Với hàng nghìn ha mặt nước hồ, nhất là các hồ thủy điện lớn, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) có tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi cá lồng bè. Đặc biệt, với sự tham gia của các HTX, mô hình đang phát triển theo hướng an toàn sinh thái, giá trị gia tăng.
Trước đây, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong chủ yếu mua bán, ký gửi và sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Đầu tháng 9/2020, HTX đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh triển khai thêm mô hình nuôi cá lồng sinh thái trên hồ thủy điện Đak Krong.
Điểm sáng HTX Đak Krong
Ông Trịnh Khắc Dương, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Với mong muốn đa dạng hóa ngành nghề để tăng thu nhập, chúng tôi đã tận dụng diện tích mặt nước trên địa bàn để triển khai mô hình nuôi cá lồng với sự tham gia góp vốn của 10 thành viên”.
Để đảm bảo hiệu quả bền vững, HTX chủ động xây dựng các mô hình nuôi cá thương phẩm ứng dụng công nghệ nuôi mới hiện đại, phù hợp điều kiện tự nhiên của vùng nuôi, nhằm tăng năng suất, sản lượng, giảm thiểu dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Cụ thể, trong suốt quá trình nuôi thả, HTX kết nối với cơ quan chức năng để đảm bảo về kỹ thuật chăm sóc, tư vấn thuốc phòng bệnh, cách giữ vệ sinh lồng cá, xử lý chất thải khi nuôi.
Phòng NN&PTNT huyện kết hợp với các bên liên quan kiểm soát nguồn nước thải từ các hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở chế biến, đảm bảo không làm ô nhiễm nguồn nước nuôi. Đây là điều kiện giúp HTX bảo đảm các tiêu chuẩn và đạt được chứng nhận VietGAP.
Ở khâu lựa chọn lồng thả, HTX dùng lồng sắt để đảm bảo độ bền và tiện lợi cho quá trình vệ sinh. Nguồn cá giống được nhập tại địa chỉ uy tín do Chi cục thủy sản giới thiệu. Toàn bộ cá giống phải có nguồn gốc rõ ràng, không trầy xước, bong vảy, kích thước đồng đều và không mắc bệnh.
Khả năng tiếp cận khoa học – kỹ thuật nhanh, cùng các cơ chế thông thoáng, chiến lược phát triển thông minh của HTX tạo điều kiện tối đa cho các thành viên, hộ liên kết phát huy hết khả năng, sức sáng tạo, từ đó nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Đến nay, các loại cá rô phi đơn tính, diêu hồng và lăng đuôi đỏ nuôi lồng bè phát triển tốt và thích nghi với điều kiện khí hậu, nguồn nước tại địa phương. Trong đó, cá rô phi đơn tính và diêu hồng đang là hai loại cá chủ lực của HTX Đak Krong, với trọng lượng và chất lượng rất cao.
“Nếu giá cá thương phẩm giữ ở mức trên 40.000 đồng/kg như hiện nay, thì sau khi trừ chi phí có thể đạt lợi nhuận hơn 100 triệu đồng trên toàn vùng nuôi. HTX đang xúc tiến mở rộng đầu ra”, Giám đốc HTX Trịnh Khắc Dương thông tin.
Ngoài việc kinh doanh, nuôi cá lồng bè tại HTX Đak Krong còn hướng đến mục đích phát triển du lịch, kết hợp với mô hình cà phê cảnh quan. Đây là kế hoạch nằm trong mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường của HTX nhằm thích ứng biến đổi khí hậu.
Hướng phát triển kinh tế mới
Theo thống kê, toàn huyện Đak Đoa hiện có trên 100 hộ phát triển mô hình nuôi cá lồng bè, tổng diện tích hàng nghìn ha. Những năm qua, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP gắn với bảo vệ môi trường cũng là hướng đi được huyện khuyến khích, chú trọng hỗ trợ các HTX, hộ chăn nuôi.
Cụ thể, kể từ năm 2015 đến nay, huyện đã đẩy mạnh thực hiện chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hướng dẫn người dân thực hiện nuôi theo đúng mật độ, khoảng cách giữa các cụm lồng/bè phải bảo đảm theo quy định; khuyến cáo người nuôi không thả cá giống khi các yếu tố môi trường nước chưa bảo đảm.
Trong quá trình nuôi, các HTX, hộ chăn nuôi được khuyến cáo không cho cá ăn thức ăn hết hạn sử dụng, thức ăn không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
Đối với thức ăn tươi sống, các hộ nuôi được cơ quan chức năng hướng dẫn cho cá ăn theo đúng khẩu phần ăn hàng ngày, không để thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi…
“Xác định thủy sản là một trong những lĩnh vực kinh tế chủ lực, huyện sẽ tiếp tục dành nhiều nguồn lực đầu tư để xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời liên kết các hộ chăn nuôi trong các HTX, tổ hợp tác để nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng giá trị”, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Đak Đoa nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, huyện cũng sẽ đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức theo chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người nuôi, HTX và doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và thu mua, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Cùng với đó, huyện chủ động xây dựng thương hiệu cá nuôi lồng bè Đak Đoa, tập trung việc đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ thuật, kiến thức về sản xuất an toàn, thân thiện môi trường, chuyển giao tiến bộ cho người nuôi cá, giúp các hộ nuôi cá lồng bè trên địa bàn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nhật Minh
Theo Vnbusiness