Với quyết tâm thuần hóa tôm thẻ chân trắng từ môi trường nước lợ sang nước ngọt ngay tại quê hương, anh Nguyễn Văn Thảo, xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) không ngừng tìm tòi, học hỏi và thành công sau một thời gian ngắn thử nghiệm. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt của anh đã mang lại giá trị kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân trong huyện.
Sau hơn 10 năm nuôi tôm thẻ chân trắng nước lợ ở một số tỉnh miền Tây, nhận thấy lợi thế từ diện tích mặt nước tại quê hương, tiềm năng phát triển kinh tế lớn, năm 2020 anh Thảo quyết định về quê lập nghiệp. Với hơn 1ha ao của gia đình, anh chia thành ao nuôi và ao chứa nước. Dù đã có kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm nước lợ song khi chuyển sang nuôi nước ngọt anh rất chú trọng khâu chọn con giống và chăm sóc. Anh chia sẻ: Tôm thẻ chân trắng bản chất là tôm nước lợ khi chuyển về nuôi ở môi trường nước ngọt điều quan trọng là phải chọn được con giống tốt. Về con giống, tôi mua trứng tôm tại Ninh Thuận về tự ương dưỡng nên chủ động được nguồn giống phục vụ việc nuôi thả. Với người dân không ương dưỡng được giống cần phải chọn công ty giống uy tín. Sau khi có nguồn giống, người nuôi phải bảo đảm nguồn nước làm sao để tôm giống dần thích nghi với môi trường nước ngọt. Do vậy, phải nắm được kỹ thuật để thuần tôm cũng như bổ sung khoáng chất, chất dinh dưỡng cho hợp lý trong quá trình chăm sóc.
Để tôm sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, từ các ao nuôi cá trước đây của gia đình, anh Thảo tập trung cải tạo hệ thống cấp nước, xử lý môi trường ao. Hiểu được đặc tính tôm thẻ chân trắng cần cung cấp lượng oxy lớn, mỗi ao anh lắp 4 quạt nước trục dài. Quá trình nuôi, anh duy trì mực nước tối thiểu trong ao từ 1,2 – 1,5m và quản lý nguồn nước bằng các chế phẩm vi sinh để duy trì chất lượng nước ổn định đến cuối vụ.
Theo anh Thảo, đầu tư nuôi tôm nước ngọt chi phí không cao, bà con có thể tự thiết kế ao nuôi. So với nuôi tôm nước lợ, nuôi tôm nước ngọt ao không cần lót bạt, đổ bê tông, đầu tư trang thiết bị cũng ít hơn, chủ yếu trang bị kỹ thuật nuôi. Thời gian nuôi tôm ngắn, từ lúc thả đến khi thu hoạch khoảng 3 tháng, giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi cá. Hiện tại, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 30 con/kg giá bán trung bình 220.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi 1kg tôm thu lãi từ 120.000 – 140.000 đồng.
Từ thành công của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt, ao nuôi của anh Thảo được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Ông Vũ Ngọc Hân, xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) chia sẻ: Chúng tôi biết anh Nguyễn Văn Thảo là người đầu tiên ở Quỳnh Phụ thuần hóa thành công mô hình nuôi tôm nước lợ sang nước ngọt nên rất muốn đến học hỏi kinh nghiệm. Qua những lần thu hoạch, chúng tôi ra xem thấy nuôi tôm so với nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao hơn, thời gian đầu tư ngắn. Tuy số vốn ban đầu có cao hơn nhưng thời gian thu hồi vốn nhanh nên người dân chúng tôi rất muốn nuôi tôm nước ngọt.
Về kỹ thuật chăm sóc, anh Thảo cho biết thêm: Nếu người dân có nhu cầu nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt, tôi sẽ hỗ trợ tối đa về con giống, kỹ thuật chăm sóc với mong muốn có nhiều hộ nuôi giúp bà con nâng cao thu nhập.
Hiện nay, ngoài nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt tại xã Quỳnh Hoa, anh Thảo đang mở rộng các vùng nuôi tôm nước ngọt tại huyện Vũ Thư và huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Đây sẽ là hướng đi mới, hiệu quả đối với anh và nhiều người dân Quỳnh Phụ.
Nguyễn Cường
Báo Thái Bình