Thứ Sáu, 25/11/2022, 9:17

Phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản

Định Quán là huyện có diện tích nuôi thủy sản thuộc tốp đầu của tỉnh. Các mô hình nuôi thủy sản trên địa bàn huyện cũng khá đa dạng. Thời gian qua, ngành nuôi thủy sản đạt mức tăng trưởng tốt, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Thu hoạch cá tại bè trên sông La Ngà, H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

H.Định Quán đã định hướng xây dựng các vùng chuyên canh nuôi thủy sản theo hướng an toàn, bền vững.

Thế mạnh của địa phương

Theo báo cáo của UBND H.Định Quán, tính đến năm 2022, diện tích đất sử dụng nuôi thủy sản trên địa bàn huyện đạt hơn 889ha và 810 lồng bè nuôi trên hồ Trị An thuộc địa bàn huyện. Tổng sản lượng thủy sản nuôi đạt gần 12,5 ngàn tấn.

Nghề nuôi thủy sản ở H.Định Quán tập trung ở 4 xã: La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định và Thanh Sơn. Nuôi thủy sản không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người nuôi mà còn góp phần rất lớn tạo việc làm cho lao động, nhất là lao động không có trình độ chuyên môn tại địa phương.

Các mô hình nuôi thủy sản trên địa bàn huyện khá đa dạng, đạt hiệu quả tốt như: nuôi thủy sản trong lồng, bè, hồ chứa; nuôi thủy sản theo mô hình vườn – ao – chuồng với các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá lóc, cá lăng, ba ba, lươn… Trong đó, địa phương đã hình thành các vùng nuôi cá tra, cá lóc, cá rô đồng…

Ông Nguyễn Trung Hậu, chủ bè cá trên sông La Ngà (xã Phú Ngọc, H.Định Quán) cho biết, thời gian qua, tình hình tiêu thụ các mặt hàng cá nước ngọt trên thị trường khá ổn định. Theo đó, dù chi phí đầu tư có tăng cao hơn do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng nhưng người nuôi vẫn có lợi nhuận tốt, yên tâm đầu tư. Địa phương cũng rất quan tâm hỗ trợ cho người nuôi thực hiện quy trình nuôi theo hướng an toàn, tham gia chuỗi liên kết để có đầu ra ổn định hơn.

* Phát triển theo hướng bền vững

Thời gian qua, ngành nuôi thủy sản thường đạt mức tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Đây cũng là ngành thế mạnh mà địa phương đang tập trung phát triển trong thời gian tới. Tính đến cuối năm 2021, địa phương đã triển khai thực hiện hỗ trợ 4 vùng nuôi thủy sản đã đạt chứng nhận VietGAP, sản lượng đạt khoảng 10,7 ngàn tấn. Địa phương đang tiếp tục hỗ trợ cho người nuôi nhân rộng mô hình nuôi thủy sản an toàn, tham gia chuỗi liên kết để phát triển bền vững.

Theo ông Đặng Hoàng Long, thành viên của Tổ hợp tác nuôi cá VietGap xã Phú Ngọc, hiện tổ hợp tác có khoảng 30ha ao cá nuôi theo quy trình VietGAP, chủ yếu là sản phẩm cá rô đồng và cá lóc. Trong đó, có hơn 8ha nuôi ứng dụng công nghệ cao cho lợi nhuận hơn 450 triệu đồng/ha, đạt mức cao so với nhiều mô hình sản xuất khác.

Ngoài mô hình nuôi cá nước ngọt, địa phương đang triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh theo kế hoạch phát triển sản xuất tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thực tế các mô hình nuôi tôm càng xanh trên địa bàn H.Định Quán cho thấy, mô hình này mang lại lợi nhuận cao tính trên 1 đơn vị diện tích mặt nước so với các đối tượng nuôi khác. Cụ thể, với giá bán bình quân từ 160-180 ngàn đồng/kg, sản lượng thu hoạch chỉ cần đạt 1,5-3 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, người nuôi có thể đạt lợi nhuận từ 200-250 triệu đồng/ha.

Bình Nguyên

Báo Đồng Nai

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận