Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trên cơ sở kế thừa các quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019, sửa đổi các hành vi không còn phù hợp, bổ sung các hành vi mới được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản được sửa đổi, bổ sung trong thời gian qua.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngày 16/5/2019, Chính phủ ban hành Nghi định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Sau hơn 2 năm áp dụng thi hành Nghị định này đã mang lại một số kết quả đáng ghi nhận trong việc ngăn chặn hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Ủy ban nghề cá châu Âu với mực tiêu gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, cụ thể: Các chức danh có thẩm quyền xử phạt đã tăng cường công tác xử phạt, mức xử phạt được nâng lên cũng phần nào nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc thực thi pháp luật về thủy sản.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 42/2019/NĐ-CP đã xuất hiện một số khó khăn vướng mắc, tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: Mức phạt một số hành vi quy định tại Nghị định này còn cao so với thu nhập của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh với quy mô nhỏ, ngư dân thực hiện khai thác thủy sản với các phương tiện nghề cá nhỏ, do đó cần chia nhỏ mức phạt để phù hợp với các trường hợp này và bảo đảm tính khả thi khi Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành.
Một số hành vi cần phải bổ sung để bảo đảm có căn cứ để xử phạt như: Hành vi cập nhật các thông tin về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản vào cơ sở dữ liệu không đúng, không đầy đủ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng; hành vi không duy trì điều kiện của các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khi đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện; hành vi nhập khẩu giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu, sử dụng thức ăn thủy sản có chứa kháng sinh, chất cấm dùng trong nuôi trồng thủy sản; hành vi sản xuất, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có chứa kháng sinh, chất cấm dùng trong nuôi trồng thủy sản; cơ sở khảo nghiệm thực hiện khảo nghiệm khi không đáp ứng điều kiện theo quy định; nuôi loài thủy sản không có trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; cung cấp thiết bị giám sát hành trình không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định; không thực hiện sửa chữa thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi thiết bị bị hỏng do lỗi kỹ thuật; không báo cáo về việc lắp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; cung cấp kẹp chì hoặc kẹp chì cho thiết bị giám sát hành trình tàu cá không đúng quy định; hành vi tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi đang hoạt động trên biển…
Bên cạnh đó, một số biện pháp khắc phục hậu quả và hình thức xử phạt cần rà soát sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Một số hành vi cần được mở rộng cho nhiều chức danh có thẩm quyền được tiến hành xử phạt để bảo đảm việc vi phạm được giảm thiểu.
Xuất phát từ những lý do trên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ là rất cần thiết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 59 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất những quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể là vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giống thủy sản, thức ăn thủy sản, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, quản lý tàu cá và thuyền viên tàu cá…
Bổ sung thẩm quyền xử phạt
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động thủy sản, dự thảo đã đề xuất quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt của các cơ quan có thẩm quyền và người có thẩm quyền xử phạt hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thẩm quyền xử phạt được phân định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quản lý của từng cơ quan và yêu cầu về chuyên môn trong xử lý các loại hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính.
Quy định về thẩm quyền xử phạt trong dự thảo Nghị định được đề xuất trên cơ sở Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020 trong lĩnh vực thủy sản và Khoản 1, Điều 105 của Luật Thủy sản năm 2017, trong đó có những chức danh được phạt tối đa đến 1 tỷ đồng như: Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thẩm quyền xử phạt của các chức danh cũng được cân nhắc trên cơ sở phân định rõ phạm vi xử phạt vi phạm hành chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao cho các chức danh để có quy định phù hợp.
So với quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, dự thảo Nghị định đã đề xuất bổ sung một số chức danh có thay đổi theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 67/2020/QH14) về mức tiền phạt, các hành vi được xử phạt.
Bổ sung một số chức danh được quyền xử phạt trong lĩnh vực thủy sản như: Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Thủy đoàn trưởng…
Ngoài ra, dự thảo đã đề xuất bổ sung 1 Điều quy định về thẩm quyền xử phạt của Kiểm lâm để bảo đảm các hành vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn được phát hiện và xử lý kịp thời… Cụ thể, theo dự thảo, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm có quyền phạt tiền đến 10 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt nêu trên. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng, Đội trưởng Đội Kiểm lâm đặc nhiệm thuộc Cục Kiểm lâm có quyền phạt tiền đến 50 triệu đồng; Cục trưởng Cục Kiểm lâm có quyền phạt tiền đến 1 tỷ đồng.
Tuệ Văn
Nguồn: Báo Chính Phủ