn.

Theo ông Luân, trong chiến lược của ngành thủy sản, cá nước lạnh là một trong những đối tượng được ưu tiên để phát triển ở những nơi có điều kiện phù hợp, đặc biệt là những tỉnh vùng núi cao, giúp người nông dân phát triển sinh kế, cải thiện thu nhập, đem lại điều kiện sống tốt hơn. Theo đó, nghề cá nước lạnh cần thực hiện liên kết sâu rộng, liên kết chuỗi và phát triển được đầu ra, gắn thương hiệu cho sản phẩm tiêu thụ, tăng độ nhận diện, từ đó ra tăng giá trị sản phẩm.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT)

“Hiện nay, việc đảm bảo an ninh nguồn nước, tiết kiệm nước là yếu tố tiên quyết và bắt buộc để phát triển ngành cá nước lạnh. Bởi vậy, thay đổi, ứng dụng công nghệ mới là điều cần thiết. Để làm được điều này, Hội cần đứng ra đóng vai trò là cầu nối giữa các đơn vị cung cứng công nghệ và các hội viên nuôi cá để nâng cao chất lượng nước nuôi. Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc gắn với tiêu thụ theo chuỗi là điều cần thiết và phải được thực hiện. Việc áp dụng quy trình công nghệ để giảm chi phí sản xuất và chi phí đầu tư để sản phẩm có sức cạnh tranh là điều cần tập trung đẩy mạnh trong nhiệm kỳ tới”, ông Luân nhấn mạnh.

Trên vai trò là Chủ tịch Hội khóa II, nhiệm kỳ 2023-2028, ông Phạm Bá Uyên chia sẻ, trong thời gian tới, Hội sẽ tập trung vào một số giải pháp để phát triển như: Thu hút thêm nhiều hội viên; Tăng cường đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật từ sản xuất đến tiêu thụ, tạo thành chuỗi liên kết khép kín; Tăng cường công tác quản lý chất lượng, thương hiệu cá nước lạnh Lào Cai; Tất cả các thành viên trong Hội có mục tiêu, nhiệm vụ và cùng chia sẻ nguồn lợi trên địa bàn tỉnh; Quản lý chặt chẽ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm trong thời gian tới.

“Hiện nay, quy hoạch chung của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy hoạch vùng nuôi cá nước lạnh cũng nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Lào Cai, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành cá nước lạnh phát triển, đảm bảo không phát triển “nóng” mà sẽ theo hướng bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Trong đó, quản lý nguồn nước và chất lượng sản phẩm đầu ra, đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường là hướng đi quan trọng của các hội viên Hội trong thời gian tới”, ông Phạm Bá Uyên nhận định.

Nhiệm kỳ tới, Hội sẽ kết hợp với tỉnh phấn đấu mục tiêu đến năm 2030, nâng thể tích nuôi cá nước lạnh lên 110.000 m3, sản lượng đạt 1.600 tấn, năng suất đạt 14,5 kg/m3.

Một số hình ảnh tại Đại hội:

Cục trưởng Trần Đình Luân tặng hoa chúc mừng ra mắt Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ mới
Tại Đại hội, PGS. TS Trương Đình Hoài, Phó Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có bài chia sẻ về các loại bệnh thường gặp ở cá nước lạnh và phương pháp phòng, trị bệnh
Ông Trần Văn Hào, Thư ký Hiệp hội phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng tới tham dự và có những chia sẻ tại Đại hội
Toàn cảnh Đại hội

Phạm Huệ

 

Thể tích và sản lượng nuôi cá nước lạnh tại tỉnh Lào Cai qua các năm

STT Năm Thể tích nuôi (m3) Sản lượng (tấn)
1 2008 9.600 80
2 2013 37.197 210
3 2015 46.500 392
4 2016 47.560 440
5 2017 48.939 480
6 2018 50.720 500
7 2019 54.245 600
8 2020 57.100 670
9 2021 70.000 748
10 2022 75.000 850
11 2023 100.000 1.000