Sản xuất, chế biến ngành thủy sản đang chịu nhiều ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19. Nếu không có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nguy cơ dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất của ngành này là rất lớn và khó có thể đạt được các mục tiêu về sản lượng, giá trị xuất khẩu trong năm 2021 như đã đề ra.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất ngành thủy sản
Phản ánh của Tổ Công tác 970 của Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay, về sản xuất thủy sản tại các tỉnh phía Nam, không có đủ nhân lực để tham gia chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển sản phẩm. Do tác động của dịch bệnh, người lao động không muốn tham gia, sợ nhiễm bệnh, trong khi đó, người tham gia được lại không đủ điều kiện y tế (chưa được tiêm vắc xin,…).
Bên cạnh đó, lao động không hoặc khó di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác để chăm sóc, thu hoạch sản phẩm làm tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng từ giống đến sản phẩm thương phẩm. Việc cung ứng vật tư đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản) không đáp ứng kịp thời, phát sinh tăng chi phí do trung chuyển và test COVID-19. Việc khó kêu, gọi thương lái, nhà máy thu mua thủy sản, thiếu lái xe, phương tiện vận chuyển… đã làm giá mua giảm mạnh, nhất là tôm nguyên liệu.
Đáng chú ý, theo Tổ công tác 970, việc kiểm soát chặt chẽ đối với người và phương tiện vận tải tại các chốt liên ấp, liên xã, liên huyện làm cho thương lái thu mua tôm thương phẩm khó tiếp cận. Một số nơi không có thương lái thu mua. Nhiều nơi không đến được điểm nuôi trồng hoặc công nhân tham gia thu hoạch nông sản liên vùng, liên tỉnh phải thực hiện cách ly sau khi thu hoạch 14 ngày theo quy định đã làm chậm tiến độ thu hoạch của các doanh nghiệp khi phải tiến hành cùng lúc tại nhiều vùng nguyên liệu. Từ đó, còn dẫn đến việc người nuôi không thể cải tạo, chuẩn bị ao đầm để thả giống. Cùng với đó, việc giá tôm thương phẩm giảm làm cho người nuôi chưa muốn xuống giống tiếp.
Tổ công tác 970 nhấn mạnh: Nếu tình trạng này không được cải thiện, đứt gãy chuỗi sản xuất thủy sản là rất lớn và nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu trong các tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cho biết, với nhiều lý do khác nhau, chỉ có 30% doanh nghiệp chế biến thủy sản phía Nam hoạt động với công suất trung bình giảm còn 30-35%. Nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu chỉ đạt 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Hiện tại, có 15 nhà máy thức ăn cho thủy sản, 120 nhà máy chế biến thủy sản có ca F0 phải dừng hoạt động.
Dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất những tháng cuối năm thiếu hụt 20-30% do giảm khai thác, thả giống, nhập khẩu; vật tư phục vụ chế biến thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%. Việc bốc dỡ, mua bán, đặc biệt là khâu vận chuyển thủy sản với các tỉnh khác gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ thủy sản khai thác chậm, đứt gãy. Giá sản phẩm thủy sản giảm 15-20% so với cùng kỳ. Các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá (bao gồm sửa chữa tàu, máy móc, cung cấp dầu, nước đá, thực phẩm) gặp nhiều khó khăn, không kịp thời và đáp ứng đầy đủ.
Phản ánh tại các địa phương cho thấy, thực tế sản xuất và chế biến thủy sản hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo bà Võ Thị Thanh Vân – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, do giãn cách xã hội nên việc thực hiện đề án giống cá tra ba cấp gặp khó. Đối với diện tích mặt nước ương giống hiện nay với năng lực cung cấp 2,2 tỷ con cá tra ương, giống mỗi năm thì do dịch bệnh, giãn cách xã hội nên hoạt động ương dưỡng chỉ cầm chừng. Một số cơ sở ương dưỡng tạm ngưng. Các doanh nghiệp có cá thương phẩm vẫn còn tồn ứ nên phần nào ảnh hưởng đến tình hình thả nuôi ương dưỡng giống lại, dẫn đến nguy cơ nguồn giống thiếu hụt trong các tháng cuối năm nếu dịch bệnh được kiểm soát.
Bên cạnh đó, tại An Giang, hầu như các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản không có đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”, phải dừng hoạt động để đảm bảo yêu cầu phòng dịch, từ đó ảnh hưởng đến lượng thu mua nông, thủy sản. Trong khi đó, với sản xuất “3 tại chỗ”, nhiều chi phí tăng, chi phí xét nghiệm tăng, chi phí logistic tăng, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao,…gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh, thành phía Nam.
Tại tỉnh Cà Mau, phản ánh của địa phương cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc ra, vào cửa biển bị kiểm soát chặt, giá cả các sản phẩm khai thác thủy sản giảm, có những mặt hàng giảm sâu, trung bình từ 30-40%.
Cần sự vào cuộc sát sao của mỗi địa phương
Trước những khó khăn trong hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản tại các tỉnh, thành phía Nam, đã có nhiều địa phương cùng tham gia gỡ khó cho sản xuất trên địa bàn. Theo cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Tháp, bình quân sản lượng hàng tháng của Đồng Tháp với cá tra từ 30-40 nghìn tấn, tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp hoạt động chỉ đạt 13/22 doanh nghiệp chế biến thủy sản, do vậy, sắp tới tỉnh sẽ có chỉ đạo Sở Công thương, Sở NN&PTNT hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà máy để hướng dẫn đảm bảo đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”. Riêng đối với một số hộ dân nuôi riêng lẻ bên ngoài chiếm khoảng 30%, trong đó, một số hộ chưa có kết nối, liên kết để tiêu thụ. Do đó, hiện nay còn khoảng 3-4 nghìn tấn cá tra của các hộ dân cần tiêu thụ, Sở NN&PTNT đã phối hợp với sở Công Thương để liên kết với các nhà máy hỗ trợ tốt nhất cho bà con để tiêu thụ trong tình hình dịch bệnh.
Về tiêm vắc xin, Đồng Tháp đã chỉ đạo và quan tâm đến lực lượng công nhân trong sản xuất, chế biến thủy sản cũng như nông sản. Về vấn đề lưu thông, Ban chỉ đạo tỉnh đã thống nhất từ chỉ đạo các chốt, giao trách nhiệm cho đồng chí Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo việc lưu thông giữa các chốt trên địa bàn tỉnh, từ tỉnh, huyện, xã, trong đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và thương lái để tập trung thu mua nông sản cho nông dân, đặc biệt là hàng thủy sản.
Riêng với hoạt động thu hoạch thủy sản do tập trung đông người mà một số doanh nghiệp có sử dụng lao động ngoại tỉnh, Đồng Tháp đã hướng dẫn cho các doanh nghiệp xây dựng các phương án cụ thể về lịch trình di chuyển, số lượng và con người để di chuyển từ các tỉnh qua Đồng Tháp và ngược lại để đảm bảo cho việc thu hoạch, đảm bảo cho chuỗi cung ứng và chế biến không bị đứt gãy. Tỉnh cũng đã thành lập đường dây nóng trong hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Tuy nhiên, để gỡ khó cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện nay, Đồng Tháp kiến nghị cần tập trung hỗ trợ về lãi suất, thuế cho các đối tượng tham gia trong chuỗi sản xuất thủy sản và đặc biệt là những người nông dân trực tiếp sản xuất thủy sản, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó Bộ NN&PTNT, các địa phương cần có cơ chế, chính sách đề kiềm chế việc tăng giá thức ăn trong nuôi trồng thủy sản để hạn chế việc thua lỗ của bà con trong quá trình sản xuất.
Không chỉ vậy, việc ưu tiên vắc xin để tiêm phòng COVID-19 cho các đối tượng sản xuất, vận chuyển,…trong chuỗi thủy sản cũng là vấn đề được nhiều địa phương đề cập đến. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre – Nguyễn Văn Buội, tỉnh đã có văn bản gửi liên tục cho các địa phương trên địa bàn tỉnh tiêm vắc-xin cho chuỗi cung ứng bên nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay lượng vắc – xin của Bộ Y tế chuyển về rất ít, chủ yếu ưu tiên cho những người chống dịch trong y tế và các công tác phòng chống dịch ở tuyến đầu của Bến Tre. Bến Tre đã đề xuất Bộ Y tế khi cung cấp vắc xin có ưu tiên cho đối tượng trong chuỗi thủy sản.
Để gỡ khó cho ngành thủy sản hiện nay, tỉnh An Giang kiến nghị, Bộ NN&PTNT có kiến nghị với Chính phủ có kiểm soát tốt giá cả thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản để ổn định giá nguyên liệu đầu vào để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, cần tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa đi lại thông thoáng trong quá trình di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác và ngược lại. Trong đợt dịch này, nếu chúng ta tiếp tục giãn cách cũng cần đề xuất đối với các hệ thống ngân hàng trong vấn đề chính sách ưu đãi giảm lãi suất.
Để tạo điều kiện cho sản xuất nông sản nói chung trong những tháng cuối năm, trong đó có ngành thủy sản, Bộ NN&PTTN đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản, vật tư đầu vào; giảm thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Bên cạnh đó, có chính sách mạnh mẽ nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến hàng nông sản; doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã tập trung, các vùng nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu. Xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do COVID-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Về vấn đề lưu thông, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh chỉ đạo giải quyết triệt để ách tắc trong vận chuyển vật tư, thiết bị đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và sản phẩm đầu ra của các cơ sở sản xuất, chế biến tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tạo điều kiện cho lực lượng dịch vụ vận chuyển và người lao động trong các cơ sở sản xuất và nhà máy sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm thiết yếu,… được tiếp cận và tiêm vắc xin phòng COVID – 19 sớm nhất có thể để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng; đơn giản hóa các thủ tục để hàng hóa nông sản được lưu thông thuận lợi trên địa bàn. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho chủ xe, lái xe, phương tiện giao thông để giảm chi phí vận chuyển, tạo điều kiện cho tiêu thụ nông sản được thuận lợi, đồng thời tạo điều kiện đưa các xe vận chuyển nông sản theo luồng xanh để thuận lợi cho vận chuyển, tiêu thụ nông sản và lưu thông vật tư nông nghiệp.
Thực tế, để gỡ khó cho hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản trong giai đoạn giãn cách xã hội hiện nay, cần rất nhiều sự vào cuộc và chung tay của các cấp, các ngành, các hiệp hội… Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là các địa phương cần thực sự chủ động, nắm bắt tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, người nuôi trồng, thương lái,…trên địa bàn tỉnh để có các giải pháp tháo gỡ kịp thời, đặc biệt là vấn đề lưu thông. Và nếu các địa phương tại các tỉnh, thành phía Nam có sự thống nhất, có sự liên lạc trao đổi với nhau để cùng tìm ra các giải pháp chung cho việc lưu thông, tiêu thụ nông sản, nhất là qua các chốt kiểm dịch, tin rằng sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho việc sản xuất, tiêu thụ thủy sản và cho cả các sản phẩm khác của ngành nông nghiệp, tránh đứt gãy cho các chuỗi sản xuất.