[Aquaculture Việt Nam] – Ngày 26/4/2020, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Triển khai các giải pháp phát triển Chăn nuôi và Thủy sản trong tình hình mới do Bộ NN&PTNT tổ chức.
Toàn cảnh Hội nghị Triển khai các giải pháp phát triển Chăn nuôi và Thủy sản trong tình hình mới (Ảnh: Phạm Huệ)
Ngành thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức
Phát biểu tại khai mạc Hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy gần như tất cả các chuỗi liên kết, vận chuyển, thị trường, gây ra những khó khăn cho ngành chăn nuôi và ngành thủy sản. Bối cảnh thị trường trên thế giới đã và đang tiếp tục thay đổi, nếu chúng ta không nhanh chóng thích nghi thì rất khó thích ứng kịp với các sân chơi lớn. Ngoài ra, vấn đề biến đổi khí hậu cực đoan, lũ chồng lũ, bão chồng bão, dịch bệnh bùng phát cũng khiến ngành thủy sản phải đối mặt với những thách thức mới. “Đây chính là tình hình xã hội mới mà chúng ta đang đề cập và cần nhanh chóng tìm những biện pháp thích nghi, phát triển. Để làm được điều này, ngành thủy sản cần sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý, doanh nghiệp, các Hiệp hội ngành hàng và các địa phương để đưa ra những phương hướng, giải pháp giải quyết vấn đề”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng, giai đoạn từ năm 2021-2030, ngành thủy sản cần vừa phát triển về chiều rộng, vừa phát triển về chiều sâu để đảm bảo đúng tinh thần tái cơ cấu của ngành nông nghiệp, phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.
Nhận định tình hình chung của ngành thủy sản, ông Trần Đình Luân, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành thủy sản đã hội nhập từ rất sớm và chủ yếu hướng đến thị trường xuất khẩu, mang lại giá trị lớn. Những thay đổi và đứt gãy thị trường đã tạo nên thay đổi trong định hướng tiêu dùng. Tiêu dùng cho nhà hàng ngắt quãng, ngành thủy sản đã phải chuyển hướng tập trung sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu gia đình. Ngoài ra, thời tiết cực đoan như hạn hán xâm nhập mặn vào những tháng đầu năm 2020, và bão lũ những tháng cuối năm gây nhiều bất lợi cho bà con trong việc xuống giống tôm. Ô nhiễm môi trường đã tác động rất nhiều đến hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, nguồn nước bị ô nhiễm khiến các đối tượng nuôi thủy sản ảnh hưởng không nhỏ.
Bên cạnh đó, một vấn đề nóng đang được quan tâm hiện nay chính là giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng cao khiến người nuôi và doanh nghiệp gặp khó. Có những loại thức ăn chỉ tăng nhẹ 3%, nhưng cũng có những loại thức ăn theo báo cáo tăng cao trên 10% tùy đối tượng nuôi. Cụ thể, đối với thức ăn cho tôm thẻ chân trắng và tôm sú có mức tăng từ 1.000 – 1.700 đồng/kg, tăng hơn từ 2,3 – 8,5% so với năm 2020. Những yếu tố này đẩy giá thành sản xuất tăng cao, gây bất lợi cho những đối tượng xuất khẩu vì khó cạnh tranh được với các thị trường khác trên thế giới.
Cần nhanh chóng thay đổi để thích nghi
Với những thách thức trên, ngành thủy sản cần nhanh chóng đưa ra những phương hướng thay đổi, nhanh chóng thích nghi với thị trường, tập trung tối đa hai yếu tố an toàn sinh học và đẩy mạnh liên kết chuỗi. Tổng cục Thủy sản đang gấp rút triển khai đồng bộ nhiều các giải pháp như tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ giúp giảm chi phí sản xuất. Quản lý tốt, giảm thiểu rủi ro thông qua cảnh báo môi trường, dự báo diễn biến tình hình thời tiết giúp người nuôi chủ động ứng phó. Áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, tối ưu hóa tốc độ tăng trưởng đối với đối tượng nuôi trồng thủy sản. Sử dụng những công nghệ mới như công nghệ sinh học, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) giảm, tiết kiệm chi phí thức ăn.
Vấn đề chất lượng con giống, vật tư thủy sản cũng cần được quản lý chặt chẽ. Thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản. Xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
“An toàn sinh học và liên kết chuỗi, hỗ trợ truy xuất được nguồn gốc sản phẩm là hai yếu tố quan trọng hàng đầu trong bối cảnh hiện nay”, Tổng cục Trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh (Ảnh: Phạm Huệ)
Bên cạnh đó, ngành thủy sản sẽ nhanh chóng triển khai các giải pháp đồng bộ kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản, giúp người nuôi ổn định sản xuất, tránh lợi dụng thị trường để tăng giá bất hợp lý. Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tích cực đồng hành, chia sẻ khó khăn với người nuôi trồng thủy sản, không tăng giá thức ăn thủy sản trong bối cảnh hiện tại. Khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận với Hợp tác xã tại các địa phương, cung cấp trực tiếp vật tư đầu vào, tăng cường liên kết hai chiều, chia sẻ rủi ro cùng với bà con nông dân.
Phía các doanh nghiệp cũng đã có những chia sẻ về các giải pháp giúp ngành thủy sản, chăn nuôi đối mặt với tình hình hiện tại. Đại diện phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, dự kiến trong 2 năm tới Dabaco sẽ hướng đến việc tăng 25% sản lượng, với một loạt các dự án lớn tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ninh, Bình Phước, Phú Thọ đang chuẩn bị đi vào hoạt động. Các dự án sẽ hoạt động theo chuỗi khép kín, áp dụng được truy suất nguồn gốc, mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhưng lại giảm về giá thành. Có vậy mới cạnh tranh được với các thị trường lớn. Bên cạnh đó, Dabaco cũng cam kết sẽ luôn đồng hành cùng nhà nước và các bà con nông dân, chia sẻ rủi ro, cân bằng lợi nhuận để người có lợi mà doanh nghiệp cũng không bị lỗ.
Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Ảnh: Phạm Huệ)
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P) cũng có những chia sẻ kinh nghiệm trong việc ổn định sản xuất thức ăn chăn nuôi trong thời điểm giá nguyên liệu tăng cao hiện nay. “C.P Việt Nam hiện đã tăng cường các thiết bị dự trữ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, việc chủ động được nguồn nguyên liệu thời gian này có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp, tránh gián đoạn trong khâu sản xuất, hạn chế việc giá thành thành phẩm bị đội lên cao do ảnh hưởng từ việc tăng giá nguyên liệu”.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (Ảnh: Phạm Huệ)
“Việc áp dụng xuất, nhập nguyên liệu hàng rời đã giúp C.P tiết kiệm được chi phí và thời gian trong khâu logistics. Doanh nghiệp hiện ưu tiên sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước như ngô, đậu tương, bột cá… để chủ động nguyên liệu, không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, từ đó giảm được chi phí sản xuất”, ông Chiến cho biết thêm.
Phạm Huệ