Thứ Ba, 5/09/2023, 11:00

Định danh loài cá trên bộ tem “cá sông Mê Kông”

Tem có hình cá hô (Catlocarpio siamensis Boulenger, 1898), cá đuối bồng (Himantura walga Müller & Henle, 1841), cá tra dầu (Pangasianodon gigas Chevey, 1931) và và cá lăng đỏ (Hemibagrus wyckioides Fang & Chaux, 1949)

Bộ tem “cá sông Mê Kông” được phát hành với hình ảnh chủ đạo là những loài cá nằm trong sách đỏ của Việt Nam và sách đỏ của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), những loài cá này được xếp hạng nguy cấp với nguy cơ tuyệt chủng cao.

Cá lăng đỏ hay còn gọi lấc lăng nha. Ảnh: thdonghoadian
Cá lăng đỏ hay còn gọi lấc lăng nha. Ảnh: thdonghoadian

Điều này có ý nghĩa trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ các loài cá vùng sông Mê Kông nói riêng và các loại động vật hoang dã trên thế giới nói chung.

Cá lăng đỏ hay còn gọi lấc lăng nha, có tên khoa học là Hemibagrus wyckioides (Fang & Chaux, 1949) thuộc họ Bagridae của bộ Siluriformes. Là một loài cá da trơn, có hình dáng giống cá trê, sống ở tầng nước giữa. Vây đuôi có màu trắng khi cá còn nhỏ, nhưng nó sẽ trở thành màu đỏ tươi khi cá đạt đến khoảng 15cm. Cá lăng đỏ là một trong những loài cá lăng lớn nhất trong khu vực châu Á và có thể nặng tới 80 kg, đạt đến một chiều dài 130cm. Hiện nay cá lăng đỏ cũng nằm trong Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của IUCN, được xếp vào hạng nguy cấp.

Cá vồ cờ có tên khoa học là Pangasius sanitwongsei (Smith, 1931), đây là loài cá thuộc họ Cá tra (Pangasiidae) của bộ Cá da trơn (Siluriformes). Loài cá này là cá ăn đáy. Cá được mệnh danh là “thủy quái” trên dòng Mekong vì vóc dáng khổng lồ và sự hung hãn, cơ thể cá trưởng thành có thể dài tới 3,0m và cân nặng lên tới 293kg. Gọi là vồ cờ vì cái vây trên lưng cá vươn cao như ngọn cờ, lúc nó bơi, rẽ sóng như cá mập. Cá vồ cờ nằm trong Danh mục thủy sản quý hiếm và sách đỏ của IUCN, được xếp vào hạng cực kỳ nguy cấp.

Cá hô có tên khoa học là Catlocarpio siamensis (Boulenger, 1898) thuộc họ Cá chép (Cyprinidae), tuy thuộc họ Cá chép, nhưng cá hô không có râu. Là một loài cá có kích thước lớn nhất trong họ Cá chép, có con cá hô dài tới 3m, nặng khoảng 600kg. Ở Việt Nam thỉnh thoảng đánh bắt được con từ 100–200kg. Cá hô nằm trong Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của IUCN, được xếp vào hạng sắp nguy cấp.

Định danh loài cá trên bộ tem “cá sông mê kông”
Tem có hình cá hô (Catlocarpio siamensis Boulenger, 1898), cá đuối bồng (Himantura walga Müller & Henle, 1841), cá tra dầu (Pangasianodon gigas Chevey, 1931) và và cá lăng đỏ (Hemibagrus wyckioides Fang & Chaux, 1949)

Cá đuối bồng có tên khoa học là Himantura walga (Müller & Henle, 1841), là một loài cá đuối có trong họ Dasyatidae, chúng sống trong môi trường nước ngọt và nước lợ. Chúng là một loài cá đuối lớn, có thể đạt kích thước chiều rộng lên đạt đến 2m. Cá đuối bồng nằm trong sách đỏ của IUCN, được xếp vào hạng nguy cấp.

Cá tra dầu có tên khoa học là Pangasianodon gigas (Chevey, 1931): Là một loài cá nước ngọt sống trong vùng hạ lưu sông Mê Kông. Với chiều dài có thể đến 3m và trọng lượng có thể đến 300kg, cá tra dầu có thể xem là loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới được biết đến. Cá tra dầu nằm trong Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của IUCN, được xếp vào hạng cực kỳ nguy cấp (nguy cơ tiệt chủng trong tự nhiên rất cao).

Sông Mê Kông chảy từ Cao nguyên Tây Tạng qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, là nơi nuôi chứa nhiều loài cá nước ngọt có kích thước khổng lồ hơn bất kỳ con sông nào trên thế giới. Những loài cá này được xem là báu vật và biểu tượng của dòng Mê Kông. Theo WWF (Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới), trong danh sách 10 loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới thì sông Mê Kông có 4 loài, sông Amazon ở vị trí thứ nhì với 2 loài. Còn lại sông Mississippi (Mỹ), sông Dương Tử (Trung Quốc), Nile (châu Phi) mỗi nơi có 1 loài, cùng với cá nheo (Wels catfish) nước ngọt phân bố ở cả châu Âu và châu Á.

WWF là một trong những tổ chức phi chính phủ về bảo tồn hàng đầu thế giới, với 5 triệu người ủng hộ và một mạng lưới toàn cầu đang hoạt động trên hơn 100 quốc gia. Nhiệm vụ của WWF là ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường thiên nhiên của trái đất và xây dựng một tương lai trong đó con người sống hoà hợp với thiên nhiên, bằng cách bảo tồn đa dạng sinh học của thế giới, đảm bảo rằng việc sử dụng bền vững những nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng và thúc đẩy việc giảm ô nhiễm và tiêu thụ lãng phí.

Hồng Huyền
Nguồn: tepbac.com

2 thoughts on “Kinh tế tuần hoàn trong thủy sản: Góc nhìn từ ngành tôm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *