(Aquaculture.vn) – Trước những biến đổi khí hậu thời tiết khó lường như hiện nay, người nuôi tôm cả nước, đặc biệt là khu vực miền Bắc đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thực hiện những chính sách hỗ trợ, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất hiện vẫn còn nhiều vướng mắc…
Đứng trước những khó khăn, vướng mắc trên, ngày 20/6, tại Khu phức hợp sản xuất tôm giống công nghệ cao Việt Úc Quảng Ninh phối hợp với UBND huyện Đầm Hà (Quảng Ninh), Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Công ty CP Thú y Megavet Việt Nam đồng hành tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Chia sẻ kỹ thuật mới trong nuôi tôm thẻ chân trắng và các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo chuỗi liên kết”.
Hội thảo nhằm mục đích tạo sự gắn kết giữa chính quyền địa phương, các cơ sở nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp và người nuôi với mục tiêu cùng đồng hành, tháo gỡ khó khăn với người nuôi tôm trong quá trình tiếp cận thực hiện những chính sách hỗ trợ, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, giúp người nuôi chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trước những biến đổi khó lường của thời tiết và dịch bệnh như hiện nay…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Duy Nhân, Giám đốc Marketing Tập đoàn Việt Úc chia sẻ, với sứ mệnh “Vì người Việt – Nâng tầm tôm Việt” sau hơn 20 năm phát triển, Việt Úc đã khẳng định vị trí là Tập đoàn đầu ngành trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là trong nuôi tôm.
“Công nghệ, quy trình, kỹ thuật đóng vai trò sống còn trong việc thành bại ngành công nghiệp nuôi tôm. Đó là lý do Việt Úc quyết tâm thực hiện 2 định hướng chiến lược: thứ nhất là khép kín được chuỗi giá trị ngành tôm; thứ 2 là khởi xướng công cuộc vì một ngành tôm Việt Nam công nghệ cao bền vững. Công nghệ cao bền vững không chỉ thể hiện trong công nghệ di truyền và chọn giống tôm bố mẹ đầu tiên tại Việt Nam, mà còn thể hiện trong tôm giống công nghệ cao VUS LEADER 21. Đặc biệt tôm giống chất lượng cao chuyên cho nhiệt độ thấp dành riêng cho các khu vực miền Bắc”, ông Nhân cho hay.
Huyện Đầm Hà có diện tích tự nhiên ước khoảng 41.426ha. Trong đó, diện tích đất phục vụ nuôi trồng thủy sản đạt 2.898ha (11,29% diện tích đất nông nghiệp của huyện). Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện ước khoảng 1.130 ha, sản lượng nuôi trồng hàng năm đạt trung bình 11.800 tấn, trong đó diện tích nuôi tôm chiếm 450 ha, sản lượng đạt 3.150 tấn. Sản xuất giống thủy sản hàng năm khoảng 1.189 triệu con giống thủy sản các loại, trong đó, giống tôm thẻ chân trắng của Công ty Việt Úc Quảng Ninh đạt khoảng từ 1.200 triệu – 1.500 triệu giống/ năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu giống trên địa bàn cũng như các tỉnh lân cận từ Quảng Ninh đến Quảng Bình.
Bên cạnh đó, huyện quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng, khuyến khích chuyển đổi nuôi tôm quảng canh nhỏ lẻ sang hình thức nuôi thâm canh tập trung, áp dụng công nghệ cao, nuôi an toàn, VIETGAP để nâng cao giá trị sản xuất. Phát huy tiềm năng, lợi thế đưa huyện Đầm Hà trở thành trung tâm sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh Quảng Ninh.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Bình Phượng, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) cho biết, Việt Úc là nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư hạt nhân của huyện Đầm Hà trong chiến lược phát triển ngành thủy sản theo hướng thâm canh công nghệ cao. Hội thảo hôm nay đóng vai trò quan trọng để triển khai phương thức nuôi tôm công nghệ cao, đặc biệt là triển khai các chính sách liên kết trong nuôi trồng thủy sản.
Tại Quảng Ninh, ngành thủy sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, nhằm tạo các điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay việc đưa các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản cũng như ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất còn nhiều bất cập. Hầu hết người nuôi ít có điều kiện tiếp cận với các chính sách hỗ trợ phát triển ngành thủy sản, cũng như hiệu quả của những ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào nuôi trồng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Huấn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đầm Hà đã có bài chia sẻ về chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo chuỗi liên kết: theo Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, vấn đề thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ mô hình nuôi tôm quảng canh sang mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao là sự lựa chọn của nhiều bà con hiện nay. Tuy nhiên, làm thế nào để nuôi tôm thâm canh công nghệ cao đạt năng suất, chất lượng, cũng như phòng chống dịch bệnh thường gặp trong tôm, Th.S Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Việt Úc đã có bài chia sẻ với chủ đề “Quản lý sức khỏe tôm hiệu quả trong quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn”. PSG.TS Trương Đình Hoài, đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam có bài chia sẻ với chủ đề “Cách phòng và điều trị bệnh do Vi bào tử trùng (EHP) trên tôm thẻ chân trắng”.
Nhằm thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đặt biệt là công nghiệp ngành tôm góp phần nâng cao chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, ông Phùng Đình Hợi, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Megavet Việt Nam đã có bài chia sẻ về một số sản phẩm chiết suất từ thảo dược Vibran B, Bio Defence, Biohealth Support nâng cao sức đề kháng, phòng trị bệnh và an toàn sinh học.
Với những chủ đề hấp dẫn cùng nhiều thông tin bổ ích với người nuôi tôm, hội thảo lần này của Việt Úc đã thu hút hơn 120 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng tại Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái tham dự. Anh Nguyễn Văn Thủy, hộ nuôi tôm tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên chia sẻ sau khi tham dự hội thảo: “6 năm đồng hành với nghề tôm cũng là 6 năm tôi sử dụng tôm giống của Việt Úc. Chất lượng con giống Việt Úc luôn đảm bảo tiêu chuẩn, nuôi ít bị hao hụt, tỷ lệ đạt đầu con cao. Hiện nay, đa số bà con nuôi tôm theo bản năng và dựa trên những kinh nghiệm tự có, buổi hội thảo lần này là một cơ hội để bà con nuôi tôm được gặp gỡ, chia sẻ và tiếp nhận thông tin từ các chuyên gia. Tôi mong muốn Việt Úc sẽ thường xuyên có những buổi hội thảo như thế này để hỗ trợ người nuôi tôm”.
Nhằm phát triển ngành tôm một cách bền vững, các Viện nghiên cứu, doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Việt Úc và Công ty CP Thú y Megavet Việt Nam luôn chủ động, tích cực đầu tư cho các nghiên cứu khoa học, ứng dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả của ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và ngành tôm giống nói riêng.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Ngọc Anh