Thứ Sáu, 26/05/2023, 17:00

Quy định sử dụng Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản

Ngưỡng giới hạn của Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản là 150 mg/kg

(Aquaculture.vn) Tại Việt Nam, 150ppm là ngưỡng giới hạn cho phép sử dụng Ethoxyquin trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản, đồng thời trên nhãn sản phẩm buộc phải có hàm lượng Ethoxyquin cụ thể.

Ngưỡng giới hạn của Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản là 150 mg/kg
Ngưỡng giới hạn của Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản là 150 mg/kg

Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản

Ethoxyquin (EQ) là chất chống oxy hóa thuộc nhóm Quinoline, được Monsanto phát triển vào những năm 1950, có công thức hóa học là C14H19NO, được sử dụng như một chất bảo quản thực phẩm (E324), ngăn ngừa quá trình ôi thiu của thức ăn.

Thức ăn thủy sản do có hàm lượng chất béo cao và thành phần của chất béo chứa nhiều acid béo không no nên dễ bị oxy hóa trong quá trình chế biến và bảo quản. Khi bị oxy hóa, thức ăn sẽ có mùi ôi và mất đi các acid béo thiết yếu, các vitamin tan trong dầu như A, D, E, carotenoids bị phá hủy làm giá trị dinh dưỡng của thức ăn bị giảm. Do đó, việc bổ sung chất chống oxy hóa trong thức ăn thủy sản là cần thiết. Ethoxyquin là chất chống oxy hóa tốt, giá rẻ, được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam và các nước trên thế giới.

Nhu cầu thêm các chất chống oxy hóa tổng hợp như Ethoxyquin vào bột cá là hợp pháp, trước khi chúng được đưa vào hoạt động mua bán nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển và lưu trữ hàng hóa.

Ảnh hưởng của Ethoxyquin đến động vật và con người

Theo tạp chí Aquaculture Nutrition, tháng 4/2009, một nghiên cứu về ảnh hưởng của ethoxyquin đến miễn dịch của cá rô phi (Oreochromis niloticus) đã cho thấy, khi cho cá rô phi ăn thức ăn có chứa 150mg/kg ethoxyquin thì nồng độ ethoxyquin trong máu đạt 0,16 mg/l. Nồng độ này gây ức chế hoạt động thực bào của các tế bào bạch cầu (invitro) và các hoạt động kháng khuẩn của máu (in vivo).

Theo một nghiên cứu (2013) của Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm địng NTTS (Tổng cục thủy sản) hệ số tích tụ Ethoxyquin trong quá trình sử dụng không thay đổi nhiều theo thời gian. Ethoxyquin có thể loại thải hoàn toàn trong tôm thương phẩm trong khoảng thời gian 4-5 ngày và không có sự khác biệt rõ ràng về hệ số tích tụ và thời gian tồn lưu Ethoxyquin trong tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Không có mức ethoxyquin tối đa trong thủy sản. Theo Hội nghị của FAO/WHO (Joint FAO/WHO Meeting on Pesticide Residues – JMPR), lượng ethoxyquin ăn vào hàng ngày có thể chấp nhận được là 0,005 mg/kg thể trọng/ngày. Tiêu thụ một lượng lớn cá hồi nuôi (300 g) có thể chiếm ít hơn 15% lượng ethoxyquin ăn vào hàng ngày có thể chấp nhận được. Ở cá hồi, phần lớn ethoxyquin được chuyển hóa thành EQDM (ethoxyquin dimer).

Đến thời điểm này vẫn chưa có bằng chứng khoa học y tế nào xác định ethoxyquin ở mức giới hạn cho phép gây tổn hại cho sức khỏe con người.

Quy định đối với Ethoxyquin ở Việt Nam và một số nước khác

Tại Việt Nam, không cấm sử dụng Ethoxyquin trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản, với ngưỡng giới hạn cho phép trong thức ăn thủy sản là 150ppm theo Thông tư 04/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/03/2020 của Bộ NN&PTNT. Đồng thời, trên bao bì thức ăn thủy sản phải được ghi hàm lượng chất này cụ thể.

Năm 2012, Nhật Bản đã quy định giới hạn dư lượng Ethoxyquin trong thủy sản nhập khẩu (đặc biệt là tôm) là 0,01ppm, sau đó tăng lên 0,2 ppm. Bên cạnh đó, Nhật Bản đã ra lệnh kiểm tra các lô hàng sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam với quy định mức dư lượng Ethoxyquin không được cao hơn 0,01 ppm.

Năm 2013, Hàn Quốc cũng quy định giới hạn Ethoxyquin trong tôm đông lạnh nhập khẩu là 0,01ppm. Cho đến nay, chưa hề có một báo cáo nào về tổn hại sức khỏe mà người dân Nhật hay Hàn gặp phải do dùng tôm nhập khẩu có tồn dư Ethoxyquin cao hơn 0,01 ppm.

Ngày 07/6/2017, EU đã ban hành quy định số 2017/962 về sử dụng Ethoxyquin trong thức ăn chăn nuôi. Theo đó, sau ngày 31/3/2020, EU quy định Ethoxyquin không được phép sử dụng trong tất cả các loại thức ăn chăn nuôi (bao gồm thức ăn thủy sản).

Quy định của EU khác với quy định của các thị trường khác về Ethoxyquin trong thủy sản. Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ kiểm tra dư lượng Ethoxyquin trên sản phẩm thủy sản nhập khẩu, thì EU lại cấm sử dụng chất này trong thức ăn thủy sản. Điều này đồng nghĩa với việc, EU không chấp nhận các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu có dư lượng ethoxyquin, dù là ở hàm lượng rất thấp. Đây chính là nỗi lo lớn đối với ngành thủy sản cũng như doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, việc nghiên cứu tìm ra chất thay thế rất quan trọng để đảm bảo chất lượng và không còn tồn dư Ethoxyquin trong thủy sản xuất khẩu vào thị trường EU.

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đối với những thị trường như EU – việc họ đã  tuyệt đối cấm Ethoxyquin thì ngành nông nghiệp Việt Nam phải thực hiện nếu muốn xuất khẩu sản phẩm vào EU. Theo đó, cần tập trung vào các biện pháp, giải pháp loại bỏ chất này khỏi thức ăn chăn nuôi và thủy sản để xuất khẩu sản phẩm vào EU.

Tóm lại, ở Việt Nam không cấm sử dụng Ethoxyquin trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản, tuy nhiên ngưỡng giới hạn cho phép của chất này trong thức ăn thủy sản là 150 ppm. Ngoài ra, đối với sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là với tôm, tùy theo từng thị trường xuất khẩu mà có các quy định khác nhau về hàm lượng chất này trong thức ăn và EU đã cấm hoàn toàn Ethoxyquin trong chăn nuôi, thủy sản.

Thu Hiền (Tổng hợp)