Người nuôi lãi lớn
Năm 2022, ông Trần Văn Long (thôn Bình Hội, xã Bình Quế, Thăng Bình) đầu tư 12 bể xi măng (mỗi bể 9m2) để nuôi lươn không bùn. Ở mỗi bể, ông Long thả nuôi 2.000 con lươn giống.
Sau 7 tháng thả nuôi, thu hoạch trung bình 4,2 tạ/bể, tổng cộng hơn 5 tấn lươn, ông Long bán được 800 triệu đồng, thu lãi gần 500 triệu đồng. Ông Long kể, từ năm 2021 đã mua 100 con lươn bố mẹ ở Đồng Nai về tạo giống.
Ông Long đào ao đất để nuôi lươn bố mẹ, khi lươn đẻ trứng, nở lươn con và đạt kích cỡ 500 con/kg (khoảng 3 tháng) thì nuôi lươn thương phẩm. Khi nuôi lươn không bùn ông Long làm các làm các giá thể bằng dây ny lon đen để tạo môi trường sống phù hợp cho lươn.
“Luôn ấp ủ ước mơ làm giàu tại quê hương, nên khi được biết nuôi lươn không bùn cho hiệu quả kinh tế cao, tôi mạnh dạn đầu tư, đến nay đã thành công bước đầu và tôi sẽ mở rộng sản xuất trong năm nay” – ông Long nói.
Còn ông Nguyễn Thành (thôn Bình Phụng, xã Bình Quế, Thăng Bình) đầu tư 5 bể nuôi lươn không bùn và đến nay đã thu lãi ròng gần 40 triệu đồng/vụ/bể.
Ông Thành đã xây dựng hệ thống xử lý nước khép kín; tận dụng các phụ phẩm và dùng phân lươn để nuôi cá trê, tăng thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quế cho biết, các hộ nuôi lươn không bùn dùng thức ăn công nghiệp nên không gây ô nhiễm môi trường, tránh được dịch bệnh, phù hợp với nuôi lươn mật độ cao, không sợ nhiễm chất cấm trong lươn thương phầm, phù hợp tiêu chuẩn VietGAP nên đầu ra ổn định.
Sở NN&PTNT khuyến khích các hộ nuôi lươn không bùn ở cùng địa bàn thành lập hợp HTX, tổ hợp tác, tận dụng chính sách hỗ trợ của tỉnh để nâng cao sản lượng, chất lượng lươn thương phẩm, tạo cơ sở để doanh nghiệp tham gia liên kết bao tiêu đầu ra…
Nhân rộng mô hình
Bà Lương Thị Thủy – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho rằng, nuôi lươn không bùn mở ra hướng đi mới trong nuôi thủy sản, góp phần tái cơ cấu ngành thủy sản.
Nhằm phát triển mạnh nuôi lươn không bùn thay thế nuôi lươn truyền thống, từng bước ổn định năng suất và sản lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường, Trung tâm tranh thủ các nguồn kinh phí hỗ trợ nhân rộng mô hình này ở các địa phương theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với chuỗi liên kết nâng cao giá trị sản phẩm.
Lươn là loài thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao, được ưa chuộng tại các thị trường trong nước và xuất khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Sau khi Sở NN&PTNT tham mưu kế hoạch hỗ trợ nông dân nuôi lươn không bùn quy mô lớn, an toàn dịch bệnh, UBND tỉnh đã thống nhất, chờ Sở Tài chính phân bổ kinh phí để triển khai.
Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho biết, đã xây dựng bộ quy trình kỹ thuật nuôi lươn không bùn để hướng dẫn nông dân áp dụng, tránh rủi ro, kỳ vọng thu được giá trị kinh tế lớn trong thời gian đến.