Thứ Hai, 29/05/2023, 13:30

Các quốc gia sản xuất cá rô phi lớn trên thế giới

Cá rô phi

(Aquaculture.vn) Theo FAO 2022, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất cá rô phi (1.241.410 tấn), tiếp theo là Indonesia (1.172.633 tấn), Ai Cập (954.154 tấn), Brazil (343.596 tấn) và Thái Lan (205.971 tấn).

Cá rô phi

Trung Quốc

Ngành cá rô phi của Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1960, bước vào thời kỳ phát triển nhanh sau những năm 1990, bắt đầu chậm lại vào năm 2008 và bước vào giai đoạn ổn định từ năm 2015-2018, với sản lượng ổn định khoảng 1,58 triệu tấn.

“Trong những thập kỷ gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, với sự xuất hiện của nhiều giống nuôi trồng thủy sản mới. Mức sống và thu nhập của người dân đã được cải thiện, cá rô phi đã trở thành một mặt hàng rẻ ở Trung Quốc.” Michael Zheng, giám đốc sản phẩm, Skretting China, cho biết.

“Trong tương lai, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ chuyển hướng nuôi các loài cá có giá trị cao hơn và Trung Quốc sẽ là thị trường cho các sản phẩm nuôi trồng thủy sản cao cấp. Người tiêu dùng giàu có ở Trung Quốc đã trở nên khắt khe hơn khi nói đến những kỳ vọng của họ về tính bền vững và chất lượng của thực phẩm mà họ tiêu thụ. Do đó, chúng tôi đang nhận thấy mối quan tâm ngày càng tăng đối với việc quản lý sức khỏe cá, các công cụ chẩn đoán và vaccine.” Ben North, giám đốc kỹ thuật tại Pharmaq thuộc Zoetis cho biết.

Hideyoshi Segovia Uno, giám đốc của Benchmark Genetics Tilapia cho rằng: “Trong tương lai, Trung Quốc có thể phải đối mặt với những thách thức liên quan đến tính bền vững của môi trường, quản lý dịch bệnh và nhu cầu của thị trường quốc tế đối với các sản phẩm được chứng nhận và chất lượng cao hơn”.

Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu cá rô phi lớn nhất. Tuy nhiên các nhà cung cấp thay thế ở Đông Nam Á và Mỹ Latinh đã tăng cường xuất khẩu, gây bất lợi cho Trung Quốc. Đồng thời, chịu tác động của việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với cá rô phi Trung Quốc, kết hợp với những thách thức hậu đại dịch COVID-19 và việc tái sử dụng đất ở các vùng sản xuất chính, thời kỳ hoàng kim của cá rô phi Trung Quốc có thể dần kết thúc (FAO,2022).

Indonesia

Trong khi sản lượng cá rô phi của Trung Quốc đang chậm lại thì Indonesia đang trên đà tăng trưởng ổn định với phần lớn sản lượng cá rô phi được sản xuất cho thị trường nội địa.

“Khoảng 1,2 triệu tấn cá rô phi được sản xuất vào năm 2022, Indonesia dự kiến ​​sẽ sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn trong năm nay. Ở tất cả các nước sản xuất cá rô phi, kiểm soát dịch bệnh là một thách thức chính. Do đó, ngành nuôi cá rô phi của Indonesia cần có các công cụ phù hợp để thực hành quản lý sức khỏe cá rô phi nhằm duy trì tăng trưởng bền vững.” Yoav Rosen, giám đốc tiếp thị toàn cầu ADM Animal Nutrition chia sẻ.

Ai Cập

Ai Cập đã nuôi cá rô phi trong nhiều thế kỷ và sản xuất bị đình trệ. Những bước phát triển quan trọng chính cho phép sự phát triển của ngành dựa trên sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, giới thiệu các giống cải tiến, áp dụng công nghệ, sự phát triển của ngành thức ăn chăn nuôi trong nước và nhu cầu trong nước và khu vực ngày càng tăng. Phần lớn sản lượng cá rô phi ở Ai Cập đến từ các nhà sản xuất quy mô nhỏ, sản xuất với chi phí thấp và số lượng lớn.

“Cách tiếp cận này cho phép họ cạnh tranh trên thị trường và đáp ứng nhu cầu địa phương. Tuy nhiên, nó cũng có thể hạn chế việc áp dụng các công nghệ và phương pháp quản lý mới có thể cải thiện tính bền vững và lợi nhuận lâu dài. Có thể có cơ hội cải thiện thông qua cải tiến hơn nữa về di truyền, an toàn sinh học, áp dụng các phương pháp tốt nhất và khuyến khích quá trình giá trị gia tăng để tăng khả năng cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và quốc tế,” Segovia Uno tuyên bố.

Brazil

Mỹ Latinh hiện là khu vực sản xuất cá rô phi phát triển nhanh nhất. “Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi Brazil với tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) là 8,3” Rosen nói.

Brazil có tiềm năng lớn để mở rộng sản xuất cá rô phi nhờ khí hậu thuận lợi, nguồn nước dồi dào và thị trường nội địa đang phát triển. Simon Hill, phát triển kinh doanh cao cấp tại Trung tâm Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản (CAT) cho biết: “Brazil có nhiều kinh nghiệm trong nuôi thương mại các loài khác, khả năng tiếp cận tốt với thức ăn chất lượng cao được sản xuất tại địa phương, các nhà cung cấp di truyền chuyên nghiệp tại địa phương và nguồn nước ngọt dồi dào”

Segovia Uno cho biết: “Các dự đoán tương lai cho thấy việc tiếp tục mở rộng nuôi cá rô phi ở Brazil, với sự tập trung ngày càng tăng vào tính bền vững và nuôi trồng có trách nhiệm, bao gồm việc áp dụng các phương pháp nuôi thân thiện với môi trường, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy cải thiện di truyền và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học mạnh mẽ.”

Terje Tingbo, người đứng đầu bộ phận phát triển thương mại cá rô phi tại PHARMAQ thuộc Zoetis cho biết. “Các yếu tố chính để thành công là năng lực, giống, dinh dưỡng, quản lý sức khỏe cá, phòng ngừa và quy định của chính phủ, các yếu tố này giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết lập thị trường xuất khẩu để cải thiện tỷ suất lợi nhuận và cho phép đầu tư hơn nữa vào các công nghệ bền vững.”

Châu Phi cận Sahara

Cá rô phi hiện là loài cá được nuôi nhiều nhất ở châu Phi cận Sahara. “Tuy nhiên, so với Trung Quốc, Ai Cập và Brazil, sản lượng cá rô phi vùng cận Sahara vẫn còn thấp. Một số quốc gia đang dẫn đầu về sản lượng cá rô phi ở vùng cận Saharan châu Phi, chẳng hạn như Ghana. Kenya và Uganda đang bắt đầu tăng sản lượng của họ và các nhà đầu tư mới.

“Thị trường cá rô phi của châu Phi cận Sahara có tiềm năng tăng trưởng đáng kể nhưng phải đối mặt với những thách thức như hạn chế cơ sở hạ tầng, đầu tư, lao động lành nghề và phát triển chuỗi cung ứng. Mô hình phát triển phù hợp nhấn mạnh các nguồn lực địa phương và sự tham gia của cộng đồng có thể thúc đẩy tăng trưởng bền vững,” Segovia Uno cho biết.

“Cần có sự hỗ trợ ở cấp chính phủ cho ngành để khuyến khích tiếp cận thức ăn chăn nuôi chất lượng cao, di truyền học và sức khỏe ở khu vực châu Phi cận Sahara. Một cách tiếp cận hợp tác nên được áp dụng và các rào cản đối với việc vận chuyển nguyên liệu thô – bao gồm cả di truyền học – qua biên giới quốc tế ở Châu Phi nên được giảm thiểu,” Hill chia sẻ.

“Trong những thập kỷ tới, nhu cầu về protein động vật sẽ tăng lên, đặc biệt là ở châu Phi. Chính phủ các nước châu Phi đang thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản vì họ muốn chủ động và ít phụ thuộc vào nhập khẩu hơn. Không nhất thiết phải cần các trang trại quy mô lớn để sản xuất khối lượng cá lớn. Nigeria là một ví dụ điển hình về quy mô nhỏ sản xuất một lượng lớn cá cho tiêu dùng địa phương.” Tanja van Dongen, nhà quản lý loài nước ngọt tại Nutreco Middle-East & Africa Expo, kết luận.

Việt Nam

Năm 2019, Việt Nam đứng vị trí thứ 8 trong các quốc gia có sản lượng cá rô phi lớn của thế giới, với hơn 200.000 tấn/năm. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu cá rô phi của nước ta chiếm thị phần rất nhỏ (khoảng 15 triệu USD/năm).

Cả nước hiện có 255 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá rô phi, trong đó có 65 cơ sở nuôi giữ đàn cá bố mẹ với khoảng 950.000 cá thể, sản xuất được khoảng trên 1,1 tỷ cá rô phi bột, trên 600 triệu cá rô phi giống, số lượng giống này đáp ứng được 75% nhu cầu nuôi trồng hiện nay, phần còn lại được nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sản lượng cá rô phi tại Việt Nam xuất khẩu chưa cao. Trong đó, yếu tố giống đóng vai trò quan trọng. Người nuôi, doanh nghiệp cá rô phi Việt Nam đánh giá, hiện thiếu cá giống chất lượng cao, sinh trưởng chậm, tỷ lệ fillet còn thấp và tính kháng bệnh chưa cao. Bên cạnh đó, thị trường sản xuất cá rô phi còn manh mún, thường được nuôi ghép với các đối tượng cá nước ngọt khác, công tác quản lý thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học… phục vụ nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi cá rô phi nói riêng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, giá cá nguyên liệu cao hơn khoảng 20 – 30 cent/kg so với Trung Quốc.

“Việt Nam có những thách thức chung với Trung Quốc như quản lý dịch bệnh, tính bền vững của môi trường và nhu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Việc tập trung chủ yếu vào các đặc điểm tăng trưởng có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được, chẳng hạn như giảm đề kháng, tăng khả năng mắc bệnh. Hideyoshi Segovia Uno, giám đốc của Benchmark Genetics Tilapia, cho biết: “Việc xem xét nhiều đặc điểm, bao gồm khả năng kháng bệnh, khả năng chịu đựng căng thẳng và hiệu quả sử dụng thức ăn, là các yếu tố quan trọng quyết định sự thàng công lâu dài.”

Để cá rô phi trở thành đối tượng nuôi chủ lực, theo các chuyên gia, cần chủ động được nguồn con giống chất lượng cao, mở rộng sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến để sản phẩm đảm bảo chất lượng đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ và mặt hàng, đồng thời giảm giá thành sản xuất thức ăn nuôi trồng nhằm hạ giá thành sản phẩm.

Thu Hiền (Theo Hatcheryfm.com)

2 thoughts on “Kinh tế tuần hoàn trong thủy sản: Góc nhìn từ ngành tôm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *