Tính đến cuối năm 2020, tổng sản lượng cá nước lạnh trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng trên 670 tấn, tăng so với năm 2015 gần 300 tấn.
Bên cạnh việc tăng cường chế biến sâu, minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tạo đầu ra vững chắc trên thị trường, ngành chăn nuôi cá nước lạnh Lào Cai đang thực hiện nhiều giải pháp để phát triển bền vững, khắc phục tận gốc tình trạng phát triển “nóng” và giảm thiểu tổn thương của ngành nghề này trước tác động của biến đổi khí hậu và con người đối với nguồn nước chăn nuôi – điều kiện tiên quyết và sống còn của thủy sản.
* Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai Lê Tân Phong, Lào Cai hiện có khoảng trên 300 cơ sở nuôi cá nước lạnh tập trung chủ yếu ở Sa Pa, Văn Bàn và Bát Xát. Tính đến hết năm 2020, Lào Cai có trên 57.000m3 thể tích bồn bể, chủ yếu là cá hồi vân và cá tầm. Tính đến cuối năm 2020, tổng sản lượng cá nước lạnh trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng trên 670 tấn, tăng so với năm 2015 gần 300 tấn. Các cơ sở nuôi giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.
Nếu như, giai đoạn từ năm 2005 đến 2015, số lượng cơ sở cá nước lạnh phát triển tương đối phù hợp và sản lượng cũng không quá lớn. Song, trong vòng 5 năm gần đây, sự tăng trưởng của quy mô chăn nuôi cũng như sản lượng cá nước lạnh tăng trưởng khá cao so với tiềm năng của Lào Cai. Nhiều hộ nông dân tham gia nuôi cá dẫn đến nguồn nước tự nhiên bị hạn chế, thiếu hụt.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, một trong những thách thức lớn nhất đối với nghề nuôi cá nước lạnh là biến đổi khí hậu mà hậu quả là nhiệt độ nước tăng lên (từ 1,5 đến 2 độC trong 15 năm qua). Các hiện tượng thời tiết cực đoan với hiện tượng nắng nóng, khô hạn kéo dài, tần suất mưa lũ thường xuyên đã, đang và sẽ gây ra tại miền núi những tổn thất vật chất khó lường cho người nuôi cá nước lạnh.
Hơn nữa, các địa bàn có nguồn tài nguyên nước lạnh đủ để chăn nuôi lại là những nơi nguồn tài nguyên nước không dồi dào và phải chia sẻ nguồn uống nước với nhiều ngành nghề khác. Thậm chí như nguồn nước ở Sa Pa phải sử dụng cả cho đô thị, du lịch và các ngành sản xuất khác.
Trước thực trạng đó, quan điểm chiến lược phát triển thủy sản nước lạnh của Lào Cai trong thời gian tới là không tăng nhiều diện tích/thể tích nuôi, thay vào đó là tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất của các cơ sở hiện nay với phương thức nuôi thâm canh, áp dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nguồn nước lạnh.
Trên thực tế, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất đã giúp nhiều nông dân Lào Cai có hướng phát triển thủy sản an toàn, bền vững. Anh Nguyễn Thế Hải ở thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa là điển hình trong việc đi đầu áp dung khoa học công nghệ vào một số khâu trong quá trình nuôi cá hồi, giúp tiết kiệm nguồn nước, tạo nguồn nước sạch và tận dụng chất thải cho việc phát triển nông nghiệp.
Anh Nguyễn Thế Hải cho biết, nuôi cá nước lạnh đòi hỏi nguồn nước sạch, thế nhưng, do có nhiều hộ dân cùng sử dụng chung một nguồn nước dẫn tới ô nhiễm hoặc vào mùa mưa, nước đục, ảnh hưởng đến quá trình nuôi cá. Sau khi nghiên cứu hệ thống lọc tuần hoàn nước của một số nước trong sản xuất cá giống, anh Hải nhận thấy công nghệ này của Phần Lan có nhiều ưu việt, đó là tiết kiệm nước, có thể điều chỉnh nhiệt độ nước phù hợp với từng thời điểm giúp tỷ lệ nở cao.
Ngoài ra, có thể khống chế được dịch bệnh trong quá trình nuôi, chất lượng cá nuôi được đảm bảo và không gây ô nhiễm môi trường do chất thải được xử lý, thu gom trước khi thải ra môi trường bên ngoài.
Vì vậy, năm 2019, anh quyết định đầu tư hệ thống xử lý nước đầu vào cho cơ sở sản xuất gồm: Bể lắng đọng nước với 150 m3, khắc phục nước đục khi trời mưa và các chất thải đầu nguồn nước, nước sau lắng được dẫn vào xử lý qua bể lọc gồm các lớp cát vàng, than… Ngoài ra, phía cuối nguồn, anh Hải xây bể lớn để thu gom chất thải lắng đọng trước khi xả ra môi trường.
Hệ thống lọc nước tuần hoàn đảm bảo nước chảy liên tục trong bể ấp, nước được bơm tái sử dụng qua hệ thống màng lọc, chất lượng nước được kiểm soát các yếu tố thủy lý, thủy hóa, giúp tỷ lệ trứng nở đạt cao… Nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nuôi trồng, nguồn cung từ sản phẩm cá nước lạnh của gia đình anh luôn dồi dào, ít dịch bệnh, nguồn nước tự nhiên được đảm bảo.
* Phòng dịch và quản lý chất lượng
Việc phát triển “nóng” cá nước lạnh không chỉ đe dọa thiếu hụt nguồn nước còn dẫn tới việc khó quản lý chất lượng sản phẩm. Đối với nuôi trồng thủy sản, đặc biệt ở miền núi, các cơ sở nuôi cùng trong một lưu vực mặc dù có độ chênh cốt khác nhau nhưng vẫn sử dụng chung một nguồn nước. Do đó, vấn đề dịch bệnh và quản lý chất lượng sản phẩm thủy sản là điều nan giải khi chỉ cần một hộ ở đầu nguồn có cá bị nhiễm bệnh hay sử dụng thuốc phòng và trị bệnh ngoài danh mục cho phép sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chất lượng sản phẩm của các hộ nuôi ở hạ lưu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết, yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp hiện nay là phải xử lý triệt để các vi phạm trong sử dụng, quản lý vật tư, hóa chất. Để làm được điều đó, Lào Cai tiếp tục tăng cường vai trò, nhiệm vụ của Hội cá nước lạnh. Trên thực tế, chủ của hầu hết cơ sở chăn nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai là người dân tộc thiểu số, người địa phương. Cá nước lạnh trong nhiều năm qua là phương kế cho người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Vì vậy, việc xử lý vi phạm cần được thực hiện một cách mềm mỏng, tuyên truyền giáo dục kết hợp với răn đe. Ngoài việc hướng dẫn kết nạp hội viên Hội cá nước lạnh phải có trách nhiệm hỗ trợ và giúp đỡ các cơ sở nuôi tạo lập được thói quen, hành vi nuôi trồng thủy sản lành mạnh theo đúng cam kết với các cơ quan chức năng. Đối với các hộ cố tình vi phạm, ngành nông nghiệp Lào Cai sẽ yêu cầu các đơn vị cung ứng vật tư từ chối cung cấp con giống, thức ăn… cho cơ sở.
Ngoài ra, việc công khai danh tính các cơ sở vi phạm là cần thiết để khuyến cáo người tiêu dùng nhận diện được những cơ sở nào vi phạm. Lào Cai cũng sẽ tăng cường kiểm tra hướng dẫn các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng có chế biến cá tầm, cá hồi làm thực phẩm có hợp đồng cung cấp thực phẩm an toàn truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không chỉ tạo niềm tin cho người tiêu dùng mà còn mang lại sự công bằng cho các cơ sở nuôi chấp hành đúng quy định. Từ đó, đi đến giảm thiểu và chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thủy sản nói chung và cá nước lạnh nói riêng”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai nhấn mạnh.
Việc xử lý nước đối với các cơ sở nuôi cũng là biện pháp để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh bền vững. Ngành nông nghiệp Lào Cai đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Lào Cai cùng với các địa phương thực hiện các đề tài khoa học áp dụng công nghệ xử lý nước, tiến tới đưa vào quy định bắt buộc đối cơ sở nuôi cá nước lạnh thực hiện để xử lý nước đạt những tiêu chuẩn cho phép mới được xả thải ra môi trường./.
Nguồn: Hương Thu/TTXVN