Thứ Tư, 20/12/2023, 11:00

Ứng dụng công nghệ nuôi ương lươn giống, bớt lo ảnh hưởng thời tiết

Nhờ ứng dụng quy trình kỹ thuật, việc ương dưỡng lươn giống tại Nghệ An bớt được sự ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, cho tỉ lệ sống cao, con giống tốt.

Các mô hình nuôi lươn thương phẩm đã giúp Nghệ An chủ động nguồn cung sản phẩm lươn cho thị trường. Ảnh: Việt Khánh.

Thương hiệu “lương xứ Nghệ” lâu nay đã được biết đến rộng rãi với nhiều món ngon đặc trưng, có nét độc đáo riêng như súp lươn, miến lươn, cháo lươn… Việc phát triển các mô hình nuôi lươn trên địa bàn Nghệ An đã góp phần quan trọng tạo nên thương hiệu lươn xứ Nghệ.

Lươn là đối tượng thủy sản nuôi cho giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường rất lớn nhưng nguồn cung tại Nghệ An khó đáp ứng được do số lượng lươn trong môi trường tự nhiên đang trên đà suy giảm nghiêm trọng. Đây là hệ quả tất yếu của việc dùng thuốc BVTV quá đà trong sản xuất nông nghiệp, hay tình trạng đánh bắt tận diệt. Bên cạnh đó, trước đây việc nuôi lươn thương phẩm ở Nghệ An chưa phát triển nên việc cung ứng sản phẩm cho tiêu dùng còn hạn chế.

Từ đòi hỏi thực tiễn, Trung tâm giống Thủy sản Nghệ An (Sở NN-PTNT Nghệ An) đã đề xuất triển khai chuyên đề “Ứng dụng tiến bộ khoa học, nâng cao tỷ lệ sống trong quá trình ương dưỡng từ lươn bột lên lươn giống trong sinh sản bán nhân tạo giống lươn đồng tại Nghệ An”.

Nguồn cung và chất lượng con giống đảm bảo sẽ tạo điều kiện giúp nuôi lươn thương phẩm phát triển. Ảnh: Việt Khánh.

Quy trình này có tổng cộng 7 bước, trước tiên là chuẩn bị hệ thống ương nuôi, kế đó là các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ sống trong quá trình ương dưỡng. Tiếp theo là lắp đặt hệ thống xử lý nước tuần hoàn, tuyển chọn lươn bột, đưa ra phương án chăm sóc, quản lý. Sau cuối là thu hoạch, đánh giá tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của lươn giống.

Hệ thống lọc hoàn chỉnh bao gồm bể thiếu khí và hiếu khí. Bể thiếu khí để khử Nitrat (NO3 ->N2), bể hiếu khí để Nitrat hóa (NH3-p> NO2->NO3). Bể thiếu khí duy trì oxy hòa tan thấp hơn 0.5mg/l, mục đích để vi khuẩn thiếu khí lấy O2 từ NO3 và giải phóng N2. Quá trình này diễn ra nhanh hơn quá trình nitrat hóa, thường diễn ra trong vòng 4 – 8h.

Công tác khử trùng được thực hiện bằng tia UV nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước trước khi tái sử dụng, nước càng sạch thì hiệu quả xử lý của tia UV càng cao. Khử trùng bằng tia UV + Ozone giúp quản lý hiệu quả các bệnh thông thường, đồng thời ngăn chặn nguy cơ phát sinh dịch bệnh và hạn chế khả năng tấn công của các sinh vật ký sinh có hại như virus, nấm nguyên sinh động vật, Protozoa…

Thương hiệu “lươn xứ Nghệ” vang danh khắp cả nước. Ảnh: Việt Khánh.

Tại Nghệ An, thời tiết gặp nhiều bất lợi cho nuôi lươn. Vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp hơn mức bình thường để lươn phát triển và nắng nóng hầm hập vào mùa hè là bất lợi với con lươn, bởi lươn là loài da trơn, không vảy nên rất mẫn cảm trước sự thay đổi nhiệt độ.

Để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng do thời tiết gây ra trong nuôi lươn, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, định kỳ 1 tuần/lần phải rà soát tổng quan, kiểm tra các yếu tố môi trường nuôi (pH, Oxy, NH3…) trước và sau mỗi lần thay nước. Thông thường chỉ nên thay khoảng 70% lượng nước trong bể, kết hợp vệ sinh giá thể (lưới thưa mềm) thường xuyên.

Tại mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học vào nuôi lươn do Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An thực hiện, sau 85 ngày ương dưỡng, lươn duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển đều, trong những tháng cuối có hao hụt do biến động đột ngột của nhiệt độ môi trường, tuy nhiên mức độ chênh lệch không đáng kể. Qua kiểm tra, mô hình thu được khoảng 35.500 con lươn giống, tỷ lệ sống trung bình đạt 71,16%, nhìn chung đạt mục tiêu đề ra.

Chất lượng con giống tốt sẽ giúp người nuôi lươn hạn chế rủi ro, cho giá trị kinh tế vượt trội. Ảnh: Việt Khánh.

Thạc sỹ Trương Văn Toản, Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật (Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An) đánh giá, giải pháp nâng cao tỷ lệ sống trong quá trình ương dưỡng từ lươn bột lên lươn giống bằng khoa học công nghệ, ứng dụng thuần thục các biện pháp chăm sóc tối ưu và sử dụng nguồn nước từ hệ thống lọc máy tuần hoàn đã góp phần hoàn thiện quy trình, kỹ thuật nuôi, tạo đà thúc đẩy phong trào sản xuất giống lươn đồng trên địa bàn.

Báo Nông nghiệp