Từ cuối năm 2023 đến nay, giá lươn thương phẩm liên tục giảm mạnh dẫn đến nguy cơ thua lỗ cho người nuôi.
Hơn một tháng qua, ông Lý Quốc Biến, TT.Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) đứng ngồi không yên trước tình trạng giá lươn thương phẩm giảm mạnh. Theo ông Biến, gắn bó 4 năm với nghề nuôi lươn không bùn thì đây là lần đầu tiên giá lươn thịt giảm mạnh từ 120 ngàn xuống còn từ 70 – 72 ngàn đồng/kg lươn loại 1 (trọng lượng từ 4-5 con lươn/kg).
“Để nuôi được 1kg lươn thịt, chi phí mua con giống, thức ăn và tiền điện hết khoảng 85.000 đồng. Vì vậy, giá lươn thịt bán ra không quá 72 ngàn đồng, cộng với công nuôi 10 tháng coi như lỗ vốn. Gần 3,5 tấn lươn thương phẩm của gia đình tôi đã đến kỳ thu hoạch, nhưng giá rẻ quá nên tiếp tục nuôi cầm chừng. Tuy nhiên, nếu nuôi tiếp mà giá lươn không tăng thì lỗ nhiều hơn”, ông Biến cho biết thêm.
Cũng có cùng nỗi trăn trở như ông Biến, ông Đặng Quân, ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc than thở, trước đây, trại lươn quy mô sản xuất 20 bể nhựa composite (2 x 3m) và 8 bể xây xi măng, mỗi tháng có thể xuất bán từ 3 – 5 tấn lươn thương phẩm, nhưng gần 2 tháng nay, ông chỉ bán lẻ được vài trăm kg cho người quen; thương lái các nơi không đến thu mua.
Theo các hộ nuôi lươn, thời gian qua mô hình nuôi lươn không bùn phát triển mạnh trong những năm 2020, 2021, 2022, riêng từ đầu năm 2023 đến nay do giá lươn thịt giảm mạnh nên số lượng nông dân mua con giống giảm hơn những năm trước.
“Mô hình nuôi lươn không bùn ít bị dịch bệnh, dễ nuôi, tuy nhiên, giá lươn không ổn định nên người nuôi luôn lo lắng. Các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ để người nuôi liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất, ký kết thu mua đầu ra với giá ổn định, khoảng 120 ngàn đồng/kg thì người nuôi yên tâm hơn”, ông Nguyễn Bình Minh, chủ trại lươn hơn 4.000m2 ở TT.Ngãi Giao (huyện Châu Đức) nói.
Toàn tỉnh hiện có trên 50 hộ nuôi lươn không bùn, tập trung chủ yếu tại các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Châu Đức. Trong đó, xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc ) đã thành lập Chi hội nuôi lươn với 9 thành viên. Theo Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, để giúp mô hình phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, thời gian qua, Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi, vận động thành lập tổ hợp tác nuôi lươn sạch. Đồng thời liên kết với DN chuyên thu mua chế biến lươn thương phẩm cũng như đẩy mạnh tìm kiếm thị trường ký kết hợp đồng tiêu thụ lươn thương phẩm.
“Về lâu về dài, nông dân muốn phát triển mô hình này cần tham gia tổ hợp tác, HTX, không nên mở rộng quy mô, diện tích nuôi lươn khi chưa có đầu ra ổn định”, ông Đinh Xuân Dậu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết.
Mai Nhung
Báo Bà Rịa – Vũng Tàu