Chủ Nhật, 2/05/2021, 0:18

Năm 2021: Sản lượng cá tuyết tăng, sản lượng cá minh thái Alaska ít biến động

Các dự báo cho thấy cá tuyết Đại Tây Dương tăng 11% vào năm 2021, trong khi lượng cá minh thái Alaska cập cảng sẽ tương đương năm 2020. Hiện tại, sự thiếu hụt nguyên liệu thô để chế biến surimi có thể đẩy giá lên. Tại thị trường Hoa Kỳ, giá có thể tăng do xung đột thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc được dự đoán là ​​còn kéo dài.

 

Nguồn cung

Vào tháng 10 năm 2020, Diễn đàn Cá đáy (the Groundfish Forum) đã đưa ra dự báo về lượng cá đáy cập cảng năm 2021. Tổng nguồn cung cá đáy dự kiến ​​sẽ tăng 4,3% lên 7,6 triệu tấn, bao gồm tất cả 09 loài cá thương mại chính, có thịt trắng, như sau: (1) cá tuyết Đại Tây Dương (Atlantic cod); (2) cá tuyết Thái Bình Dương (Pacific cod); (3) cá tuyết haddock (loài cá đáy, có màu xám bạc, sống ở vùng ven biển Bắc Đại Tây Dương); (4) cá hoki; (5) cá minh thái Alaska (Alaska pollock); (6) cá hake (loài cá có dáng thuôn dài, đầu lớn với hàm răng dài chắc khỏe); (7) cá saithe (là một loài cá minh thái); (8) cá đỏ Đại Tây Dương (Atlantic redfish) và (9) cá lăng phương Nam (southern blue whiting).

Dự kiến ​​mức tăng lớn nhất đối với hai loài cá tuyết Đại Tây Dương và cá tuyết haddock. Cá tuyết Đại Tây Dương dự kiến ​​sẽ tăng 11,1% lên 1,251 triệu tấn, trong khi cá tuyết haddock có nhiều khả năng sẽ tăng 9,8% lên 360.000 tấn. Hầu hết sự gia tăng sản lượng cập cảng cá tuyết Đại Tây Dương sẽ xảy ra ở Na Uy và Liên bang Nga; Trái lại, khối lượng cập cảng ở Iceland dự kiến ​​sẽ giảm. Đối với cá tuyết haddock, mức tăng cũng sẽ diễn ra ở Na Uy, Liên bang Nga và Châu Âu; trong khi sản lượng cập cảng ở Hoa Kỳ và Canada dự kiến ​​sẽ giảm.

(Ảnh minh họa)

Sản lượng khai thác cá tuyết Thái Bình Dương sẽ giảm 7,8% xuống còn 365.000 tấn. Phần lớn sự sụt giảm này có liên quan đến việc giảm lượng cập cảng của Mỹ và Canada (từ 160.000 tấn năm 2020 xuống còn 119.000 tấn năm 2021), trong khi sản lượng khai thác của Nga dự kiến ​​sẽ tăng 6,4% lên 182.000 tấn. Loài lớn nhất, cá minh thái Alaska, dự kiến ​​sẽ tăng 3,8% lên 3,6 triệu tấn.

 

Trên thực tế, tất cả sự tăng trưởng này đều có liên quan đến Liên bang Nga, quốc gia dự kiến ​​sẽ khai thác được 1,9 triệu tấn cá minh thái Alaska vào năm tới. Sản lượng đánh bắt ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác dự kiến ​​sẽ vẫn ổn định. Sản lượng khai thác cá hake dự kiến ​​tăng từ 1,173 triệu tấn vào năm 2020 lên 1,207 triệu tấn vào năm 2021. Tất cả các quốc gia khai thác chính loài cá này sẽ có mức tăng khiêm tốn. Đây chỉ là thông tin dự đoán. Hạn ngạch và sản lượng cập cảng thực tế có thể sẽ diễn ra hơi khác.

Na Uy và Liên bang Nga đã đạt được thỏa thuận về hạn ngạch 2021 cho cá tuyết Đông Bắc Đại Tây Dương (northeast Atlantic cod) với tổng số 885.600 tấn, tăng 20% ​​so với năm 2020. Trong đó, Na Uy sẽ được phân bổ 397.635 tấn (xấp xỉ 45%), Liên bang Nga và các nước thứ ba chiếm phần còn lại.

Hội đồng Quản lý Nghề cá Bắc Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (US North Pacific Fishery Management Council – NPFMC) đã khuyến cáo giảm tổng sản lượng đánh bắt cho phép (total allowable catch – TAC) của cá minh thái Alaska năm 2021 xuống mức 1,375 triệu tấn, giảm 3,5% so với năm 2020. Bộ Thương mại Hoa Kỳ (US Department of Commerce – USDC) sẽ đưa ra quyết định chính thức sau. Thực tế thì, rất hiếm khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ không tuân theo các khuyến nghị của Hội đồng Quản lý Nghề cá Bắc Thái Bình Dương Hoa Kỳ.

 

Mùa vụ B năm 2020 đối với cá minh thái Alaska đã kết thúc với sản lượng thấp hơn so với năm 2019. Người ta ước tính rằng đội tàu chỉ đánh bắt được khoảng 94-95% trong tổng số 757.651 tấn hạn ngạch được phân bổ cho vụ B, kéo dài từ ngày 10 tháng 6 đến ngày 31 tháng 10 năm 2020. So với vụ B năm 2019, sản lượng phi lê đã giảm 33.800 tấn, xuống 156.940 tấn. Sản lượng surimi giảm 11% xuống 176.930 tấn. Mức giảm lớn nhất được ghi nhận đối với philê rút xương (pin-bone out – PBO), giảm 37% xuống 52.300 tấn. Sản lượng philê bỏ da (deepskin fillets) giảm 10% xuống 28.500 tấn. Mặt khác, sản lượng cá xay đóng khối (minced block) tăng 48% lên 18.100 tấn.

Thị trường

Hiệp hội các nhà sản xuất cá minh thái Alaska (the Association of Genuine Alaska Pollock Producers – GAPP) đang đẩy mạnh nỗ lực tiếp thị ở Châu Âu. Trong khi nguồn cung cá tuyết dự kiến ​​sẽ tăng 11% vào năm 2021 thì theo một số nhà quan sát, nhu cầu cá tuyết sẽ yếu đi (do hậu quả của đại dịch COVID-19), do đó giá có thể giảm. Tuy nhiên, có những điều chưa thật chắc chắn về điều này. Vì một số bộ phận trong chuỗi phân phối giao hàng tận nhà đã tăng trưởng mạnh (trong thời gian xảy ra đại dịch) và điều này sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ thực tế trên thị trường lớn hơn nhiều so với dự đoán ban đầu. Các nhà quan sát khác đã chỉ ra rằng, năm 2020, ngành cá thịt trắng (whitefish) đã tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp đại dịch COVID-19. Người tiêu dùng đã chuyển từ cá tươi và tiêu thụ tại nhà hàng sang mặt hàng cá đông lạnh với các bữa ăn chế biến tại nhà, cũng như sử dụng các sản phẩm ăn liền mẫu mã mới đã được giới thiệu bởi các chuỗi siêu thị như 7-Eleven.

(Ảnh minh họa)

Thương mại

Na Uy đã có nhiều năm liên tục tăng xuất khẩu cá thịt trắng. Nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến điều này bị tạm dừng. Xuất khẩu cá tuyết đông lạnh ít nhiều vẫn giữ vững, nhưng cá tuyết tươi và các sản phẩm chế biến như cá klipfish (cá tuyết ướp muối và sấy khô) tiếp tục giảm. Năm 2020, xuất khẩu cá tuyết nguyên con đông lạnh của Na Uy ổn định trong 9 tháng đầu năm ở mức 40.600 tấn. Tất cả các thị trường chính nhập khẩu cá tuyết nguyên con đông lạnh của Na Uy trong 9 tháng đầu năm 2020 đều giảm xuống: Trung Quốc giảm 18%, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland giảm 11,1%, Lithuania giảm 27,8%. Trái lại, xuất khẩu sang các nước khác đã tăng 32,2%.

 

Xuất khẩu cá minh thái Alaska nguyên con đông lạnh của Nga trong 9 tháng đầu năm 2020 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Cho đến nay, Trung Quốc, nhà nhập khẩu lớn nhất cá minh thái Alaska nguyên con đông lạnh của Nga (chiếm 78,5%). Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2020, đã nhập khẩu giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi các nhà nhập khẩu lớn khác đã tăng lượng hàng nhập khẩu từ Liên bang Nga.

Nhập khẩu cá minh thái Alaska nguyên con đông lạnh của Trung Quốc giảm 7,4% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Nhà cung cấp lớn nhất, Liên bang Nga, chiếm hơn 95% trong tổng số, đã giảm lượng xuất khẩu sang Trung Quốc 5% năm 2020. Trong khi, nhập khẩu từ Hoa Kỳ giảm mạnh (gần 35%) và từ Nhật Bản  giảm 21,6%. Những mặt hàng nhập khẩu này chủ yếu được chế biến tại Trung Quốc và sau đó tái xuất. Xuất khẩu philê cá minh thái Alaska đông lạnh của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2020 cũng giảm 27,4%. Các lô hàng đến Đức đã giảm gần 34% và đến Hoa Kỳ giảm 30%. Nhập khẩu cá tuyết nguyên con đông lạnh của Trung Quốc cũng giảm 10,4%. Và tương ứng, xuất khẩu philê cá tuyết đông lạnh của Trung Quốc đã giảm 15,3%.

Nhập khẩu cá tuyết đông lạnh của EU từ Liên bang Nga tăng 5% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, giá lại giảm 22%.

Trong thời gian tới, người tiêu dùng Mỹ sẽ vẫn cảm nhận được ảnh hưởng tiêu cực của cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung. Vào ngày 1 tháng 1 năm 2021, ít nhất 10 mặt hàng thủy sản từ Trung Quốc (bao gồm cả philê cá tuyết haddock đông lạnh) đã không được miễn thuế 25% tại thị trường Hoa Kỳ. Do đó, khoản chi phí đội lên do thuế sẽ được chuyển sang người tiêu dùng Hoa Kỳ. Dường như các mức thuế này sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của chính quyền Hoa Kỳ trong những tuần hoặc những tháng đầu năm 2021. Vì vậy, mức thuế 25% sẽ tiếp tục được áp dụng đối với một số sản phẩm thủy sản của Trung Quốc trong một thời gian.

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới áp đặt các rào cản thương mại. Liên bang Nga sẽ kéo dài lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm, bao gồm cả hải sản, từ một số nước phương Tây. Lệnh cấm vận đã có hiệu lực từ năm 2014 và khả năng sẽ kéo dài ít nhất là đến hết năm 2021.

Surimi

Đại dịch COVID-19 đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm surimi (do việc đóng cửa các cửa hàng dịch vụ thực phẩm). Các sản phẩm surimi rất dễ chế biến, và do đó rất phù hợp với những người tiêu dùng không biết nhiều về cách thức chế biến hải sản. Tuy nhiên, ở châu Âu, nhu cầu surimi đã giảm vào tháng 3 và tháng 4 khi bắt đầu đại dịch, nhưng sau đó đã tăng trở lại. Nguồn cung cấp hiện đang trở thành một vấn đề đáng quan tâm. Sản lượng của Hoa Kỳ trong nhiều năm qua vào khoảng 200.000 tấn mỗi năm, nhưng năm 2020 có vẻ như thấp dưới 180.000 tấn. Đồng thời, sản xuất ở Đông Nam Á cũng giảm. Thái Lan, từng sản xuất khoảng 150.000 tấn mỗi năm, nay sụt mạnh còn khoảng 50.000 tấn. Do đó, giá surimi có thể tăng lên. Các nhà sản xuất hiện đang mong chờ mùa A tốt đối với cá minh thái Alaska ở Hoa Kỳ, bắt đầu từ tháng 1 năm 2021.

Giá cả

Một trong những lý do khiến người ta mất thời gian và chi phí để có được chứng chỉ MSC là do kỳ vọng có thể đặt giá cao hơn trên thị trường. Nhưng các nhà khai thác của Nga hiện tin rằng chênh lệch giá giữa thủy sản được chứng nhận MSC và không được chứng nhận sẽ thu hẹp trong năm 2021 vì họ không tin rằng người tiêu dùng quan tâm quá mức đến vấn đề này. Sự thiếu hụt các khối phi lê được chứng nhận MSC (MSC certified fillet blocks) có thể sẽ vẫn như hiện tại, vì Công ty Thủy sản Nga (the Russian Fishery Company) đã bị loại khỏi nhóm khách hàng MSC của Nga. Ngược lại, sẽ có sự gia tăng nguồn cung các khối hải sản không được chứng nhận (non-certified blocks), gồm cả đông lạnh đơn và đông lạnh kép. Giá cá tuyết, vốn có xu hướng tăng kể từ giữa năm 2018, dường như đã chững lại vào năm 2020.

Dự báo

Nguồn cung cá đáy sẽ tăng nhẹ vào năm 2021, cá tuyết Đại Tây Dương và cá tuyết haddock sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, điều này có ảnh hưởng nhiều đến giá cả hay không vẫn còn chưa chắc chắn, vì hậu quả của đại dịch COVID-19 trên thị trường vẫn chưa rõ ràng. Đã có một số thay đổi quan trọng trong sở thích của người tiêu dùng kể từ sau khi đại dịch xuất hiện, chẳng hạn như sự phát triển trong lĩnh vực kinh doanh giao hàng tận nhà (home delivery) và đến mua-mang đi (take-out). Không thể đoán biết xu hướng này có tiếp tục sau đại dịch hay không; liệu những thói quen mua hàng này có được duy trì hay không.

Hội đồng Hải sản Na Uy (Norwegian Seafood Council – NSC) đã cảnh báo rằng, năm 2021 có thể là một năm khó khăn đối với lĩnh vực đánh bắt cá biển. NSC trích dẫn 05 lý do chính cho điều này: Hạn ngạch tăng, cuộc khủng hoảng COVID-19, Brexit, mô hình thương mại thay đổi và sự không chắc chắn về chứng chỉ MSC. Hạn ngạch lớn hơn và lượng hàng cập cảng tăng rõ ràng sẽ gây áp lực lên giá cả và sự cạnh tranh trên thị trường, trong khi đại dịch COVID-19 đã khiến hành vi tiêu dùng thay đổi. Do hạn chế về di chuyển, người tiêu dùng đã chuyển sang mua sắm qua internet và giao hàng tận nhà hơn là đến các siêu thị. Điều này đòi hỏi các nhà phân phối phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của Brexit vẫn chưa chắc chắn, mặc dù Liên minh châu Âu và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã đạt được thỏa thuận về thương mại. Ảnh hưởng của việc mất chứng nhận MSC đối với nghề đánh bắt cá tuyết của Na Uy cũng không chắc chắn.

Có khả năng sẽ thiếu surimi trên thị trường do sản lượng của cả Mỹ và châu Á đều giảm. Do đó, giá sẽ tăng lên. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thể biết, liệu người tiêu dùng có còn chọn surimi (vì chế biến dễ dàng) khi đại dịch kết thúc hay không. Dự kiến năm 2021, Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống (hotel, restaurant and catering – HORECA) vì đại dịch ​​đang được kiểm soát tốt ở quốc gia này. Năm 2021 sẽ là một năm thú vị đối với ngành công nghiệp cá thịt trắng. Kỳ vọng giá sẽ được điều chỉnh.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Nguồn:  www.fistenet.gov.vn