Thứ Bảy, 5/08/2023, 8:00

Ứng dụng hệ thống tuần hoàn (RAS – Recirculating Aquaculture System) trong nuôi lươn đồng và một số đối tượng thủy sản khác tại thành phố Hồ Chí Minh

Trong những năm gần đây, mô hình nuôi lươn đồng (Monopterus albus) thương phẩm phát triển mạnh tại nhiều nơi do sự cải tiến về phương pháp nuôi, từ nuôi có bùn sang nuôi không bùn và sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn viên công nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại mô hình nuôi đang gặp một số khó khăn trong việc mở rộng qui mô như: việc tìm đủ nguồn nước cấp cho nhu cầu thay nước rất lớn hàng ngày (120 – 150 %) và sự kiểm soát tránh ô nhiễm môi trường khi nguồn xả thải hàng ngày rất lớn.

Từ thực tế trên, Chi cục Thủy sản đã nghiên cứu ứng dụng và xây dựng mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn – RAS (Recirculating Aquaculture System) tại 02 huyện Bình Chánh (ấp 5, xã Vĩnh Lộc Ba, huyện Bình Chánh) và huyện Nhà Bè (ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè).

Về cơ bản RAS là công nghệ nuôi thủy sản tiết kiệm nước bằng cách tái sử dụng nguồn nước trong sản xuất dựa trên việc sử dụng các bộ lọc cơ học và sinh học. Tuy nhiên, tùy đối tượng và qui mô sản xuất, hệ thống sẽ được điều chỉnh, cải tiến để phù hợp cho từng mô hình cụ thể và mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn là mô hình ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước mang lại hiệu quả cao và bền vững, cụ thể:

Xây dựng hệ thống nuôi tuần hoàn

Mô hình được thiết kế theo từng modul trên diện tích 50 – 60 m2 gồm 4 – 6 bể nuôi với tổng thể tích 20 – 30 m3 và 01 hệ thống lọc tuần hoàn thể tích 3 m3 tích hợp lọc thô, lọc tinh, lọc vi sinh và bể hồi cấp (Hình 1).

Hình 1: Mô hình nuôi lươn tuần hoàn tại huyện Bình Chánh
Hình 1: Mô hình nuôi lươn tuần hoàn tại huyện Bình Chánh

Hệ thống bể nuôi được đấu nối với hệ lọc tuần hoàn qua đường ống dẫn nước từ bể nuôi (lấy nước tầng đáy) về khu lọc với trình tự lần lượt đi qua bể lọc thô để tách giữ phần lớn chất thải có thể sa lắng. Sau đó, dòng nước đi qua bể lọc tinh để tiếp tục loại bỏ các chất thải nhỏ lơ lửng cũng như khử bớt mùi hôi trong nước trước khi chảy về bể lọc vi sinh để chuyển hóa tối đa các chất độc về dạng ít độc hơn trong chuỗi Nitơ (Ammonia à Nitrite à Nitrate) dưới hoạt động chủ lực của các dòng vi khuẩn chuyên biệt: Nitrosomonas, Nitrobacter,… Cuối cùng nguồn nước lọc được dẫn về bể tiếp nhận để được bơm cấp trả lại các bể nuôi thông qua máy bơm 24/24 với lưu tốc phù hợp.

Quy trình nuôi

Nguồn nước cấp: có thể sử dụng từ nhiều nguồn (nước sông, nước giếng, nước máy,…) tuy nhiên phải đảm bảo sự đồng nhất nguồn nước trong suốt vụ nuôi (hạn chế tối đa việc pha trộn các nguồn nước với nhau trong quá trình thay, cấp nước).

Nguồn nước phải được xử lý sạch mầm bệnh và đảm bảo các thông số môi trường phù hợp: độ pH từ 6,5 – 8,5; nhiệt độ từ 25 – 30 oC; độ mặn 0 – 1 ‰; nồng độ NH4-N < 1 mg/L. Ngoài ra, trong mô hình tuần hoàn, hệ vi sinh là yếu tố cần thiết và quyết định sự ổn định của hệ thống nên phải được nuôi cấy và nhân giống để hình thành một tập đoàn vi sinh hoàn chỉnh trước khi thả giống (7 – 10 ngày). Trong quá trình nuôi, việc bổ sung vi sinh định kỳ cũng phải được tuân thủ nhằm tăng cường mật độ và hoạt lực của vi sinh giúp kiểm soát tốt các mầm bệnh và các chất độc phát sinh ngày càng tăng trong quá trình nuôi.

Mặc dù nuôi với hệ thống tuần hoàn, nguồn nước được tái sử dụng, nhưng vẫn cần bố trí bể chứa nước dự trữ với trữ lượng từ ≥ 30 % thể tích của hệ thống để bảo đảm cho việc cấp bù lượng nước bốc hơi và xả cặn, đặc biệt những khi phân cỡ sang bể sẽ cần một lượng nước đáng kể để cấp mới vì phải xả cạn bể nuôi.

Nguồn giống: tốt nhất nên sử dụng con giống từ sinh sản bán nhân tạo để hạn chế mầm bệnh, giống đồng kích cỡ và được thuần qua ăn thức ăn viên công nghiệp giúp thuận tiện trong quá trình thu mua, bảo quản thức ăn cũng như ngăn chặn sự nhiễm bệnh và các chất gây hại so với khi sử dụng thức ăn tươi sống. Con giống thả trong hệ thống tuần hoàn có kích cỡ ≥ 2,0 g/con (500 con/kg) và nuôi thành 2 giai đoạn, với giai đoạn nuôi ương kéo dài 2 – 3 tháng (mật độ 600 – 800 con/m3) và giai đoạn nuôi thịt kéo dài 4 – 5 tháng (mật độ 300 – 400 con/m3).

Nguồn thức ăn: sử dụng 100 % thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có độ đạm (protein) ≥ 40 %. Lượng cho ăn từ 1 – 2 % tổng trọng lượng, ngày cho ăn 2 – 3 lần, trong đó tập trung vào 2 thời điểm là 7 – 8 giờ và 19 – 20 giờ. Trong quá trình cho ăn, cần quan sát sức ăn (sự bắt mồi) và hiện trạng sức khỏe đàn lươn để kịp thời điều chỉnh lượng ăn cũng như có những giải pháp quản lý thích hợp.

Hiệu quả mô hình

Hệ tuần hoàn qui mô 30 m3 gồm 6 bể nuôi, lượng giống cần thả từ 10.000 – 15.000 con, sau 8 – 10 tháng nuôi, lươn đạt size 4 – 5 con/kg với sản lượng thu được hơn 1.200 – 1.500 kg lươn thương phẩm, giá thành sản xuất là 100.000 đồng/kg.

Giá lươn thịt loại 1 hiện dao động ở mức 130.000 đồng/kg, (giảm 50.000 đồng/kg so với thời điểm trước dịch covid-19). Tuy nhiên, với tỉ suất lợi nhuận từ 30% vẫn đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi. Ngoài ra, với những đấu hiệu khởi sắc về thị trường tiêu thụ nông sản được kích hoạt trở lại khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, giá thương phẩm được dự báo sẽ tăng trở lại, đặc biệt đối với các sản phẩm được sản xuất với quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như mô hình tuần hoàn nước – RAS.

Khả năng nhân rộng

Ngoài nuôi lươn đồng, mô hình tuần hoàn (RAS) còn phù hợp cho một số đối tượng có giá trị kinh tế khác như: cá chình, cá bống tượng, cua biển, cá cảnh,…

Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức khi sản phẩm sản xuất ra phải đạt các yêu cầu như: sản phẩm sạch; giá cạnh tranh; không gây ô nhiễm môi trường,… Chính vì vậy, việc ứng dụng mô hình nuôi thủy sản trong hệ thống tuần hoàn thật sự là rất cần thiết và có khả năng nhân rộng do không tốn nhiều diện tích sản xuất, chi phí sản xuất phù hợp, tỷ suất lợi nhuận cao, phù hợp với xu hướng phát triển của nghề nuôi trồng thủy sản và phù hợp với nền nông nghiệp đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Võ Phương Tùng

Nguồn: Trạm Thủy sản An Nghĩa – Chi cục Thủy sản TP. HCM