Để đạt được mục tiêu lớn này, ngành nuôi cá cảnh ở TP.HCM phải sản xuất được 300 triệu con cá cảnh vào năm 2030.
Tốc độ đô thị hóa ở TP. HCM đang diễn ra nhanh chóng khiến cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Thành phố năm 2023, tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố.
Cá cảnh là một trong 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của TP.HCM.
Chia sẻ về tình hình sản xuất và xuất khẩu của ngành cá cảnh TP.HCM hiện nay, tại buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế xã hội, phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM chiều 14/3, ông Lê Tôn Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản TP. HCM (Sở NN-PTNT TP.HCM) cho biết, hiện nay tổng diện tích nuôi cá cảnh trên toàn Thành phố khoảng 90 ha với khoảng gần 300 cơ sở và hộ nuôi.
Hiện nay bà con chủ yếu nuôi theo các hình thức như nuôi trong hồ kính, nuôi hồ xi măng lót bạt, nuôi ao, nuôi trong keo/hũ/bình/thau/chậu/thùng xốp… Trong đó, chủ yếu là ba hình thức chính: Thứ nhất, nuôi hồ kính với thể tích trung bình từ 100 – 200 lít/hồ, khoảng 100.000 hồ/4 ha, chủ yếu nuôi các loại cá dĩa, neon, mũi đỏ…
Thứ hai, nuôi hồ xi măng, hồ bạt nhựa, diện tích trung bình từ 4-6m2/hồ, khoảng 20.000 hồ/24 ha chủ yếu nuôi cá bảy màu, cá hòa lan, cá hồng kim…
Thứ ba, nuôi ao, diện tích từ 200 – 500 – 1.000 – 2.000 m2/ao, khoảng 500 ao/60 ha, chủ yếu nuôi cá chép Nhật, ba đuôi, bảy màu, hòa lan, hồng kim…
Cũng theo ông Cường, hiện TP.HCM có khoảng 20 đơn vị xuất khẩu cá cảnh, trong đó Công ty Cổ phần Sinh vật cảnh Thiên Đức, Công ty Cổ phần Sài Gòn cá kiểng và Hợp tác xã Sài Gòn cá kiểng là ba đơn vị xuất khẩu chủ lực của TP trong thời gian qua.
Nói về thị trường xuất khẩu cá cảnh Thành phố, ông Cường cho biết, cá cảnh của Thành phố đã xuất khẩu sang 50 quốc gia, trong đó châu Âu chiếm khoảng 50-60%, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ, Trung Đông và Nam Phi.
Theo đánh giá của Chi cục thủy sản TP. HCM, từ năm 2010 – 2019, tổng sản lượng cá cảnh của thành phố mỗi năm đều tăng, trung bình 15%/năm (năm 2010 là 60 triệu con, đến năm 2019 là 205 triệu con). Tuy nhiên, giai đoạn 2020 – 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các ngành nghề và lĩnh vực cá cảnh, nên sản lượng sản xuất cá cảnh đã giảm trên 50% vào năm 2021 (100 triệu con).
Trong những tháng đầu năm 2023, số lượng cá cảnh trên địa bàn Thành phố sản xuất 37,4 triệu con (năm 2022 là 42,18 triệu con, giảm 11,30% so với cùng kỳ); số lượng cá cảnh xuất khẩu là trên 4,1 triệu con giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 4,2 triệu USD, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường chiếm tỷ trọng xuất khẩu cá cảnh nhiều nhất của TP. HCM là Châu Âu, chiếm 64,78%; tiếp đến là Châu Á, chiếm 28,49%; Châu Mỹ, chiếm 5,10%; Trung Đông, chiếm 1,28%; Nam Phi, chiếm 0,35%.
Lý giải về nguyên nhân giảm sản lượng xuất cá cảnh trên địa bàn, ông Lê Tôn Cường cho biết, một số cơ sở/hộ nuôi cá cảnh ở các huyện Bình Chánh (xã Tân Nhựt, Bình Lợi…), huyện Củ Chi (xã Thái Mỹ…) tạm ngưng sản xuất do thị trường tiêu thụ cá cảnh trong nước và xuất khẩu vẫn chưa khởi sắc.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, cá sản xuất không tiêu thụ tốt nên người nuôi thu hẹp đối tượng và giảm sản lượng so với trước đây. Đồng thời, một số đối tượng cá cảnh nuôi phổ biến như cá chép, cá bảy màu, cá chuột được chuyển đổi sang các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Long An.
Trong kế hoạch chiến lược phát triển thủy sản trên địa bàn TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Sở NN-PTNT TP. HCM xác định mục tiêu xuất khẩu cá cảnh đạt 100 triệu USD vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu cá cảnh này, ngành nuôi cá cảnh ở TP. HCM phải sản xuất được 300 triệu con cá cảnh vào năm 2030.
Chính vì vậy, thời gian qua TP. HCM tăng cường hoạt động các tổ chức nghề nghiệp, thành lập các Hội, chi hội cá cảnh nhằm tập hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nghệ nhân thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề trên các địa bàn trọng điểm để tổ chức sản xuất và tiêu thụ cá cảnh. Song song đó, Thành phố cũng đầu tư nghiên cứu, phát triển các loài giống cá cảnh mới, thuần dưỡng các loài cá tự nhiên và khả năng làm cảnh… |
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam