(Aquaculture.vn) – Cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn, hạn chế dịch bệnh, giảm được các yếu tố gây ô nhiễm môi trường là những đóng góp quan trọng của công nghệ biofloc trong việc tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản hiện nay. Không những thế, công nghệ này còn đảm bảo tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, nâng cao hiệu quả sử dụng nước và giảm sự ảnh hưởng của những diễn biến thời tiết cực đoan.
Đó là thông điệp chính trong phiên hội thảo chủ đề: “Công nghệ Biofloc trong nuôi trồng thủy sản” do Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với trường Đại học Chiang Mai (Thái Lan) tổ chức, được tài trợ bởi “Lancang – Mekong Cooperation Special Fund, China” và “Program Management Unit for Competitiveness (PMUC), Thailand”, nhằm giúp ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) vùng Đồng bằng sông Mekong phát triển theo hướng bền vững.
Tại Hội thảo, PGS. TS Đoàn Văn Hiến, Đại học Chiang Mai, Thái Lan đã có những chia sẻ về ứng dụng công nghệ biofloc trong NTTS. Theo PGS. TS Đoàn Văn Hiến, công nghệ biofloc là quá trình tự Nitrat hóa trong ao nuôi thủy sản không cần thay nước. Biofloc tập hợp một khối các chất hữu cơ lơ lửng trong nước như các loại tảo đơn bào, tảo đa bào, phân, thức ăn dư thừa, xác vi sinh vật, vi khuẩn và kể cả động vật không xương sống,… Biofloc có khả năng đồng hóa các loại chất thải hữu cơ chuyển thành sinh khối của vi khuẩn trong thời gian rất ngắn, nhằm cải thiện môi trường nước mà không cần ánh sáng như các loại tảo. Biofloc có hàm lượng chất dinh dưỡng cao và trở thành loại thức ăn cho tôm, cá. Biofloc chính là nguồn vitamin và khoáng chất rất tốt cho động vật thủy sản. Cùng với đó, PGS.TS Đoàn Văn Hiến cũng đã giới thiệu về một số mô hình nuôi trồng thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ biofloc tại một số quốc gia như Lào, Thái Lan.
Những vấn đề người nuôi thủy sản cần quan tâm
Hiện nay, nhu cầu thủy sản trên thế giới ngày càng tăng, sản lượng thủy sản cũng tăng lên để đáp ứng kịp với nhu cầu. Việc tăng trưởng quá nhanh đã kéo theo nhiều hệ lụy cho ngành thủy sản như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh bùng phát khó kiểm soát…
Cá, tôm được cho ăn lượng thức ăn khổng lồ, nhưng có đến 70-80% bị tồn lại trong ao nuôi làm cho môi trường nước ao chứa nhiều chất dinh dưỡng. Điều này dẫn tới hệ quả là lãng phí một lượng lớn kinh phí cho thức ăn thủy sản. Tạo ra dư lượng độc hại (Sulphide, Amoniac,…) tích tụ. Dẫn tới khả năng tăng trưởng của cá, tôm bị ảnh hưởng. Việc nuôi mật độ cao bị hạn chế.
Để giải quyết vấn đề trên, nhiều giải pháp đã được nhắc tới như nuôi mật độ thấp, ứng dụng RAS công nghiệp hay ứng dụng công nghệ biolfoc. Theo nhận định từ PGS. TS Đoàn Văn Hiến, việc nuôi mật độ thấp sẽ khó đáp ứng được giá trị về kinh tế cho người nuôi, khó nâng cao sản xuất. Đối với nuôi theo mô hình công nghiệp ứng dụng RAS khá tốn kém. Bởi vậy, theo PGS. TS Đoàn Văn Hiến, biofloc được đánh giá là công nghệ phù hợp nhất tại thời điểm hiện nay.
“Vấn đề lớn nhất trong NTTS hiện nay là dịch bệnh, nguồn thức ăn (70-80% vốn đầu tư), con giống (đặc biệt là tôm). Dự án giữa Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Chiang Mai sẽ tập trung giải quyết 3 vấn đề trên thông qua việc ứng dụng công nghệ biofloc. Biofloc là một công cụ để góp phần phát triển NTTS bền vững. Kết hợp giữa biofloc và các phụ phẩm làm giảm lượng thức ăn, hạn chế dịch bệnh trong NTTS”, PGS. TS Đoàn Văn Hiến chia sẻ.
Hiểu về biolfoc để ứng dụng thành công
Theo chia sẻ từ PGS. TS Đoàn Văn Hiến, công nghệ biofloc giúp hạn chế việc trao đổi nước, 5% lượng nước sẽ được thay mỗi tuần, điều này giúp người nuôi tiết kiệm lượng nước khá lớn. Kết hợp sử dụng máy sục khí để hòa tan các chất thải trong nước để các vi sinh vật trong ao sử dụng được, nhân khối lượng vi sinh vật trong ao nuôi lên, sẽ sử dụng thức ăn thừa và phân, làm cho nước nuôi sạch hơn.
Thông thường, trong ao có đủ nitơ để sản xuất tế bào mới. Nhưng trong quá trình nuôi, người nông dân có thể bổ sung các nguyên liệu giàu carbon và nghèo protein (carbohydrate, CH), chẳng hạn như tinh bột hoặc xenlulozơ (bột mì, mật đường, sắn,…). Khi đó, cần phải bổ sung thêm nitơ cho môi trường nước nuôi, đảm bảo tỷ lệ C/N cao hơn 10. Vi khuẩn sẽ lấy nitơ từ nước và kiểm soát chất lượng nước.
Bioflocs được tạo thành từ vi khuẩn, động vật nguyên sinh,…. Thông thường, đường kính của chúng là 0,1-2 mm. Để tạo biofloc, đầu tiên cần thêm nước vào bể. Bổ sung 50 kg muối vào mỗi bể. Bổ sung mật đường với lượng 1 kg/bể/2 ngày. Thêm thức ăn cho tôm (hoặc nguồn nitơ khác) với tỷ lệ 0,2 kg/bể. Chế phẩm sinh học (PondPlus): 0,01 kg/bể/7 ngày. Sục khí: 24 giờ.
Để phát triển hệ thống biofloc có thể mất vài tuần, tùy thuộc vào sinh khối. Ban đầu, tảo sẽ phát triển, giai đoạn tiếp theo chuyển sang màu nâu. Quá trình chuyển đổi này sẽ diễn ra nhanh đối với cá rô phi và lâu hơn với tôm. Tiến hành bổ sung thêm carbon nếu TAN trên ~2 mg/l. Việc bổ sung thêm đất sét, cám lúa mì,… làm hạt giống cho quá trình hình thành biofloc. Và điều quan trọng nhất là nên sử dụng nguồn nước tái chế từ ao nuôi biofloc có kết quả tốt trước đó.
Việc phát triển hệ thống biofloc sẽ trải qua 5 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Đã tìm thấy hạt biofloc nhưng không thể đo lường được (chủ quan)
- Giai đoạn 2: Khối biofloc được tìm thấy với số lượng nhỏ, < 1,0 ml/lít
- Giai đoạn 3: Khối biofloc được tìm thấy nhiều, 1,0 – 5,0 ml/lít
- Giai đoạn 4: Khối biofloc phát triển nhiều, 5,1 – 10,0 ml/lít
- Giai đoạn 5: Khối biofloc được tìm thấy nhiều, > 10,1 ml/lít
Hàm lượng tổng C/N đóng vai trò quan trọng, cần giữ cho tỷ lệ C/N ở mức ~15-25. Điều chỉnh theo hàm lượng TAN và CO2. Tiến hành xả bùn 1-2 lần/ngày đối với ao nuôi cá rô phi và xả bùn hàng tuần đối với ao nuôi tôm.
Theo PGS. TS Đoàn Văn Hiến, điều quan trọng nhất là người nuôi cần giám sát và lưu lại các chỉ số ao nuôi thường xuyên để có thể kịp thời điều chỉnh khi có sự thay đổi.
Có thể thấy ứng dụng biofloc trong NTTS giúp giải quyết nhiều vấn đề. Theo PGS. TS Đoàn Văn Hiến, công nghệ biofloc đáp ứng tiêu chí an toàn sinh học rất tốt, không có sự xuất hiện của WSSV trong môi trường nước. Hệ thống nuôi không thay nước hoặc thay nước rất ít trong toàn bộ quá trình nuôi. Năng lực sản xuất được đánh giá tăng từ 5-10%, kích thước phát triển của tôm cao hơn khoảng 2,0g so với hệ thống nuôi thông thường. FCR thấp (từ 1,0 đến 1,3). Tiết kiệm từ 15-10% chi phí sản xuất cho vụ nuôi.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Đoàn Văn Hiến, công nghệ này cũng bộc lộ một số nhược điểm cần được khắc phục như tiêu tốn điện năng. Hệ thống phải đáp ứng duy trì nguồn điện 24/24, việc ngắt nguồn điện trong một vài giờ có thể gây ra những sự cố nghiêm trọng. Bên cạnh đó, để ứng dụng được công nghệ yêu cầu các ao nuôi phải lót bạt hoàn toàn bằng nhựa HDPE hoặc tối thiểu là bán HDPE. Việc vận hành ao nuôi cũng đòi hỏi nhân sự có kỹ thuật và được đào tạo bài bản.
“Để khắc phục những vấn đề trên, rất cần sự quan tâm và hỗ trợ từ phía Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ về giá điện, giúp người nuôi giảm giá thành sản xuất”, PGS. TS Đoàn Văn Hiến đề xuất.
Kết thúc buổi hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về những ưu, nhược điểm khi ứng dụng công nghệ này tại Việt Nam. Hội thảo kỳ vọng sẽ mang lại nhiều kỹ thuật thực tế cho người sản xuất, cũng như cải thiện cách nuôi trồng truyền thống, phát triển theo hướng bền vững.
Phạm Huệ